Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đồng ý chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành

Sáng 25/6, đa số đại biểu đã bỏ phiếu tán thành chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

(VTC News) - Sáng 25/6, đa số đại biểu đã bỏ phiếu tán thành chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành.


Sáng 25/6, 461 đại biểu quốc hội (ĐBQH) tham gia bỏ phiếu cho chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành, chiếm 93,32% tổng số ĐBQH. Trong đó có 428 đại biểu nhất trí thông qua chiếm tới 86,64%, 17 đại biểu không tán thành (chiếm 3,44%), 16 đại biểu không biểu quyết (chiếm 3,24%).


Phối cảnh sân bay Quốc tế Long Thành 

Có ý kiến cho rằng với mức tăng trưởng hành khách như hiện nay thì đến năm 2017 Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất sẽ quá tải. Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ các giải pháp để khắc phục sự quá tải này khi Cảng HKQT Long Thành đến năm 2025 mới hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1.



Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết Cảng HKQT Tân Sơn Nhất tiếp tục tiến hành nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa.



Tuy nhiên, với lượng hành khách tăng trưởng như dự báo sẽ dẫn đến quá tải. Để khắc phục vấn đề này khi Cảng HKQT Long Thành chưa đi vào hoạt động, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều giải pháp.



Để khắc phục quá tải về hạ tầng, hiện nay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã hoàn thành việc mở rộng nhà ga hành khách quốc nội và đang tiến hành triển khai mở rộng nhà ga hành khách quốc tế.



Đồng thời đang mở rộng sân đậu tàu bay từ 40 vị trí lên 63 vị trí trên phần diện tích mới nhận bàn giao từ Bộ Quốc phòng để đáp ứng yêu cầu cho công suất phục vụ tối đa 25-26 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành năm 2016.



Ngoài ra, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai các bước chuẩn bị tiếp theo, phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư để đưa công trình vào khai thác sớm hơn.


Kết quả Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sáng 25/6 

Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh với các cảng HKQT hiện đại trong khu vực chưa nên đặt ra vấn đề trung chuyển đối với Cảng HKQT Long Thành vì việc trung chuyển được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.



Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành trước hết là để giải quyết vấn đề quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế bằng đường hàng không.



Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án với mục đích giảm tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 với quy mô công suất phù hợp.



Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư; cần có giải pháp bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hạn chế để nhà tài trợ vốn ODA lập dự toán vì có thể làm tăng giá thành.



Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết trường hợp thu hồi đất 1 lần 5.000 ha thì tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD, tăng khoảng 4.620 tỷ đồng so với phương án thu hồi 2.750 ha) với cơ cấu vốn đầu tư như sau: vốn NSNN 16.732 tỷ đồng (chiếm 14,62%), vốn ODA 29.150 tỷ đồng (chiếm 25,47%), vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước 68.567 tỷ đồng (59,91%).



Để bảo đảm tính chính xác và khách quan đối với số liệu dự toán, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ sử dụng tư vấn độc lập lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.



Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án, đánh giá tác động của việc thực hiện Dự án đối với vấn đề nợ công, an ninh tài chính quốc gia.



Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết số liệu về hiệu quả kinh tế của Dự án sẽ được xác định chính xác khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.



Ngoài ra, việc đầu tư Dự án còn mang lại các lợi ích kinh tế - xã hội quan trọng như: góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước; góp phần nâng cao trình độ khoa học - công nghệ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm.



Về tác động của Dự án đối với nợ công, với các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công tối đa 0,28% GDP. 



Có ý kiến đề nghị làm rõ phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân có đất thu hồi.



Báo cáo tiếp thu giải trình cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã có bước chuẩn bị và chủ động tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng quản lý và sử dụng 5.000 ha đất dự kiến xây dựng Dự án như Báo cáo số 886/BC-UBTVQH13 ngày 02/6/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.



Đồng thời lưu ý rút kinh nghiệm công tác di dân, tái định cư đối với các công trình quan trọng quốc gia đã thực hiện để bảo đảm người dân di dời sớm ổn định cuộc sống, có nhà ở, đất canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp.


Chính phủ cần có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả đất chưa sử dụng, không để đất trống gây lãng phí.


Phạm Thịnh


Nguồn:

Tin mới