Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dự án bãi cọc Bạch Đằng mới phát lộ ở Hải Phòng có quy mô lớn cỡ nào?

(VTC News) -

Trong năm 2020, thành phố Hải Phòng triển khai dự án khu vực bãi cọc Cao Quỳ liên quan trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 với diện tích khoảng 150ha.

Tại buổi khai mạc Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) HĐND thành phố Hải Phòng khóa XV (nhiệm kỳ 2016 - 2021), ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng trình bày tờ trình UBND thành phố về chủ trương khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.

Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng.

Theo nội dung Đề án, dòng sông Bạch Đằng trên địa phận Hải Phòng trải dài từ ngã ba sông Đác Bạc và sông Giá đến phà Rừng. Nơi đây được biết đến là khu vực có nhiều địa danh, di tích lịch sử liên quan đến 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc.

Liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, tại thành phố có 142 đình, đền, miếu thờ ghi lại công lao các chiến tướng, trong đó phần lớn nằm tại huyện Thủy Nguyên.

Đặc biệt, vừa qua, trong quá trình lao động sản xuất, người dân phát hiện bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thủy Nguyên) liên quan đến trận chiến trên sông Bạch Đằng.

Qua những nghiên cứu cho thấy, di chỉ bãi cọc Cao Quỳ nói riêng và các di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng nói chung có ý nghĩa, giá trị đặc biệt xét cả trên phương diện lịch sử, văn hóa, khảo cổ và danh thắng.

Trong tương lai không xa, cụm di tích này hoàn toàn có thể trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp Quốc gia, tiến tới có thể đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Cọc gỗ được phát lộ tại cánh đồng Cao Quỳ liên quan trận chiến trên sông Bạch Đằng.

Mục tiêu của Đề án cũng xác định phạm vi khoanh vùng để hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên; xây dựng ranh giới phục vụ nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng; điều chỉnh các quy hoạch liên quan; làm tiền đề để triển khai các dự án khảo cổ, bảo tồn, phục dựng di tích trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp Quốc gia, tiến tới di sản văn hóa thế giới; định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khoanh vùng.

Trước mắt, trong năm 2020, thành phố Hải Phòng triển khai dự án khu vực bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khoảng 150ha và được chia làm 2 khu vực.

Khu vực 1 là trung tâm bãi cọc Cao Quỳ với diện tích gần 15ha, bao gồm: đường vào bãi cọc mặt cắt nền 18 đến 22m; dài hơn 3,4km. Bãi đỗ xe kết hợp rừng lim xanh diện tích khoảng 10ha. Khu trưng bày hiện vật khảo cổ diện tích 3ha, bao gồm các hạng mục là khu bảo tồn tại chỗ bãi cọc, nhà đón tiếp, trưng bày, giới thiệu hiện vật, nhà vệ sinh, quảng trường, đường dạo, vườn cây xanh…

Khu vực 2 với diện tích khoảng 135ha. Trước mắt giữ nguyên hiện trạng, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, nghiêm cấm xây dựng mới các công trình…

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng trình bày tờ trình UBND thành phố Hải Phòng về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ. Quy mô dự án khu bảo tồn di tích bãi cọc Cao Quỳ có tổng diện tích 30.000m2.

Tuyến đường vào Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ với chiều dài tuyến đường hơn 3,4km. Đầu tuyến là nút giao Quốc lộ 10 (Km7+630 lý trình QL10). Điểm cuối tuyến Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ. Bề rộng nền đường từ 18 đến 22m.

Xây dựng bãi đỗ xe có quy mô 1ha, sức chứa 75 ô tô các loại và 400 xe máy. Đồng thời, nơi đây sẽ trồng cây xanh với tổng diện tích đất hơn 14,8ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 431 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp này, ông Lê Văn Thành – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng cho biết, trong những năm qua, khu vực trên có nhiều nhà máy khai thác đá để sản xuất xi măng, khai thác đá làm vật liệu xây dựng.

Kỳ họp này, theo ông Thành, Hội đồng cho chủ trương để khoanh vùng, trong đó những dự án thuần túy khai thác mỏ, đá làm vật liệu xây dựng (mỏ nhỏ) có thể tạm thời dừng lại. Có biện pháp cho phép khai thác ngầm, sau này hoàn lại trồng cây vừa giữ được cảnh quan, vừa vẫn đủ đá để khai thác.

Khoanh vùng và tiến tới thực hiện khảo cổ, sau đó quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch, chúng ta lập dự án tổng thể, từng bước.

Nếu chúng ta chậm sẽ có những hang, núi, địa danh liên quan tới các cuộc chiến trên sông Bạch Đằng không còn”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh.

Sau khi thảo luận, các vị đại biểu HĐND TP Hải Phòng nhất trí cao và thông qua nghị quyết đồng ý với đề án của UBND TP Hải Phòng trình tại kỳ họp.

Video: Cận cảnh bãi cọc gần nghìn năm tuổi vừa phát lộ ở Hải Phòng

 

 

Nguyễn Huệ

Tin mới