Video: Xem huấn luyện bay từ trên không cùng Trung đoàn 921 ngày Tết
Bầu trời những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay cao và xanh hơn, tiết trời được sưởi ấm bởi những tia nắng đầu xuân.
Thông thường, người ta cảm nhận không khí Tết bởi những cành đào, cây quất rợp phố hay mùi hương trầm phảng phất. Nhưng đối với các chiến sĩ Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân, bầu trời đối với họ là nhà. Khi thực hiện nhiệm vụ, các phi công sẵn sàng đón Tết ở ngôi nhà thứ 2 trên bầu trời.
Thượng uý Trần Thanh Phúc (SN 1991, Trung đoàn không quân 921) cho biết, năm nay lại là một năm anh đón Tết xa gia đình. Nhớ lại năm đầu tiên, Phúc không khỏi chạnh lòng vì không được quây quần cùng người thân bên mâm cơm ngày Tết.
Thượng uý Trần Thanh Phúc, phi công Trung đoàn không quân 921
"Tôi đã có 3 cái Tết xa nhà. Tết đầu tiên bỡ ngỡ, buồn, nhớ nhà. Các năm về sau mặc dù cũng nhớ nhà nhưng tôi đã quen với môi trường quân đội, sẵn sàng trực Tết.
Tết năm nay tôi lại tiếp tục ở lại đơn vị, cùng đồng đội bảo vệ bầu trời của Tổ quốc. Chúng tôi đón Tết với phương châm: Sẵn sàng chiến đấu cao, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm", Phúc kể.
Cơ duyên đến với nghề phi công của Phúc cũng rất tình cờ. Hồi cấp 3, mỗi khi nghe từ phi công bản thân Phúc cảm thấy thích thú. Sau đó, anh đi khám tuyển, thi tuyển và đỗ vào trường Sĩ quan Không quân (Nha Trang).
Một buổi học thực hành của phi công Trung đoàn không quân 921
Để trở thành phi công, Phúc và đồng nghiệp phải trải qua những khoá huấn huyện khắt khe. Đầu tiên là khám tuyển sức khỏe rất chặt chẽ, không bị bệnh tật, sức khỏe phải thật sự đảm bảo mới hoạt động được trên không.
"Đối với phi công, các buổi chiều trong ngày đều phải huấn luyện thể lực, phải đi giám định sức khoẻ định kỳ hàng năm. Khi đạt điều kiện sức khỏe thì mới được tiếp tục bay tiếp, nếu không đạt thì phải dừng bay để điều trị.
Nghề phi công rất khó khăn. Ban đầu phải cố gắng học tập, sau đó lên bay thì phải cố gắng hoàn thành chương trình bay đơn tốt", Phúc cho biết.
Buổi huấn luyện thể lực của các phi công.
Mặc dù gia đình không có ai theo nghề phi công nhưng Phúc được cả gia đình ủng hộ theo đuổi đam mê. Đến nay, Thượng uý Trần Thanh Phúc đã bay được 550 giờ.
Với Thượng uý Trần Thanh Phúc, khi mang sứ mệnh bảo vệ bầu trời của Tổ quốc thì bản thân luôn phải cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, phải nắm chắc lý thuyết chuyên ngành như kỹ thuật hàng không, máy bay, động cơ, vô tuyến điện tử, vũ khí hàng không,…
"Nắm chắc các trang thiết bị khí tài thì sẽ tự tin làm chủ bầu trời, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc", Thượng uý Trần Thanh Phúc tự hào chia sẻ.
Thượng uý Trần Thanh Phúc cùng đồng đội.
Trả lời PV VTC News, Thượng tá Dương Quốc Thịnh, Chính ủy Trung đoàn không quân 921 cho biết, những năm gần đây, trung đoàn thường xuyên được bổ sung lực lượng phi công trẻ.
Đây là lớp kế cận của thế hệ đi trước. Trước khi trở thành phi công của trung đoàn thì sẽ được giới thiệu về truyền thống của trung đoàn. Sau đó, trung đoàn tổ chức lập kế hoạch học tập mặt đất chặt chẽ, đảm bảo đủ điều kiện trước khi cho vào bay.
Song song với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, công tác hậu cần chuẩn bị đón năm mới cho các chiến sĩ trong trung đoàn được đơn vị lên kế hoạch tổ chức để các chiến sĩ đón Tết xa nhà vẫn cảm nhận được sự đầm ấm.
Thượng tá Dương Quốc Thịnh, Chính ủy Trung đoàn không quân 921
"Chúng tôi xác định dịp Tết Nguyên đán là nguồn cổ vũ động viên tinh thần đối với các chiến sĩ. Ngoài các chế độ tiêu chuẩn của cấp trên, trung đoàn cũng trích một phần kinh phí hỗ trợ các đơn vị đón Xuân, đồng thời bảo đảm tốt nguồn lương thực thực phẩm bằng cách tăng gia tại chỗ với vườn cây, ao cá, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, trong bối cảnh cả nước đang gồng mình phòng chống dịch COVID-19, đơn vị cũng tích cực làm tốt công tác phòng dịch trong dịp Tết Nguyên đán", Thượng tá Dương Quốc Thịnh cho biết thêm.