TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XII, XIII, XIV vừa có những chia sẻ về việc Tập đoàn Sovico của Việt Nam hỗ trợ, hợp tác, đầu tư 155 triệu Bảng (hơn 4.700 tỷ đồng) vào đại học Oxford (Anh).
Chi lớn cho chống biến đổi khí hậu và loại bỏ phát thải khí CO2
- Ông có băn khoăn về số tiền đóng góp, đầu tư lớn của một doanh nghiệp ở đất nước thu nhập trung bình vào một trường đại học giàu có, danh giá bậc nhất thế giới ở một quốc gia đã rất phát triển?
Không. Điều đó là đáng mừng, không cần phải băn khoăn. Vì một tỷ phú đã rất thành công và có nhiều đóng góp ở nước ta như bà Nguyễn Thị Phương Thảo khi đã quyết định đầu tư vào Oxford thì chắc chắn là có lý do và chúng ta khỏi phải lo thay họ là khoản đầu tư ấy có đáng không, có đúng địa chỉ không, có lãng phí không.
Tôi chỉ quan tâm về nội dung cụ thể của việc hỗ trợ, hợp tác giữa Sovico và đại học Oxford. Biết rõ nội dung hợp tác đầu tư thì sẽ đoán định được mục tiêu, ý nghĩa của của việc hợp tác đó.
Qua các kênh khác nhau, tôi được biết số tiền 155 triệu Bảng Anh này dành cho 3 hạng mục: tài trợ 7,5 triệu Bảng cho Quỹ học bổng để dành cho các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam và khu vực sau khi đỗ vào Oxford; số tiền tài trợ lớn hơn dành cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng khu giảng đường mới cho một trường thuộc Oxford; và phần lớn số tiền còn lại dành cho xây dựng trung tâm đào tạo cán bộ quản lý, dành việc hợp tác đầu tư, nghiên cứu đưa ra giải pháp về chống biến đổi khí hậu, loại bỏ phát thải khí CO2.
Sau đây hai bên sẽ còn bàn thảo cụ thể để ký kết hợp đồng với thời gian, lộ trình khác nhau nhằm bảo đảm mục tiêu đề ra và hài hòa lợi ích giữa các bên.
TS Bùi Sỹ Lợi.
- Cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục của ngành giáo dục nước ta còn nhiều hạn chế nhưng sao lại tài trợ, đầu tư vào trường đã rất hiện đại, chất lượng đào tạo hàng đầu thế giới?
Cùng một vấn đề nhưng mỗi người sẽ có cách tiếp cận và giải quyết khác nhau. Quan trọng là kết quả sẽ như thế nào. Oxford là trung tâm tri thức hàng ngàn năm tuổi của thế giới; là nơi đào tạo ra nhiều thế hệ chính khách, triết gia, nhà kinh tế, nhà khoa học hàng đầu quốc gia và thế giới.
Đây là nơi tập hợp của các nhà khoa học giải quyết các vấn đề lớn lao của thế giới. Trong đại dịch COVID-19, các nhà khoa học tại Oxford đã phát minh ra vaccine Astrazenca để đưa vào sản xuất quy mô lớn, góp phần giúp nhiều nước triển khai tiêm chủng diện rộng, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Như vậy, tài trợ, hợp tác đầu tư vào Oxford sẽ khiến sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam và khu vực có cơ hội tiếp cận ngay với môi trường đào tạo hàng đầu thế giới; mở ra cơ hội học tập ở môi trường đào tạo tốt bậc nhất thế giới cho nhiều thế hệ người Việt; mở ra sự hợp tác về giáo dục và khoa học giữa Việt Nam và Oxford.
Đây cũng là một trong những giải pháp bổ sung nhanh chóng nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân tài cho nước ta. Qua đó, kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để nước ta thu hẹp khoảng cách với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ hai là việc tài trợ, hợp tác đầu tư của Sovico vào Oxford sẽ tạo điều kiện để Oxford giải quyết được nhanh hơn, nhiều hơn những vấn đề mang tính toàn cầu cho nhân loại.
Tôi được biết không phải ai muốn tài trợ hoặc đầu tư cho Oxford cũng được họ chấp nhận. Bằng việc tài trợ, hợp tác đầu tư này, quốc kỳ của Việt Nam sẽ hiện diện thường trực ở Oxford. Điều đó đáng mừng, đáng tự hào lắm chứ.
Tự tin đặt chân đến các quốc gia phát triển
- Việc tài trợ, đầu tư này có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp Việt Nam?
Xưa nay chúng ta quen với việc các nước lớn, các quốc gia phát triển tài trợ, đầu tư cho nước ta. Trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đầu tư vào các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar…
Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tài trợ, đầu tư dự án lớn như vậy vào một quốc gia rất phát triển. Lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt cắm ngọn quốc kỳ tại trường đại học hàng đầu thế giới. Tôi nghĩ đó không còn là câu chuyện của riêng Sovico, của Vietjet, của bà Nguyễn Thị Phương Thảo nữa. Mà đó là thể hiện sự lớn mạnh vươn ra thế giới, tự tin đặt chân lên các quốc gia phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, của đất nước, dân tộc.
Thời gian qua, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, cho kinh tế, xã hội nước ta và việc họ đầu tư ra nước ngoài chứng minh sức mạnh của dân tộc ta, chứng minh đường lối đúng đắn về hội nhập, hợp tác với thế giới của Đảng, Nhà nước ta.
Việc Sovico ký với Oxford nằm trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); thăm và làm việc tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Như chúng ta đã biết, chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng đã rất thành công.
Nội dung hợp tác đầu tư để các nhà khoa học của Oxford nghiên cứu, đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường, loại bỏ phát thải khí CO2 chiếm phần lớn trong dự án Sovico đóng góp, đầu tư vào Oxford. Việc ký kết bản cam kết này diễn ra ngay sau khi kết thúc hội nghị COP26, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện trách nhiệm của Sovico và doanh nghiệp Việt Nam với đất nước.
Đây cũng chính là minh chứng về việc thực hiện cam kết, lời hứa của Thủ tướng tại hội nghị COP26: Việt Nam chủ động, nỗ lực chống biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải metan, loại bỏ phát thải CO2.
Có thể nói Thoả thuận tập đoàn Sovico ký kết với Oxford và gần 60 bản ký kết khác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nước trong chuyến công tác châu Âu do Thủ tướng dẫn đầu không chỉ mang ý nghĩa thương mại, đầu tư mà còn mang ý nghĩa về chính trị, ngoại giao. Qua đó, càng làm tăng vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Phát biểu tại buổi lễ ký kết giữa Tập đoàn Sovico và Oxford, Giáo sư Nick Brown đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa SOVICO và Viện Đại học Oxford, tin tưởng thỏa thuận ký kết hôm nay sẽ mang tới những bước phát triển mới trong nghiên cứu, phát triển tại Oxford, mang tới cơ hội học tập và nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên không chỉ ở Oxford mà còn tại Việt Nam và thế giới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng chia sẻ tại lễ ký kết: ‘Giáo dục và nghiên cứu là chìa khoá cho sự phát triển và thịnh vượng của nhân loại. Tôi tin tưởng những kết quả hợp tác lâu dài với Viện Đại học Oxford sẽ mang tới những cơ hội, những giá trị mới tốt đẹp cho cộng đồng, dành những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ tại môi trường giáo dục hàng đầu thế giới’.
Tại cuộc tiếp đón thân mật Giáo sư Nick Brown, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn Viện đại học Oxford khẩn trương triển khai các thỏa thuận cam kết đạt được, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các du học sinh Việt Nam có cơ hội tiếp cận tinh hoa tri thức của thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, dược, khoa học máy tính, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), môi trường cũng như chống biến đổi khí hậu.