Viện Quốc tế nghiên cứu chiến lược (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La cho biết họ đưa ra quyết định này sau khi tham vấn ý kiến từ nước chủ nhà Singapore.
"Nhiều quốc gia áp đặt các hạn chế đi lại để đối phó với đại dịch và điều này có thể vẫn còn hiệu lực vào thời điểm Đối thoại Shangri-La dự kiến được tổ chức", IISS cho biết trong thông cáo báo chí phát đi hôm 28/3.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại phiên thảo luận ở Shangri-La 2019. (Ảnh: TTXVN)
Theo IISS, nhiều trong số 40 quốc gia tham dự Đối thoại Shangri-La 2020 đang áp dụng các hạn chế này. Do đó, đây là lí do hợp lý khi thông báo tới các đại biểu và các bên quan tâm việc hủy sự kiện trong năm nay.
IISS nói thêm rằng, họ sẽ làm việc để hướng tới một Đối thoại của Shangri-La "đặc biệt mạnh mẽ" vào năm tới.
Video: Du học sinh bỏ hàng trăm triệu đồng mua vé máy bay rời khỏi Mỹ
Trong chia sẻ trên Facebook, Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng với tình hình dịch hiện tại tại châu Âu, Anh và Mỹ cũng như các hạn chế đi lại được nhiều quốc gia, sẽ là một thách thức lớn khi quyết định tổ chức Đối thoại Shangri-La 2020.
"Các lãnh đạo chính phủ và phái đoàn tới từ gần 40 quốc gia dự kiến tham dự diễn đàn đối thoại an ninh hàng đầu này. Vì vậy, điều quan trọng là phải thông báo ngay bây giờ.
Cảm ơn tất cả các đối tác quốc phòng đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Singapore và Đối thoại Shangri-La những năm qua. Chúng tôi mong muốn sẽ nối lại Đối thoại Shangri-La vào năm tới", ông Eng Hen chia sẻ.
Bắt đầu được tổ chức từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La trở thành sự kiện thường niên do nước chủ nhà Singapore đăng cai tổ chức. Hội nghị Thượng đỉnh quốc phòng năm nay dự kiến diễn từ từ 5-7/6.