Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đồi xanh bị cạo trọc phân lô, bán nền ở Lâm Đồng: Sai phạm tương tự đã bị xử lý

(VTC News) -

Sai phạm ở quả đồi 36ha tại TP Bảo Lộc đã được UBND tỉnh Lâm Đồng rốt ráo xử lý, vậy lần này, liệu huyện Bảo Lâm có trở thành "vùng cấm"?

Video: Từ trên cao cảnh đồi chè, cà phê ở Lâm Đồng bị băm nát phân lô, bán nền

Khẳng định "đúng quy trình"?

Liên quan đến vụ đồi 41ha bị cạo sạch màu xanh, phù phép thành khu nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng, mới đây, UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) và Công ty CP Đầu tư và phát triển BĐS Khải Hưng (Khải Hưng Corp) đã có văn bản phản hồi tới VTC News về vụ việc.

Theo văn bản phản hồi của UBND huyện Bảo Lâm, những hiện trạng được VTC News phản ánh đều được các cá nhân và chính quyền địa phương thực hiện theo "đúng quy trình", quy định của pháp luật.

Đại công trình mang tên Khu nghỉ dưỡng Sun Valley được xây dựng trên quả đồi 41ha tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm. (Ảnh: Thy Huệ)

UBND huyện Bảo Lâm cho rằng, trong thời gian qua, đơn vị chỉ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và "chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sán trên địa bàn".

Việc hiến đất của người dân chủ yếu là để mở đường giao thông, nhằm thuận tiện trong việc vận chuyển, đi lại. Sau khi hiến đất làm đường, người dân đã lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lập thủ tục tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất được cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Việc hiến đất làm đường trong thời gian qua mà UBND huyện đã giải quyết là của các hộ gia đình, cá nhân, nhằm tạo mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng. Sau đó các hộ thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa. Sau khi đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các hộ dân đã giao, ủy quyền cho một số doanh nghiệp, công ty bán hàng.

Các đơn vị được các hộ dân ủy quyền bán hàng đã tự đặt tên cho các khu đất được tách thửa là khu “nghĩ dưỡng, khu dân cư” và đặt tên bằng tiếng nước ngoài để bán hàng.

"Đối với khu vực VTC News phản ánh tại xã Lộc Quảng với khu đất 41ha hiện đang được Công ty Khải Hưng rao bán. Qua rà soát, khu vực này được quy hoạch là đất ở nông thôn và được UBND huyện Bảo Lâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 11 hộ gia đình, cá nhân với diện tích khoảng 25ha. Các hộ gia đình đã thực hiện các thủ tục hiến đất làm đường, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa theo quy định.

Các khu đất được đặt tên theo tiếng nước ngoài do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên, ủy quyền cho các đơn vị bán hàng. Các đơn vị này tự đặt tên cho khu đất bằng tên nước ngoài và rao bán trên mạng xã hội. Công ty Khải Hưng là đơn vị được ủy quyền bán hàng", phản hồi của UBND huyện Bảo Lâm.

Như vậy, hay chăng theo UBND huyện Bảo Lâm, chỉ cần "đúng quy trình" thì bất kể kết quả như thế nào, kể cả việc hàng trăm quả đồi bị băm nát thì UBND vẫn khuyến khích các cá nhân thực hiện.

Quả đồi 41ha từng được phủ xanh bởi bạt ngàn chè và cà phê, nay bị cạo trọc, trơ trọi đất đỏ. (Ảnh: Thy Huệ)

Tương tự, trong văn bản phản hồi tới VTC News, Khải Hưng Corp cho rằng công ty chỉ là đơn vị hợp tác môi giới và phát triển bất động sản. Quả đồi 41ha thực chất vẫn đứng tên sở hữu của nhiều cá nhân. Trước khi bắt đầu triển khai công trình, toàn bộ diện tích quả đồi vẫn là đất nông nghiệp thuộc quy hoạch đất ở nông thôn.

"Các hộ dân trong khu vực (chủ đất) thực hiện thủ tục hiến đất làm đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật và đã được UBND huyện Bảo Lâm ban hành quyết định thu hồi đất, thực hiện các hồ sơ tách thửa theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, các hộ dân đã thực hiện đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở", văn bản phản hồi của Khải Hưng Corp ghi.

Sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận việc hiến đất làm đường (mục đích làm đường để phục vụ sản xuất nông nghiệp), các chủ đất lại tiếp tục làm thủ tục xin tách thửa. Cứ theo quy trình này, các chủ đất thực hiện các bước tiếp theo là xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rao bán, giao dịch như một dự án bất động sản.

Trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp có công nhận chức năng sử dụng đất là đất ở nông thôn, các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.

"Chúng tôi đã kiểm tra và tham khảo ý kiến của các cơ quan Nhà nước rất kỹ về quy hoạch và tính pháp lý của những lô đất trong khu vực này... Việc hiến đất mở đường đều được các chủ đất tuân thủ theo đúng trình tự, theo đúng quy định của pháp luật và quy định của địa phương", Khải Hưng Corp khẳng định.

Doanh nghiệp này cũng tự tin khi đã tài tình chuyển toàn bộ mục đích sử dụng đất quả đồi 41ha này từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư 100% trong thời gian ngắn. Giá bán hiện tại đã lên tới 10 triệu đồng/m2 với các nền đất có diện tích từ 250-1.000m2. Hiện các hộ dân và khách hàng mua các lô đất thuộc quả đồi đều được phép xây dựng.

Câu hỏi được đặt ra, nếu như mục đích ban đầu của việc hiến đất làm đường được các chủ đất trình lên cấp có thẩm quyền là để phân lô - bán nền, thì liệu có được duyệt hay không. Và, mục đích ban đầu mà cấp thẩm quyền phê duyệt hiến đất làm đường là để phục vụ sản xuất nông nghiệp, thế nhưng kết quả hiện tại lại là phân lô - bán nền thì nên xử lý thế nào?

"Rừng" bê tông mọc lên từ con đường '"phục vụ sản xuất nông nghiệp". (Ảnh: Thy Huệ)

Sai phạm tương tự đã bị xử lý

"Cơn sốt đất" tại Lâm Đồng hiện nay thực chất là do các doanh nghiệp mượn danh cá nhân thực hiện giao dịch bằng cách quảng cáo dưới hình thức là "khu dân cư", "khu nghỉ dưỡng", "dự án bất động sản". Để được phân lô, tách thửa, các cá nhân/doanh nghiệp lách luật bằng cách "tự nguyện hiến đất làm đường". 

Tình trạng này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cảnh báo nhiều, xử lý cũng có. Điển hình là đại công trình tương tự với quy mô 36ha ở xã Đam B'ri (TP Bảo Lộc). Sau khi VTC News phản ánh, tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Cụ thể, ngày 2/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Thanh tra tỉnh, Sở TN&MT và UBND TP Bảo Lộc, yêu cầu Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc và Giám đốc Sở TN&MT tạm đình chỉ công tác 3 cán bộ liên quan đến việc hiến đất, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc.

3 cán bộ bị yêu cầu tạm đình chỉ công tác gồm: Trưởng phòng TN&MT TP Bảo Lộc, Chủ tịch UBND xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc và Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc.

Ngày 14/6, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản gửi Thanh tra tỉnh, UBND TP Bảo Lộc, yêu cầu tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP Bảo Lộc.

Đến ngày 19/10, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng có Kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.

Theo kết luận thanh tra, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP Bảo Lộc chưa phù hợp và chưa sát với tình hình tại địa phương. Kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019 trình UBND tỉnh phê duyệt, UBND TP Bảo Lộc chưa tham mưu ban hành kèm theo danh mục các công trình, dự án cần giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này chưa đúng với quy định của Luật Đất đai.

Thời gian qua, việc các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư hạ tầng (mở đường, dựng trụ điện) nhằm mục đích phân lô, tách thửa tại TP Bảo Lộc ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin quảng cáo về các "dự án bất động sản" nhưng thực chất do một số đối tượng môi giới tự đặt tên và đăng tin quảng cáo, thu hút người mua.

Phần đất từng trồng chè và cà phê nay được chuyển qua "trồng bê tông". (Ảnh: Thy Huệ)

Thực tế, các "dự án" này không được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Hiện tượng này đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh, thế nhưng công tác chỉ đạo của Thành uỷ Bảo Lộc, công tác quản lý của UBND TP Bảo Lộc vẫn còn lúng túng, chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, dẫn đến việc nhiều trường hợp vi phạm đất đai nhưng chưa được xử lý kịp thời.

Cụ thể, một số trường hợp, người sử dụng đất đã hiến đất, sau đó tiếp tục xây dựng công trình. Cá biệt, có một số điểm còn làm hàng rào, xây dựng nhà bảo vệ là hành vi lấn chiếm đất công (vì đã hiến quyền sử dụng đất cho Nhà nước).

Từ đó cho thấy, bản chất của việc hiến đất chủ yếu vẫn là nhằm mục đích phân lô, tách thửa, phục vụ lợi ích cá nhân chứ không phải là để phục vụ lợi ích công cộng. Không thuộc đối tượng Nhà nước khuyến khích.

Theo quy định tại Nghị định số 43 của Chính phủ, "Trường hợp người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng" được áp dụng với người sử dụng đất tặng quyền sử dụng đất (cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư) để tạo mặt bằng xây dựng các công trình công cộng vì mục đích chung.

Trong khi đó, các các trường hợp hiến đất và tự mở đường, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc thời gian qua chủ yếu nhằm mục đích cá nhân, để đủ điều kiện tách thửa nên không thuộc đối tượng áp dụng quy định của Chính phủ.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ rõ việc người dân tự ý xây dựng đường giao thông, không tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục xây dựng; các "công trình công cộng" do người dân tự xây dựng không có hồ sơ thiết kế, nghiệm thu công trình đã hoàn thành; tự xây dựng công trình giao thông trên đất nông nghiệp... là sai quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với việc chính quyền chấp nhận hồ sơ, căn cứ vào đơn xin hiến đất để ghi nhận hiện trạng vào hồ sơ địa chính đã gián tiếp ghi nhận công trình vi phạm, tạo điều kiện cho người sử dụng đất được tách thửa vì lợi ích cá nhân.

"Việc xây dựng các công trình giao thông với kết cấu bê tông nhựa, bê tông xi măng, vỉa hè, trụ điện trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng không đúng mục đích, có dấu hiệu của hành vi huỷ hoại đất.

Hành vi làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng, làm giảm hoặc mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được quy định... thuộc trường hợp bị xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu", kết luận thanh tra ghi rõ.

Cận cảnh "rừng" bê tông trên quả đồi 41ha. (Ảnh: Thy Huệ)

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 9 cá nhân tại phường Lộc Phát và xã Đam B'ri đều không được cấp phép xây dựng, không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận về hướng tuyến công trình. Các chủ đầu tư không thông báo về thời điểm khởi công, không cung cấp hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý xây dựng địa phương, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đấu nối vào đường chính. Việc xây dựng này không phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.

Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ diện tích đất được các cá nhân hiến đất làm đường, đã hình thành con đường chưa được chính quyền địa phương "nhận hiến", đưa vào quỹ đất công để quản lý.

"Việc hình thành các con đường không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương nên gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch đã được duyệt và làm giảm hiệu quả sử dụng đất (đất nông nghiệp nhưng hiện trạng sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp).

Bên cạnh đó, tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư mới không đúng quy hoạch do hiện nay diện tích đất này được rao bán dưới hình thức các dự án bất động sản để lừa đảo người mua", kết luận ghi.

Từ kết quả thanh tra và kết luận nêu trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chuyển cơ quan công an để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý các sai phạm đối với các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện các trình tự thủ tục liên quan dẫn đến các sai phạm trong việc hiến đất ghi nhận hiện trạng đường giao thông để giải quyết hồ sơ tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc theo quy định của pháp luật.

Quay lại với đại công trình Sun Valley, liệu "trình tự" mà Khải Hưng Corp tự tin là "đã tham khảo ý kiến cơ quan nhà nước rất kỹ" thì liệu có đúng quy định pháp luật hay không? Ở TP Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã rốt ráo xử lý thì lần này, liệu huyện Bảo Lâm có trở thành "vùng cấm"?

Thy Huệ

Tin mới