Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đối thoại gay gắt về sách Công nghệ giáo dục: Bộ GD&ĐT đề xuất sửa, GS Hồ Ngọc Đại nói không

(VTC News) -

Cho rằng việc để sách Công nghệ giáo dục thẩm định theo cách khác khó thực hiện vì tính công bằng, Bộ GD&ĐT đề nghị chỉnh sửa, nhưng GS Hồ Ngọc Đại không đồng ý.

Sáng 3/1, Bộ GD&ĐT tổ chức đối thoại GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS.TS Nguyễn Kế Hào về nội dung chương trình Công nghệ giáo dục cần chỉnh sửa hay giữ nguyên.

Tham gia đối thoại có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, Chủ biên chương trình; PGS.TS Nguyễn Kế Hào cùng cộng sự tham gia quá trình triển khai, hoàn thiện sách giáo khoa theo phương pháp Công nghệ giáo dục. 

Thẩm định sách công bằng, đúng quy định

Mở đầu buổi đối thoại, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT thông tin vắn tắt quá trình thẩm định sách giáo khoa mà Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện.

Theo ông Thái Văn Tài, quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa và thành lập hội đồng thẩm định quốc gia, cùng quá trình thẩm định sách giáo khoa diễn ra đúng quy định của Thông tư 32 và 33 do Bộ GD&ĐT ban hành. 

“Thành viên hội đồng thẩm định có 15 ngày nghiên cứu sách giáo khoa độc lập, sau đó có các buổi làm việc chung và nghe đối thoại của tác giả sách giáo khoa đăng ký thẩm định. Cuối cùng, các thành viên tiếp tục làm việc độc lập và bỏ phiếu. Hội đồng sẽ gặp gỡ thông báo cho tác giả sách giáo khoa ý kiến đánh giá của hội đồng.

Như vậy trong quá trình thẩm định có 2 lần tác giả được gặp nghe ý kiến, đối thoại với hội đồng thẩm định, trước khi đưa ra quyết định có chỉnh sửa hay giữ nguyên”- ông Thái Văn Tài cho biết. 

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT.

Được biết, trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng ký, trong đó 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1 và 2. Những sách giáo khoa đạt lại tiếp tục được rà soát, tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. 

Hiện có 32 SGK được phê duyệt. Trong 11 SGK hội đồng đánh giá không đạt có những cuốn được tác giả sửa và thẩm định lại, có SGK bảo lưu quan điểm nên không gửi thẩm định lại.

“Thẩm định sách Công nghệ giáo dục theo cách khác”

Tiếp thu phần tóm tắt, PGS.TSKH Phan Kế Hào cho biết từng gửi kiến nghị lên Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, Bộ GD&ĐT nên coi cuộc thẩm định sách giáo khoa vừa rồi chỉ là chọn những bộ sách đạt để đưa ra dạy thử nghiệm vài năm ở địa phương. Trung tâm cũng cho rằng phải trải qua khâu thí điểm rồi mới đưa quyết đưa vào giảng dạy rộng rãi, không nên vội vã.

Đồng thời, PGS Hào đề xuất, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục cần có cách thẩm định khác, nhìn từ kết quả thực tế để thẩm định đạt hay không.

Lý giải rõ hơn, theo GS.TS Hồ Ngọc Đại, bộ sách bị loại ông không oán trách, chê bai gì các nhà phân tích. Họ đang làm đúng trách nhiệm, thẩm quyền của họ, nhưng trách nhiệm đó đúng hay sai thì cần tính toán lại.

"Bộ sách của tôi là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, bỏ ra 40 năm để viết sách là ngần năm để thực nghiệm sách, thậm chí có thêm 5 năm thực nghiệm tại Liên bang Nga”.

Từ quan điểm đó, GS Đại chỉ ra, trong giáo dục cần làm rõ, giáo viên dạy cho học sinh cái gì và bằng cách nào các em có được những điều giáo viên muốn truyền đại. Cho nên mỗi lớp chỉ dạy ít nhất một khái niệm mang tính cốt lõi như: Tiếng Việt là môn khoa học, các khái niệm của nó là khái niệm khoa học. Tiếng Việt lớp 1 chỉ có 1 khái niệm là cấu trúc ngữ âm của tiếng. Tiếng Việt lớp 2 Từ và Ngữ, lớp 4 là câu, lớp 5 là bài.

GS.TS Hồ Ngọc Đại, Chủ biên bộ sách Công nghệ giáo dục.

 

Chương trình mới, phải có sách mới

Phản biện lại ý kiến của GS Đại, PGS Trần Kiều, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán cho rằng, nếu nói về thẩm định, chúng tôi đã trao đổi 2 lần với các chủ biên về vấn đề chỉnh sửa. Có thể quyết định của hội đồng chưa đúng với ý muốn của các chủ biên nhưng nó sát đáng và bám sát với các tiêu chí của Bộ GD&ĐT đề ra.

Có những chương trình sách giáo khoa rất hay ở chương trình hiện tại, nhưng khi chuyển sang chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không còn phù hợp nữa. GS Đại nên nghĩ lại cách viết, cách tiếp cận của sách Toán, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

PGS Kiều cho rằng, hãy để môn Tiếng Việt, Toán lớp 1 đi vào nhà trường và học sinh thuần túy, nhẹ nhàng nhất thay vì lồng ghép những triết lý vào trong bài dạy như sách giáo khoa công nghệ giáo dục đang làm.

Chúng ta cần bám sát chương trình mới, căn cứ vào mục tiêu và yêu cầu cần đạt của môn học để viết sách. Không phải căn cứ vào sách viết mà điều chỉnh chương trình cả nước được.

Bộ GD&ĐT nên giữ vững nguyên tác, chương trình mới phải có sách giáo khoa mới. Sách giáo khoa đã cũ, không còn phù hợp nên loại bỏ”- PGS Kiều khuyên.

PGS Kiều thẳng thắn: "Tôi không lạ gì những quyển sách viết như quyển sách của thầy Đại bây giờ. Hồi cuối những năm 70 của thập kỷ 70, tờ báo Le Monde của Pháp có "tiêu đề khủng" về những cuốn sách theo cách tiếp cận như vậy: 'Thảm họa trường học Pháp và châu Âu'. Tôi nghĩ GS Đại nên xem lại, đó không phải là xu thế nữa rồi. Tôi khuyên anh Đại chỉ nên viết sách tham khảo".

PGS Trần Kiều, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Đình Sử cho rằng, tư duy của GS Đại theo hướng tự do trong trường thực nghiệm, muốn nghĩ gì đó là quyền của giáo sư. Nhưng khi sách đưa ra xã hội thì nó mang tính rộng rãi, phải chấp nhận mặt bằng chung của xã hội.

Một khi đưa ra xã hội phải chấp nhận luật chơi chung được Bộ GD&ĐT đưa ra. Hoặc là sửa để tiếp tục phù hợp với số đông hoặc là không tồn tại nữa, GS Sử nhấn mạnh.

“Anh Đại là nhà Toán học, nhà Tâm lý học chứ không phải là nhà nghiên cứu về Văn học. Do đó anh không hiểu môn Văn và môn Tiếng Việt. Môn Tiếng Việt không phải là một môn khoa học. Nó là môn Ngữ văn trong nhà trường. Mục tiêu của nó là dạy cho các em không những đọc được chữ mà còn phải đọc hiểu cả một bài văn, làm được các bài văn bằng Tiếng Việt”, GS Sử nói.

PGS.TS Lê Anh Vinh ghi nhận những thành công của sách giáo khoa Công nghệ giáo dục mang lại trong 40 năm qua. Bộ sách được thử qua thời gian, đó là phép thử tốt nhất, chúng ta không hoàn toàn phủ nhận thành quả.

Tuy nhiên đó là thực tại, còn với chương trình mới, khung chuẩn chung được quy định rõ các trụ cột. Bắt buộc phải bám sát vào khung cột, còn phương pháp như thế nào thì có thể linh hoạt.

Bộ sách nên điều chỉnh trực quan hơn một chút với học trò. Bởi chúng ta đề cao tính tự học nhưng cuốn sách công nghệ không thể tự học nếu không có giáo viên hướng dẫn, cần tính toán lại hướng điều chỉnh nếu muốn đưa vào sử dụng rộng rãi.

PGS Vinh cho rằng, hoàn toàn có thể giữ cách tiếp cận vấn đề của GS Đại, nhưng thay đổi một chút về phương pháp và lối tư duy để phù hợp hơn với hiện thực chương trình mới.

Không thẩm định theo cách khác

Tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, Bộ GD&ĐT thống nhất với hội đồng tạo điều kiện tốt nhất cho bộ sách công nghệ được chỉnh sửa và thẩm định lại.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT thực hiện theo đúng Nghị quyết 88 của Quốc hội và Thông tư 33 ghi rõ các hồ sơ sách gửi về thẩm định phải trải qua quá trình thực nghiệm mới đủ điều kiện. Cần lấy chương trình làm gốc, sách giáo khoa có thể điều chỉnh hàng năm. Vì thế nếu cho rằng cuộc thẩm định vừa rồi chỉ là bước một và tiếp tục thực nghiệm thì chưa thật đúng. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Việc cho sách Công nghệ giáo dục cách thẩm định khác như PGS Phan Kế Hào đề xuất là khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ sách giáo khoa.

"Nếu được thì thầy nghiên cứu phương án điều chỉnh sách để đảm bảo yêu cầu. Một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ sách giáo khoa đa dạng sử dụng trong các nhà trường",  Thứ trưởng Độ gợi ý.

Tuy nhiên, sau những kết luận và đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, PGS Phan Kế Hào vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm và cho rằng chưa thỏa mãn với câu trả lời.

Vị này cho biết, nhiều khái niệm bây giờ Bộ GD&ĐT mới nói nhưng ở trường thực nghiệm, những nơi thực hiện Công nghệ giáo dục đã làm từ lâu. Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không phải chương trình cải cách giáo dục năm 1981, cũng không phải chương trình giáo dục hiện hành mà là nghiên cứu trong một quá trình với việc thực nghiệm nghiêm túc, rộng rãi.

“Chúng tôi không chống lại chương trình mới, mà chúng tôi dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới. Cái mới này tôi nhìn thấy trước thì nói trước, chứ không hề cũ so với yêu cầu được viết mới bây giờ. Có thể đổi mới nhưng không thể hy sinh hệ tư tưởng mới. Cách Bộ GD&ĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới”, GS-TSKH Hồ Ngọc Đại nói ở cuối cuộc đối thoại và khẳng định sẽ tiếp tục làm việc và kiến nghị lên cấp trên.

Minh Khôi

Tin mới