Hội nghị đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp FDI Nhật Bản được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, tạo diễn đàn trao đổi, giải đáp các vướng mắc; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, gắn kết của khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Đây cũng là hoạt động nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực an sinh xã hội, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước vào năm 2023.
Hội nghị đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các DN FDI Nhật Bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Sasaki Shohei - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản chia sẻ, Nhật Bản luôn coi trọng sự đầu tư vào thị trường của Việt Nam trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao của 2 nước ngày càng phát triển.
Hiện nay, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Chỉ tính riêng số lượng hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội và TP.HCM có hơn 2.000 doanh nghiệp. Đây là con số rất ấn tượng về số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào một quốc gia, cho thấy Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện.
Trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ). Hội nghị lần này là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục nắm bắt thông tin và tìm hiểu sâu hơn nữa chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ theo quy định của Việt Nam để triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại Hội nghị.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn nỗ lực cải cách, đổi mới, phát triển ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, trong đó có khối các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo báo cáo, ước đến hết tháng 9/2022, cả nước có khoảng 87,5 triệu người dân Việt Nam tham gia BHYT, đạt 91% dân số; 17,2 triệu người tham gia BHXH (bao gồm NLĐ làm việc tại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI), đạt 33% lực lượng lao động.
Tính riêng khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam, có hơn 2.100 doanh nghiệp với gần 525 nghìn lao động tham gia BHXH, trong đó có khoảng 522,9 nghìn lao động là người Việt Nam và 2,1 nghìn lao động là người nước ngoài. Số thu BHXH của khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam chiếm 12,9% tổng thu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ nói chung và NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp FDI luôn được ngành BHXH Việt Nam đảm bảo, kịp thời, đầy đủ, giúp NLĐ yên tâm sản xuất, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển của mỗi doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19.
Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Sasaki Shohei phát biểu tại Hội nghị.
Tổng hợp số liệu từ nguồn báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tại các doanh nghiệp FDI trên toàn quốc, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 8/2022 giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 13.627.153 lượt người (trong đó tại các doanh nghiệp FDI 100% vốn Nhật Bản là 1.712.341 lượt người, chiếm 13%) với tổng số tiền gần 25.640 tỷ đồng; 5.606 người hưởng chế độ tử tuất với số tiền hơn 491 tỷ đồng; 3.871 người hưởng chế độ hưu trí với số tiền 32,7 tỷ đồng.
Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 633.450 NLĐ thuộc doanh nghiệp FDI hơn 73.089 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp FDI 100% vốn Nhật Bản, số tiền trả trợ cấp thất nghiệp cho 43.305 người (chiếm 7% trong tổng số người lao động được chi trả trợ cấp thất nghiệp trong khối doanh nghiệp FDI) gần 5.780 tỷ đồng.
Thừa ủy quyền Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh trao tặng Bằng khen cho 12 doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 228.976 lượt NLĐ làm việc tại doanh nghiệp FDI đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT, với số tiền được quỹ BHYT chi trả 58,9 tỷ đồng. Trong đó, có 37.025 lượt người đi KCB BHYT thuộc doanh nghiệp FDI Nhật Bản với số tiền được quỹ BHYT chi trả là 7,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động toàn diện tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam luôn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp trước các tác động của dịch COVID-19, trong đó có doanh nghiệp FDI thông qua việc chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng các gói hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 từ quỹ BHXH, BHTN và triển khai quyết liệt, hiệu quả các gói hỗ trợ này.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, đơn vị và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.