Không bảo dưỡng ô tô định kỳ đúng cách
Lý do đầu tiên chính là cách bảo dưỡng xe chưa hợp lý. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến ô tô không ổn định, nhanh xuống cấp.
Thời gian định kỳ để bảo dưỡng xe là 6 tháng/lần, nhưng có thể thay đổi tùy theo khí hậu và mức độ sử dụng. Bạn có thể đến các trung tâm để bảo dưỡng xe một cách đúng đắn nhất.
Quên lịch thay dầu bôi trơn
Các nhà sản xuất khuyến cáo, thay dầu bôi trơn động cơ sau khoảng 5.000 km hoặc 10.000 km (tùy thuộc vào loại dầu) tương đương với 3 tháng hoặc 6 tháng tùy theo điều kiện nào đến trước.
Dầu động cơ bị biến chất mà không được thay thế kịp thời có thể bị cháy, thành chất sền sệt như bùn, thậm chí như muội than. Chất cặn dầu cháy sẽ bám vào các chi tiết máy, làm bó máy và nguy hiểm nhất bám vào xéc-măng dầu, gây kẹt xéc-măng, hở buồng đốt, động cơ có khói dầu và nặng là không thể vận hành.
Để xử lý triệt để vấn đề này, chẳng có cách nào khác là phải bổ máy và vệ sinh toàn bộ, với chi phí rất lớn.
Động cơ và gầm dễ bị hỏng nếu không thay dầu, bảo dưỡng đúng định kỳ. (Ảnh minh họa).
Đổ nhầm nhiên liệu
Sự cố này không nhiều nhưng cũng có thể xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu đổ nhầm dầu vào xăng, tùy vào lượng xăng còn lại trong bình mà xe có thể chạy được hay không. Nếu lượng xăng còn nhiều mà lượng dầu đổ thêm vào ít thì xe vẫn có thể nổ được nhưng chạy sẽ không bốc, còn nếu lượng dầu đổ vào quá nhiều thì xe sẽ không nổ được hoặc nổ được nhưng lịm dần rồi chết máy.
Để đề phòng việc nhầm lẫn, bạn có thể dán đề can loại nhiên liệu cho xe ở miệng bình nhiên liệu.
Tương tự là sự nhầm lẫn khi đổ nước vào dầu động cơ, điều này cũng sẽ khiến khi khởi động động cơ, xe sẽ chết máy.
Sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc
Các sản phẩm hỗ trợ đi kèm như xăng, dầu nhớt, nước làm mát dù không là bộ phận chính nhưng cũng quan trọng không kém.
Nên vì vậy đừng chủ quan mà mua những loại hàng không chất lượng, không rõ nguồn gốc. Những tác hại đi kèm sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ xe máy rất nhiều.
Quên hạ phanh tay
Sẽ có hai trường hợp xảy ra: hoặc quên hạ phanh tay, hoặc có hạ nhưng chưa hạ hẳn khiến phanh tay vẫn ăn nhẹ. Tuy nhiên, dù là trường hợp nào thì điều này cũng gây những thiệt hại nặng nề.
Trên phần lớn các loại xe ô tô hiện nay, hệ thống má phanh dừng (phanh tay) sử dụng loại phanh đĩa hoặc tăng-bua, được thiết kế độc lập hoặc kết hợp với hệ thống phanh chính, nhưng tất cả vẫn nằm trong cụm phanh sau.
Khi má phanh dừng vẫn còn sát vào tăng-bua hoặc đĩa phanh (quên hạ phanh tay hoặc hạ chưa hết), ma sát lớn giữa má phanh và tăng-bua hoặc đĩa phanh sẽ sinh nhiệt rất lớn khi xe chạy, làm cho má phanh có thể bị cháy.
Chưa nhả hết côn đã tiếp ga
Trên các dòng xe đời cũ trang bị hộp số sàn, nhiều người truyền cho nhau kinh nghiệm điều khiển “côn ra, ga vào” (ý là mỗi khi chuyển số rồi khi từ từ nhả côn thì cũng cần nhồi ga). Một số người đã áp dụng thói quen này khi sử dụng các dòng xe đời mới nên đã vô tình dẫn đến tình trạng xe bị cháy côn.
Các loại xe số tay thế hệ mới của các hãng gần đây thường được cải tiến với động cơ có công suất và mô-men xoắn lớn. Chính vì vậy, khi chạy xe, người lái chỉ cần từ từ nhả côn mà không cần đỡ ga khi bắt đầu khởi hành, kể cả với mặt đường có độ nghiêng (dốc) thấp mà động cơ vẫn không bị chết máy, chỉ tiếp ga khi côn đã được nhả hết.
Nếu côn chưa nhả hết mà đã tiếp ga vào thì động cơ có mô-men xoắn quá lớn và vượt quá hệ số bám của lá côn sẽ dẫn đến cháy côn.