Để có được nguồn điện trong những ngày tháng vất vả này là sự hi sinh, cống hiến không biết mệt mỏi của biết bao kỹ sư, công nhân thợ điện Thủ đô.
Công nhân nhà máy điện đấu tranh giữ máy móc.
Nhiệm vụ hàng đầu trong công tác tiếp quản là vấn đề an dân, Thành phố Hà Nội xác định mục tiêu đấu tranh trước mắt là phải giữ vững được đời sống bình thường của Nhân dân khi ta vào tiếp quản Thành phố. Bằng bất kỳ giá nào cũng phải bảo đảm điện, nước, vệ sinh, ổn định đời sống bình thường của mọi tầng lớp Nhân dân Thành phố, đặc biệt giữ vững dòng điện là một nhiệm vụ quan trọng.
Năm 1954, Nhà máy Đèn Bờ Hồ đổi tên thành Nhà máy Điện Hà Nội. Trước khi quân ta vào tiếp quản, ở Nhà máy Điện Hà Nội liên lạc giữa công nhân và cán bộ trong và ngoài nhà máy phát triển mạnh và ngày càng gắn bó chặt chẽ.
Nhiều công nhân liên tục viết báo cáo về tình hình sản xuất của nhà máy, vẽ sơ đồ nơi làm việc của mình trong nhà máy gửi ra ngoài cho cán bộ, cho cách mạng. Phong trào đấu tranh giữ máy móc được công nhân nhà máy luôn ý thức thực hiện và coi đó là nhiệm vụ ủng hộ kháng chiến.
Nhà máy Điện Hà Nội có thể hoạt động thì than là vấn đề sống còn. Vì vậy chủ Pháp âm mưu không tiếp tục chuyển than về Nhà máy 130 tấn/ngày như trước nữa mà dùng cho hết than dự trữ trước khi giao lại nhà máy cho Chính phủ ta.
Từ ngày 7/9/1954, chúng bắt đầu buộc công nhân phải lấy than dự trữ để đốt lò. Với số than còn lại lúc này, nhà máy chỉ có thể hoạt động đến ngày 4/10 và nếu có thêm 600 tấn than đang trên đường về thì nhà máy cũng chỉ hoạt động tối đa đến ngày 10/10/1954.
Bảo vệ nhà máy trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô.
Để giữ vững dòng điện, Ban cán sự nội thành được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Điện Hà Nội. Mục tiêu đấu tranh là đòi Pháp phải "bảo đảm đủ than dự trữ cho nhà máy chạy".
Có than mới có việc cho công nhân làm, có điện cho dân dùng, có ánh sáng để giữ gìn an ninh trật tự, có điện để đón mừng Chính phủ về tiếp quản - Khẩu hiệu kinh tế với khẩu hiệu chính trị đã tập hợp được đông đảo quần chúng trong hàng ngũ đấu tranh.
Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy nổ ra nhằm kiên quyết không để bọn chủ tháo dỡ máy móc thiết bị và buộc họ phải bàn giao cho ta. Bên cạnh đó, công nhân còn tích cực cất giấu máy móc, đẩy mạnh công tác binh vận, lôi kéo cai ký, nhân viên kỹ thuật về phía ta.
Đội tự vệ nhà máy được thành lập với hơn 30 đội viên. Hàng ngày, các chiến sỹ tự vệ phân công nhau trực ở những bộ phận quan trọng để giữ máy, đêm đêm bí mật canh gác để địch không phá hoại hoặc di chuyển máy móc.
Từ sáng 9/10, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội.
Suốt hơn 2 tháng đấu tranh liên tục, công nhân Nhà máy Điện Hà Nội được sự động viên khích lệ, ủng hộ hết lòng của gia đình, của công nhân các ngành khác, của Nhân dân Hà Nội, của Nhân dân lao động các địa phương bằng nhiều hình thức như gửi thư đến động viên, cử các đoàn đại biểu đến gặp chủ nhà máy, gặp Ủy ban kiểm soát quốc tế yêu cầu thực hiện các yêu sách của công nhân nhà máy, coi đó cũng là yêu sách chung của mọi người dân Hà Nội.
Sáng ngày 9/10/1954, Ban tiếp quản nhà máy do đồng chí Hồ Quý Diện - Trưởng ban tiếp quản khối lợi ích cộng đồng và đồng chí Trịnh Trọng Thực vào tiếp quản Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Trong nhà máy lúc này có cả lính Pháp đang chờ ngày rút quân.
Công nhân ngành điện tuần hành trong ngày Giải phóng Thủ đô.
Sáng ngày 10/10/1954, cả Hà Nội bừng sáng trong cờ hoa và biểu ngữ. Hà Nội sạch bóng quân thù, chào đón đoàn quân từ 5 của ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Cùng với đồng bào Hà Nội, công nhân Nhà máy Điện Hà Nội hân hoan chào đón đoàn quân cách mạng tiến vào tiếp quản Thủ đô. Dòng điện Nhà máy tỏa sáng hòa với niềm vui chung của người dân Thành phố đã được hoàn toàn giải phóng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận cờ đỏ sao vàng được kết bằng bóng đèn của công nhân Điện lực Hà Nội, năm 1954.
(Bài viết có tham khảo tư liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (1930-2010) NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Quyết định xuất bản số 2472-QĐ/NXBCTQG, ngày 10/12/2012).