Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đông Âu lúng túng khi tỷ lệ tử vong do COVID-19 liên tiếp lập kỷ lục

(VTC News) -

Trong vài tuần qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã đạt mức cao kỷ lục ở Bulgaria, Latvia và Romania.

Theo Our World in Data, trong tuần tính đến ngày 13/11, có 1.186 ca tử vong ở Bulgaria do COVID-19, tương đương 171 ca trên 1 triệu người. Ở Romania, 2.354 ca tử vong, tương đương 123 ca trên 1 triệu người và ở Latvia là 262 ca tử vong, tương đương 140 ca trên 1 triệu người.

Trong khi đó, trên toàn châu Âu, trong tuần tính đến 12/11, ghi nhận số ca mắc hàng tuần lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Gần 27.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trong cùng tuần, chiếm hơn một nửa tổng số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Bác sĩ đeo mặt nạ dưỡng khí cho bệnh nhân trong khu điều trị COVID-19 ở Romania. (Ảnh: AP)

Tại hầu hết các bệnh viện lớn ở thủ đô Romania, những ngày gần đây, nhà xác không còn chỗ. Trong khi đó, các bác sĩ ở Bulgaria phải tạm dừng các ca phẫu thuật thông thường để phẫu thuật cho bệnh nhân COVID-19. Tại thủ đô Serbia, nhiều nghĩa trang phải làm việc cả tuần để chôn cất các thi thể được đưa đến.

Hai tháng qua, làn sóng SARS-CoV-2 mới tràn qua các quốc gia ở Trung và Đông Âu, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn đang thấp hơn nhiều so với những nơi còn lại của "lục địa già". Trong khi nhiều chuyên gia y tế kêu gọi các chính phủ tái áp đặt biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, hoặc thậm chí là phong tỏa, nhưng giới chính trị gia vẫn chần chừ.

“Tôi không tin vào các biện pháp chống dịch trước khi có vaccine”, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic nói hồi tháng 10 khi nước này ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao nhất trong đại dịch. 

Châu Âu lóng ngóng trước đợt dịch mới

Đầu tháng này, một quan chức WHO cho biết, châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm của đại dịch. Trong khi một số quốc gia Tây Âu chứng kiến số ca bệnh tăng cao, thì các quốc gia ở phía Đông có số ca tử vong tăng. 

Các chuyên gia cho rằng chiến dịch tiêm chủng lóng ngóng và hệ thống y tế thiếu thốn, quản lý không hiệu quả đã tạo tiền đề cho những đợt bùng phát dịch mới tại Đông Âu, và các đợt dịch ngày càng mạnh hơn khi các nước không có giải pháp kịp thời. 

Bên cạnh đó, nhiều nước trong khu vực đang chuẩn bị bầu cử, điều có thể khiến các chính trị gia không muốn thúc ép người dân đi tiêm chủng hoặc áp đặt các quy định phong tỏa gây tranh cãi. Nhưng việc hành động chậm trễ này cộng thêm thông tin sai lệch về vaccine có thể khiến công chúng ngày càng e ngại hơn, dẫn đến việc họ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới trong khi không có nhiều biện pháp bảo vệ.

Bulgaria và Romania, đều thuộc Liên minh châu Âu, mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 23% và 35% dân số. Bosnia & Herzegovina mới chỉ có 21% được tiêm chủng đầy đủ.

Trong vài tuần qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã đạt mức cao kỷ lục ở Bulgaria, Latvia và Romania.(Ảnh minh họa: Getty)

Trong diễn biến mới nhất, một số nước Đông Âu bắt đầu áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế. Romania yêu cầu những người không có "thẻ xanh", không chứng minh được đã tiêm vaccine, đã phục hồi sau bệnh hoặc xét nghiệm âm tính với virus - phải ở nhà từ sau 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. 

Ở nước láng giềng Hungary, với gần 60% người dân được tiêm chủng đầy đủ, chính phủ yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và cho phép các công ty tư nhân tiêm vaccine cho nhân viên. Chuyên gia cho rằng những gì Hungary đang làm "quá ít, quá muộn".

Croatia và nước láng giềng Slovenia cũng đã giới thiệu "thẻ xanh" COVID. Nhưng các tổ chức y tế ở Slovenia đã cảnh báo rằng hệ thống y tế của họ đang trên đà sụp đổ.

Phương Anh

Tin mới