Xưởng đóng giày tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa được thành lập cách đây đúng một phần tư thế kỷ. Nằm lọt thỏm giữa những tán cây lâu đời trong Bệnh viện, 25 năm nay xưởng vẫn ngày ngày đều đặn vang lên tiếng búa đập keo lóc cóc của những người thợ trong xưởng.
Bất kể nắng mưa, lễ tết,… chỉ cần có “khách” là những người thợ ở xưởng bắt tay ngay vào công việc để hoàn thành các đơn hàng cho bệnh nhân phong tại bệnh viện nói riêng và cả nước nói chung.
Dù là ngày nghỉ, những người thợ vẫn miệt mài với công việc ý nghĩa của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm - Tổ trưởng, người thầy đầu tiên dạy ông đóng giày có tên là Lê Huyền Linh, người TP.HCM, cũng là một bệnh nhân phong. Ban đầu xưởng có 8 thợ, đến nay có 4 người đã nghỉ hưu hoặc thay đổi vị trí, 4 người còn lại đều là những người mắc bệnh phong ở thể nhẹ.
Công việc hằng ngày của họ là làm ra những đôi giày, chân tay giả cho các bệnh nhân phong không chỉ ở Bệnh viện mà tất cả các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên…
Theo ông Tâm, khâu đầu tiên trước khi đóng giày là phải kiểm tra chân để xác định được mức độ thương tật của bệnh nhân phong, lấy số đo bàn chân rồi vẽ khuôn phác thảo mẫu giày.
Mỗi người thợ phụ trách một công đoạn khác nhau.
Khó nhất là công đoạn làm đế giày. Bệnh nhân phong thường có tổn thương ở lòng bàn chân khiến bàn chân không như người bình thường nên đế giày phải được chế tạo vừa khít với lòng bàn chân. Khi sử dụng, trọng lượng cơ thể bệnh nhân sẽ phân đều lên đế giày để tránh những tổn thương mới và giúp những vết thương cũ mau lành hơn.
Những bệnh nhân phong ở tại bệnh viện thì được những người thợ có tay nghề thâm niên ở đây tính toán, đo đạc tạo ra đôi giày có kích thước và chức năng phù hợp ngay tại chỗ.
Những khuôn giày, dép độc nhất vô nhị.
Bệnh nhân ở xa sẽ được tạo khuôn chân bằng thạch cao, được lưu lại từ 3 - 5 năm. Thời gian trôi qua, lượng ăn mòn của bệnh phong đối với đôi bàn chân bệnh nhân bao nhiêu thì các mẫu được lưu sẽ được bù đắp như thế và tạo ra những đôi giày mới, được đóng gói và gửi đi.
Những chiếc giày được tạo ra, đế không được quá 4 phân, phần trên là mút mềm, phần dưới là lớp cứng để các vật nhọn không thể đâm vào chân bởi đôi chân của người bệnh phong khi bị thương hay lở loét sẽ rất khó lành.
Các mẫu chân của bệnh nhân phong được lưu tại xưởng từ 3 - 5 năm.
Ông Lê Viết Đức (53 tuổi, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, thông thường, người thợ đảm nhận từ khâu đầu tiên đến khi hoàn thành sản phẩm như: đo đạc, thiết kế, gia công đến hoàn thiện.
Nếu bệnh nhân bị bệnh nhẹ người thợ chỉ mất một ngày để hoàn thành một đôi, với những bệnh nhân bị biến dạng nặng thì phải thực hiện các kỹ thuật cao nên muốn tạo ra một đôi giày phải mất nhiều thời gian hơn.
“Thời gian mới làm nghề, do kỹ thuật còn non nên tôi gặp nhiều khó khăn khi phải làm giày cho những bệnh nhân có bàn chân bị biến dạng nặng. Qua thời gian tay nghề ngày càng tốt lên, hiệu suất công việc được đẩy nhanh, sản phẩm làm ra cũng đẹp hơn.
Thường đối với bệnh nhân nội trú, sau khi sản xuất xong, chúng tôi hẹn bệnh nhân đến đây để nhận, còn các bệnh nhân ở ngoại trú, chúng tôi sẽ về tận địa phương trao cho bệnh nhân”, ông Đức kể.
Mỗi số phận được thể hiện qua một đôi giày, dép.
“Mỗi đôi giày là một số phận”, ông Đức nói và kể về trường hợp bệnh nhân tại Phú Yên. Khi đến Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa điều trị, các bác sĩ chỉ định xuống xưởng để đóng giày nhưng bệnh nhân này nhất quyết chỉ đi các loại giày ngoài thị trường để che giấu bệnh tật.
Sau nhiều ngày thuyết phục, bệnh nhân mới chịu mang thử đôi giày “chuẩn đến từng mi-li-mét” cho bàn chân mình. Rồi trải qua những tháng ngày “làm bạn” với đôi giày đặc biệt, bệnh nhân này mới thấy sự hữu dụng trong việc di chuyển và từ đó, mỗi năm, đều đặn hai lần bệnh nhân tới xưởng đặt hai đôi giày.
Chất liệu chính để làm những đôi giày đặc biệt này là da hoặc giả da, phần đế trên sử dụng xốp, đế dưới dùng cao su cứng.
Theo chia sẻ từ những người thợ, chất liệu chính để làm những đôi giày đặc biệt này là da hoặc giả da, phần đế trên sử dụng xốp, đế dưới dùng cao su cứng. Phương pháp làm thủ công và thô sơ, nhưng bên trong đó là cả tấm lòng của các người thợ, của bệnh viện và các nhà hảo tâm.
Nguồn khách hàng có hình dáng chân đa dạng do bị bệnh nên tất cả các đôi giày tạo ra đều khớp với đôi chân “khách hàng” ấy. Phương châm làm giày của xưởng là theo “toa” của bác sĩ và sự ưng bụng của “khách hàng”.
Những đôi giày được tạo ra từ xưởng, không đôi nào giống đôi nào, tất thảy đều lệch pha và không số. Chiếc dài, chiếc ngắn, chiếc tròn, chiếc bầu dục… chúng sinh ra để mang sứ mệnh nâng đỡ những đôi chân không lành lặn bởi căn bệnh phong quái ác theo thời gian.
“Chúng tôi ở đây đã được mấy chục năm, từ thuở các Sơ làm việc thiện tự phát cho đến nay. Bằng cái tâm của những người bệnh đồng cảnh ngộ, những đôi giày chúng tôi tạo ra không chiếc nào giống chiếc nào, làm ra được đôi giày có đế phải vừa cứng vừa êm để các bệnh nhân có được cảm giác thoải mái nhất, thậm chí phải khoét lỗ để phù hợp cho các vết thương dưới chân. Những đôi giày chúng tôi làm ra, như sự an ủi để vững tin các bệnh nhân, các bước chân sẽ không còn đau đớn”, ông Tâm chia sẻ.
Video: Một công đoạn trong quy trình tạo ra những đôi chân giả cho bệnh nhân phong:
Những người thợ ở đây, ngoài việc tạo ra những đôi giày đặc biệt thì còn sản xuất ra chân, tay giả cho bệnh nhân phong bị cắt một phần cơ thể trong quá trình điều trị.
Cả khu xưởng có 4 thợ thì 3 người làm nhiệm vụ đóng giày, người còn lại được chia cho một khu vực trong xưởng để tạo ra những chiếc chân, tay giả cho bệnh nhân đã bị bệnh phong bào mòn hết chân, tay. Các đơn hàng cũng được đặt theo yêu cầu.
Những mẫu hình chân tay giả cho bệnh nhân phong.
“Một chiếc chân giả ở đây được tạo ra với giá vô cùng rẻ, tối đa là 3 triệu đồng/chiếc để phù hợp với các yêu cầu của bệnh nhân. Phương pháp làm cũng thủ công, đơn giản bởi dụng cụ ở đây rất thô sơ”, anh Nguyễn Tấn Mẫn, phụ trách việc làm chân, tay giả chia sẻ.
Anh Mẫn, cũng là bệnh nhân phong tại viện phụ trách công đoạn làm tay chân giả cho bệnh nhân.
Một chiếc chân, tay giả ở xưởng được tạo ra từ khuôn mẫu thạch cao theo thông số của bác sĩ bệnh viện cung cấp cho bệnh nhân. Xưởng chỉ làm cho “khách hàng” điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh - Giám đốc bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa - cho biết, mặc dù được tạo ra bằng những phương pháp thô sơ, nhưng cả trái tim và tấm lòng người làm ở trong đó để bệnh nhân mỗi bước đi và di chuyển được cảm thấy thoải mái nhất.
Có thể không thời trang và hiện đại như những đôi tay chân giả ở bên ngoài nhưng phải đảm bảo giống nhau về tác dụng nâng đỡ cơ thể và qua đó làm nhẹ đi nỗi đau của những tâm hồn từ xưa đã không lành lặn.
Đến thời điểm hiện tại, tình trạng dị dạng ở tay chân bệnh nhân phong ngày càng ít đi, vì bệnh đã có thuốc chữa trị chứ không như ngày xưa nữa nên việc đóng giày và làm chân tay giả sẽ có chiều hướng ít đi, nỗi lo về kinh phí duy trì cũng bớt.
Cũng nhờ những đôi giày “đặc chủng” này mà bệnh nhân được giảm thiểu tối đa các thương tổn và tái phát.
Mặc dù được tạo ra bằng những phương pháp thô sơ, nhưng những đôi giày dép, chân tay giả không chỉ nâng đỡ cơ thể mà còn nâng đỡ những tâm hồn từ xưa đã không lành lặn.
Có thể nói, sự ra đời và cố gắng duy trì xưởng đóng giày và làm chân tay giả tại Bệnh viện đáp ứng được nhu cầu vô cùng cần thiết của bệnh nhân phong. Dù thu nhập hàng tháng của những người thợ nơi đây chỉ từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, nhưng ai cũng làm bằng cả trái tim yêu thương người đồng cảnh.
Bà Ma Thị Ba, 77 tuổi, bệnh nhân khoa Lão khoa sống tại làng phong Quy Hòa cho biết, bà bị căn bệnh quái ác ăn mòn hai tay, một bên chân khi bệnh diễn tiến nặng cũng phải cắt bỏ.
Khi xưa mỗi lần cần di chuyển là bà đau đớn lắm, phải bò lết vì chỉ còn một bên chân. Từ khi có dép da, có chân giả do bệnh viện cấp, dù bệnh đã nặng hơn nhưng khi đi chân bà ít bị đau hơn.
Từ khi có đôi dép "đặc chủng" cùng chân giả, bà Ba như có "đôi hài vạn dặm" để có thể dạo khắp làng.
"Với đôi dép “đặc chủng” cùng chân giả tôi như có đôi hài vạn dặm để có thể dạo quanh khắp làng. Tuy nhiên, lần đầu tiên mang dép “đặc chủng” và chân giả, thú thiệt tôi mặc cảm lắm vì nó không giống với giày dép của người bình thường. Nhưng rồi cũng quen, đi lại được là vui rồi”, bà Ba chia sẻ.
Những sản phẩm xưởng giày "làng phong Quy Hòa" làm ra không chỉ nâng đỡ những hình hài xiêu vẹo mà còn là thuốc để chữa lành những vết thương trên cơ thể và xoa dịu những trái tim vốn cũng đớn đau cùng căn bệnh.
Kỳ sau: Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác