Video: Đốt rơm rạ khói ngút trời ngay sát sân bay, cực nguy hiểm cho máy bay lên xuống
Những ngày này, nhiều nơi ở miền Bắc vào vụ gặt, cùng với đó là tình trạng đốt rơm rạ để lấy tro khiến không khí ô nhiễm, ngột ngạt dưới thời tiết khô hanh của mùa thu.
Nghiêm trọng hơn nữa, việc người dân khu vực Sóc Sơn (Hà Nội) đốt rơm rạ ngay sát Sân bay Nội Bài làm hạn chế tầm nhìn của phi công, có thể dẫn đến đáp nhầm đường băng, đe dọa đến tính mạng của hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay.
Chiều 30/9, theo ghi nhận của phóng viên dọc tỉnh lộ 131 đến xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), nơi đây có khu công nghiệp Nội Bài, nằm ở phía Tây sân bay Nội Bài. Hai bên đường là cánh đồng lúa được người dân gặt xong cách đây hơn nửa tháng.
Người dân cắt gốc rạ đốt lấy tro để làm phân bón cho vụ trồng hoa màu sắp tới gây khói quanh sân bay Nội Bài.
Khói mù mịt xung quanh sân bay Nội Bài.
Trên cánh đồng, người dân nhanh tay lượm đống gốc rạ để đốt lấy tro. Những cột khói trắng cuồn cuộn cao hàng chục mét bốc lên không trung, ngay sát đó là bức tường rào ngăn cách nơi máy bay hạ cánh xuống đường băng Sân bay Nội Bài.
Khoảng hơn 17h, bà S. (trú tại thôn Bắc Hạ, xã Quang Tiến) ra thửa ruộng khoảng một sào ở gần khu vực đường băng sân bay để cắt gốc rơm rạ đem đốt. Đống lửa cháy bùng bùng và mỗi khi bà S. bốc rạ ném vào là cột khói cao ngút cuồn cuộn bốc lên, lửa cháy ngùn ngụt.
Ở đằng xa, thấp thoáng trong làn khói trắng, những chiếc máy bay nhấp nháy đèn tín hiệu bay hướng về đường băng. Nhưng để đến được nơi hạ cánh, nó phải bay qua những thửa ruộng đang cháy rừng rực, khói trắng nghi ngút bốc lên không trung, khiến người đứng gần cũng cay xè mắt.
Máy bay hướng về sân bay để hạ cánh phải bay qua nhiều cột khói rơm rạ do người dân đốt.
Lớp khói mù bao phủ sân đỗ máy bay tại sân bay Nội Bài.
"Xã họ có tuyên truyền trên loa phát thanh cho chúng tôi biết về việc không được đốt rơm rạ. Tuy nhiên, chúng tôi trồng hoa màu, nếu không đốt gốc rạ thì vứt đi đâu, khi trâu bò không nuôi", bà S. lý giải.
Theo bà S., việc cắt gốc rạ đem đốt là để làm sạch ruộng, không còn sâu bọ. Sau đó, nông dân cày ải, cuối năm hoặc ăn Tết xong thì bà S. trồng dưa bở.
Trả lời phóng viên về việc đốt rơm rạ khi đang ngồi bán ngô ngọt ở ngã tư chợ, bà Trần Thị Tới (61 tuổi, thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến) cho biết: "Trước đây, người dân gặt lúa bằng tay xong mang lên bờ để cho vào máy phụt lúa thì họ đốt rơm luôn nên có khói nhiều. Giờ nhà nào cũng gặt bằng máy, lúa phụt ngay ở ruộng nên họ để rơm ở đó và khi nào cắt gốc rạ chuẩn bị trồng hoa màu thì đốt luôn một thể. Ở đây không lấy tro thì sao ra được cây màu."
"Kiểu gì người ta cũng phải đốt rơm rạ", ông Tạ Anh Luyến (50 tuổi, trú tại thôn Bắc Thượng) khẳng định.
Ông Luyến cho rằng, người dân nơi đây không nuôi nhiều trâu, bò, lượng gốc rạ lẫn rơm sau khi gặt nếu không đốt thì không biết vứt đi đâu.
Người dân cắt gốc rơm rạ rồi phơi khô để đốt.
Theo ông Luyến, giờ chưa phải là thời điểm người dân đốt nhiều rơm rạ nhất. Phải đến cuối tháng 9 âm lịch, người dân mới đồng loạt cắt gốc rạ rồi đốt, để giáp Tết trồng dưa lê, dưa bở...
Người dân thôn Bắc Thượng chủ yếu trồng hoa màu bởi vừa nhàn hơn vừa cho năng suất cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Đốt rơm rạ lấy tro vừa là biện pháp làm sạch đồng ruộng, vừa giúp họ tiết kiệm chi phí mua phân bón.
Theo những người dân sinh sống tại đây, loa phát thanh của xã thường xuyên tuyên truyền cho người dân về nguy hại của việc đốt rơm rạ. Tuy nhiên, họ khó mà thực hiện, bởi cuộc sống của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp.
Như vậy, có thể thấy dù chính quyền đưa ra nhiều biện pháp như yêu cầu người dân kí cam kết không đốt rơm rạ, loa phát thanh ra rả tuyên truyền việc đốt gây mất an toàn hàng không nhưng người dân vẫn đốt.
Khi nói về biện pháp giúp ngăn chặn việc đốt rơm rạ, một người dân đề xuất: "Nếu chính quyền địa phương xây dựng mô hình trồng nấm cho người dân nơi đây, để họ lấy rơm làm nấm thì việc đốt rơm rạ chắc chắn không còn. Hoặc có biện pháp thu gom rơm rạ cho cơ sở sản xuất nào đó để họ xử lý thì người dân sẽ không đốt bừa bãi như hiện nay nữa".
Video: Khói rơm rạ mù mịt bủa vây, người đi đường cay mắt, tức ngực
Trả lời VTC News, đại diện Cảng vụ Hàng không Sân bay Nội Bài cho biết, đơn vị đã gửi văn bản đến huyện Sóc Sơn cùng các xã xung quanh để vận động, tuyên truyền người dân không đốt rơm rạ gây nguy hiểm đến việc lên xuống của máy bay.
"Công an huyện Sóc Sơn cũng có văn bản gửi các xã, vận động bà con không đốt rơm rạ. Nếu trường hợp nào gây ảnh hưởng đến máy bay sẽ xử lý theo quy định của pháp luật", đại diện Cảng vụ Hàng không Sân bay Nội Bài cho hay.
Trước thực trạng tuyên truyền một đằng nhưng người dân thực hiện một nẻo, phóng viên đến làm việc với hai xã Quang Tiến và Mai Đình, tuy nhiên Chủ tịch UBND xã đều đi vắng.
Tiếp phóng viên là Phó Chủ tịch xã nhưng họ đều cho biết không có quyền phát ngôn và phải đặt lịch hẹn với chủ tịch xã.