TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa phần các trường hợp ngộ độc tới cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, mệt mỏi, có người đã rơi vào hôn mê.
Nam thanh niên (30 tuổi, Bắc Ninh) nhập viện từ ngày 27 Tết. Sau khi uống nhiều rượu trong buổi liên hoan, anh về nhà nôn nhiều và lên giường đi ngủ. Tỉnh dậy vào sáng hôm sau, nam thanh niên nói ngọng, liệt một bên. Sau đó anh được đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não (đột quỵ não) cả 2 bên. Nguyên nhân có thể do bệnh nhân uống quá nhiều rượu, nôn nhiều, mất nước, máu cô đặc dẫn đến việc dễ bị tắc mạch trên nền một số nguy cơ khác như béo phì, cao tuổi, mạch máu có vấn đề…
Chuyên gia cảnh báo thói quen nguy hiểm - uống rượu nhưng không ăn. (Ảnh minh họa)
“Đây là trường hợp tai biến mạch máu não do uống quá nhiều rượu, không phải tai biến mạch máu não thông thường”, bác sĩ Nguyên nói.
Hiện rất nhiều người trẻ uống rượu nhưng không ăn. Thói quen này rất nguy hiểm vì có thể gây hạ đường huyết, thậm chí rơi vào hôn mê. Rượu tạo ra tình trạng “no giả”, nghĩa là cảm giác bụng no nhưng rỗng, không có năng lượng. Thực tế nhiều trường hợp say rượu, ngộ độc rượu nhập viện đường huyết đã về mức 0 dẫn tới bất tỉnh, tổn thương não.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Nguyên gặp nhiều trường hợp do uống quá nhiều rượu, cơ thể không thể tiếp tục dung nạp dẫn tới nôn, gây tình trạng tụt huyết áp, suy thận, mất nước, thậm chí ảnh hưởng dạ dày, thực quản…
Uống rượu dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến nhiều chức năng, cơ quan của cơ thể. Rượu ảnh hưởng đến não, gây ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, ảnh hưởng chức năng hô hấp (ngừng thở, thở yếu), ảnh hưởng chức năng tim mạch, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến đường máu chuyển hóa gây hạ đường huyết, hạ thân nhiệt...
Bác sĩ Nguyên lưu ý hạn chế tối đa việc uống rượu. Người mắc bệnh lý về tim, động kinh, hô hấp, thể trạng gầy yếu không nên uống đồ uống này vì khi bị ngộ độc thường rất nặng.
Trong tình huống bắt buộc phải uống rượu, chuyên gia chống độc khuyên nên uống ít nhất có thể. Khi phải uống lưu ý việc ăn đầy đủ. Bạn nên chọn các món có nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết như cơm, cháo, bún, phở... Ăn các thực phẩm giàu chất đạm và chất béo để tăng cường năng lượng cho cơ thể.
Ngoài ra, bạn cũng nên uống nhiều nước để nhanh chóng giải rượu tránh được tình trạng mất nước.
Khi trong nhà có người uống rượu say, người thân cần chăm sóc họ chu đáo, chủ động đánh thức, cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không thể ăn uống, người nhà cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.