Dư luận đang xôn xao về sinh vật "lạ" màu ánh bạc xuất hiện trên vùng biển Phú Quý (Bình Thuận), được một ngư dân quay video lại.
Nhiều người đưa ra giả thiết sinh vật này chính là cá rồng biển Namazu, loài cá cảnh báo sóng thần trong truyền thuyết Nhật Bản.
Trả lời phóng viên VTC News chiều 4/10, ngư dân tại khu vực đảo Phú Quý khẳng định, sinh vật này xuất hiện rất thường xuyên, không xa lạ gì với người đi biển.
Anh Châu Văn Thành, một cư dân Phú Quý, nói: "Mấy năm trước, cứ đến mùa gió nam là mấy con này lại trôi dạt vào bờ biển đảo Phú Quý rất nhiều. Người dân nơi đây gọi nó là mực ông bà, có người gọi là ông cờ vì mấy cái màng cánh của nó như lá cờ màu tím. Đây cũng chỉ là một loại mực thôi. Nghe các cụ nói mực ông bà nấu hoài không chín, tuy nhiên chưa ai từng thử nấu bao giờ vì họ đồn đại nó là con vật tâm linh".
Anh Nhàn, một người dân Phú Quý khác, cho biết anh từng có lần gặp và bắt sinh vật này nhưng sau đó thả đi.
Con vật kỳ lạ gây xôn xao trên mạng. (Ảnh: Từ Robinson)
"Họ gọi đây là mực ông bà, khi nó di chuyển thì những mảnh da như vải xòe ra, có khi chiều dài hơn 1 mét. Ở Phú Quý nhiều người xem loài mực này là loài tâm linh", anh Nhàn cho biết.
Nhiều ngư dân cho rằng mực ông bà thực chất là bạch tuộc chăn (tên khoa học là Tremoctopus).
"Nhìn hình ảnh thì đây có thể là con cái, vì con cái có thể dài đến gần 2 mét. Con đực thì nhỏ hơn rất nhiều. Những năm trước, có thời điểm nó trôi dạt vào bờ biển rất nhiều, giờ ngày càng ít đi", một ngư dân đi biển lâu năm cho biết.
Trước đó, trên trang cá nhân của mình, tài khoản Từ Robinson (ngư dân Khánh Hòa) chia sẻ hình ảnh "thủy quái" kỳ lạ và chia sẻ: "Con người chúng ta hiểu biết được bao nhiêu về đại dương? Hình ảnh này vô tình thấy được trên đường đi biển. Dân đảo gọi là Ông Mực, dừng ghe lại thả tiền, thắp nhang cầu mong mọi điều may mắn. Khi nhìn thấy, mình cảm giác rất sợ".
Chia sẻ của Từ Robinson đã kéo theo nhiều bình luận, phỏng đoán về tên gọi loài sinh vật có ngoại hình bắt mắt này.