Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

‘Động đất, sóng thần, doanh nghiệp Việt sẽ vượt qua’

(VTC News) -

2023 là năm khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam và dự báo 2024 cũng đầy thách thức, nhưng niềm tin và kỳ vọng doanh nghiệp Việt sẽ phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ về sức mạnh, tiềm năng, cơ hội của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ với VTC News về sức mạnh, tiềm năng, cơ hội của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

- Ông dự báo năm 2024 sẽ thế nào đối với doanh nghiệp, doanh nhân Việt?

COVID-19 là một cú động đất kinh hoàng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhưng chưa hết, bởi sau đại dịch, đã và đang xảy ra trận sóng thần càn quét qua cả thế giới. Đó chính là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất khẩu suy giảm, tăng trưởng âm, sản xuất đình trệ, tiêu thụ hàng hóa suy yếu.

Theo dự báo, khó khăn sẽ kéo dài sang năm 2024. Đây là mối lo, nguy cơ rất lớn không chỉ với Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thích ứng với mọi hoàn cảnh và biến thách thức thành cơ hội.

- Để vượt qua những thách thức trong năm 2024 và tham gia một “cuộc chơi" lớn hơn, doanh nghiệp cần làm gì, thưa ông?

Muốn chơi được với thế giới thì chúng ta phải hiểu được thế giới. Muốn hiểu được thì phải khai mở kiến thức, tri thức, quan hệ, chứ không thể thu mình lại.

Từng doanh nhân phải có tư duy hội nhập quốc tế, tư duy của cuộc chơi toàn cầu và hiểu được văn hóa kinh doanh quốc tế, từ đó hoàn thiện mình. Ví dụ, chơi với Nhật thì phải đúng giờ, phải giữ uy tín, chữ tín; Chơi với Mỹ phải đánh giá được lợi nhuận…

Học hỏi đội ngũ doanh nhân Trung Quốc về tinh thần kinh doanh mãnh liệt, ý chí và khát vọng vươn xa, có tầm nhìn chung vì lợi ích quốc gia, dân tộc…

Doanh nghiệp Việt cũng phải có năng lực về công nghệ, quản trị và hiểu được đối tác cần gì ở mình.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công.

- Ông có thể phân tích kỹ hơn về cơ hội lịch sử nâng tầm doanh nghiệp Việt trong tương lai?

Về bối cảnh khách quan, trong bối cảnh hậu COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, xung đột địa chính trị xảy ra, nhu cầu tất yếu đặt ra là phải sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Và Việt Nam rơi đúng vào tâm điểm của sự sắp xếp này. Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới muốn một địa chỉ cung ứng tin cậy để đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng của họ. Việt Nam là một điểm đến được lựa chọn.

Trong cơ hội hiếm có lóe lên giữa vô vàn khó khăn, Việt Nam cần có hành động, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thời cơ. Hiện nay, trên một nửa sản phẩm của Samsung được sản xuất ở Việt Nam. Phần mềm chạy máy bay Boeing cũng được sản xuất ở Việt Nam. Những mặt hàng thông thường như quần áo, giày dép của chúng ta phổ biến trên thị trường thế giới…

Không ai còn hoài nghi về năng lực sản xuất của Việt Nam ở thời điểm này. Các nước có công nghệ, có vốn, còn Việt Nam có nhân lực, có địa điểm, có môi trường tốt. Do vậy, chúng ta cần có một đội ngũ doanh nhân ngang tầm để đối ứng, làm đối tác của họ.

Hơn lúc nào hết, chúng ta phải khẩn cấp đào tạo, bồi dưỡng, thúc đẩy, nâng tầm đội ngũ doanh nhân Việt Nam để trở thành đối tác xứng tầm với các doanh nhân nước ngoài.

Về vị thế của Việt Nam, chỉ trong 3 tháng gần đây chúng ta đã mở ra những cuộc chơi lớn với những cường quốc thế giới: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…,đều là những đối tác hàng đầu. Họ có cam kết đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất tiên tiến nhất thế giới, chẳng hạn như công nghiệp bán dẫn.

- Điểm nhấn trong năm 2023 là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo ông, đây có phải là khởi nguồn cho việc chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh của doanh nhân - doanh nghiệp Việt?

Nghị quyết 41 như một lời hiệu triệu, một động lực tiếp thêm khí thế, sức mạnh cho doanh nhân Việt Nam. Chủ trương có rồi, Nghị quyết có rồi, chúng ta cần sự vào cuộc, cần hành động của Đảng, của các cấp chính quyền, của các bộ, ngành và toàn xã hội, chứ không chỉ các doanh nhân.

- Nhiều người vẫn nói, trên con đường khẳng định vị thế đầy thách thức của doanh nghiệp Việt thì rất cần thêm sự ‘tiếp sức’. Cụ thể, những ‘tiếp sức’ này là gì, thưa ông?

Khí thế kinh doanh, tinh thần kinh doanh, cơ hội kinh doanh đã có, nhưng chúng ta cũng cần một “cơn gió đông”, tức là cơn gió về mặt tinh thần của toàn xã hội để cùng lăn xả triển khai thực hiện, giúp doanh nghiệp cất cánh cao hơn và giúp doanh nhân tiến lên củng cố vị thế.

Đây cũng là lúc các doanh nghiệp đang mong chờ các chính sách tài khóa hiệu quả, kịp thời, nên tất cả cần triển được triển khai khai thật nhanh, sớm.

Về phía VCCI, từ trước đến giờ, chúng tôi có truyền thống và thế mạnh, nhất là góp sức để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đây là vấn đề sống còn của tất cả các doanh nghiệp, bởi môi trường kinh doanh là nước, doanh nghiệp là cá. Nước có trong lành thì cá mới sống khoẻ, mới lớn được. Nước bị ô nhiễm thì cá sẽ bơi đi hoặc còi cọc, hoặc chết.

- Xin cảm ơn ông!

PHẠM DUY (Ảnh Minh Đức)

Tin mới