Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến giữa tháng 3/2021, dư nợ cho vay bất động sản (BĐS) của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng chung của nền kinh tế là 1,47%.
Đặc biệt, trong số 1,85 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản, chỉ có 35% là tín dụng kinh doanh bất động sản, nghĩa là gần 2/3 tín dụng bất động sản nhằm phục vụ nhu cầu mua nhà, sửa nhà thực của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có chương trình cho vay mua bất động sản với mức lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu khoảng 7%-8%/năm, sau đó thả nổi vào khoảng 9%-11%/năm.
Mức lãi suất này được những người có nhu cầu mua nhà đất để ở hoặc đầu tư nhận định là khá lý tưởng. Nhiều người gửi tiền thấy lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn cũng rút ra để đầu tư nhà đất với kỳ vọng mức sinh lời cao.
Dòng tiền ồ ạt đổ vào bất động sản có đáng lo?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) thừa nhận, thực tế là dịch COVID-19 khiến hàng loạt cơ sở sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, phải đóng cửa. Dòng tiền thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh đã chuyển hướng sang bất động sản, bởi đây không chỉ là kênh đầu tư mà còn là nơi cất trữ tài sản an toàn theo quan niệm lâu nay của người dân.
"Lãi suất gửi tiết kiệm chưa bao giờ thấp như thời gian qua, khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy vào bất động sản. Chính sách cho vay của các ngân hàng thương mại cũng "góp phần" khiến vốn tín dụng đổ nhiều hơn vào bất động sản, khi khách hàng có thể vay tới 70% giá trị tài sản bảo đảm. 3 tháng đầu năm 2021, tín dụng bất động sản tăng 2,31%, cao hơn mặt bằng chung của nền kinh tế đã cho thấy thực tế này", ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trong bối cảnh sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mặt bằng giá nhà đất lên cao mà dòng vốn ngân hàng lại chảy mạnh vào bất động sản, liệu có gây ra nguy cơ bong bóng hay nợ xấu như từng xảy ra khoảng 10 năm trước?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng bất động sản thực ra chưa hề đáng lo và đang được ngân hàng nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ, nên không có dấu hiệu tăng trưởng quá nóng.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho hay: “Theo tính toán của chúng tôi, tín dụng kinh doanh bất động sản thực tế chỉ mới khoảng 600-650 nghìn tỷ đồng, tương đương 7% tổng dư nợ nền kinh tế, tức không quá lớn. Chưa kể, trong tổng dư nợ cho vay bất động sản có gần 2/3 là cho vay mua, sửa nhà – đây là lĩnh vực cần khuyến khích vì phục vụ nhu cầu thực của người dân”.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021,ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết, đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ ở mức 33.000 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 4% tổng dư nợ cho vay. Còn nếu tính cả cho vay cá nhân mua nhà để ở là hơn 230.000 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng dư nợ. Tuy vậy, hầu hết các khoản vay mua nhà của cá nhân đều có tài sản đảm bảo giá trị cao, nợ xấu rất thấp.
''Danh mục cho vay cá nhân rất an toàn, một khoản vay như vậy dư nợ không lớn và tỷ lệ bảo đảm rất cao. Ngoài ra, lĩnh vực cho vay bất động sản còn được kiểm soát định kỳ theo tháng", ông Dũng nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng việc lo ngại rủi ro cho các ngân hàng là không cần thiết, bởi thực tế, hiện NHNN đã quản khá chặt chẽ tín dụng bất động sản.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, thời gian tới sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế.
Tín dụng tăng trưởng theo hướng mở rộng, tập trung cho vay với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông và tăng cường quản lý rủi ro cho vay đời sống, tín dụng tiêu dùng.