Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đối thoại bất thành, tiếp tục kiến nghị về sách Công nghệ giáo dục: 'Con đẻ' của GS Hồ Ngọc Đại sẽ đi về đâu

(VTC News) -

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, đại diện nhóm tác giả sách Công nghệ giáo dục khẳng định sẽ tiếp tục gửi kiến nghị lên cấp trên vì cho rằng giải đáp tại buổi đối thoại với Bộ GD&ĐT và Hội đồng thẩm định chưa thoả đáng.

Tại buổi đối thoại với Bộ GD&DT mới đây, PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng hội đồng thẩm định áp đặt quan điểm thẩm định sách giáo khoa chưa mềm dẻo, linh hoạt dẫn tới việc loại bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục. Việc làm này có thể khiến thành quả của Công nghệ giáo dục được chứng minh qua thực tiễn 40 năm dạy học ở nhiều địa phương “chết yểu” lại trong năm học tới.

PGS.TS Nguyễn Kế Hào chỉ ra, rất nhiều khái niệm bây giờ Bộ GD&ĐT mới nói nhưng ở trường thực nghiệm, những nơi thực hiện theo sách Công nghệ giáo dục đã làm từ lâu. 

Công trình nghiên cứu Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không phải chương trình cải cách giáo dục năm 1981, cũng không phải chương trình giáo dục hiện hành mà là nghiên cứu trong một quá trình với việc thực nghiệm nghiêm túc, rộng rãi. 

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, đại diện nhóm tác giả sách giáo khoa Công nghệ giáo dục.

PGS Hồ Ngọc Đại cho rằng, nếu đặt ra yêu cầu trẻ học lớp 1 là đọc thông, viết thạo Tiếng Việt thì thực tế chứng minh Tiếng Việt Công nghệ giáo dục làm rất tốt. Trẻ học đến đâu chắc tới đó, nắm vững quy tắc chính tả, không viết sai, không đọc ngọng.

“Nhiều tỉnh khó khăn phản hồi về sách Tiếng Việt Công nghệ cũng rất tốt. Trẻ em học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục nhanh, chắc, không tái mù, không nói ngọng. Vì thế nếu loại bộ sách Công nghệ giáo dục vì "không đạt yêu cầu mới" thì tôi thấy không thuyết phục và rất bức xúc”, giáo sư Đại nói.

Tiếp nhận quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào, nhưng có tới 4 vị giáo sư và phó giáo sư đang đảm nhiệm việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa phản đối. Họ một mực cho rằng bộ sách Công nghệ giáo dục muốn được sử dụng trong năm học tới thì cần chỉnh sửa.

Cụ thể, PGS Trần Kiều bày tỏ, bộ sách có nhiều điểm chưa phù hợp với chương trình mới thì GS Đại phải sửa.

GS Trần Đình Sử gay gắt hơn khi nói GS Đại là nhà toán học, nhà tâm lý học nhưng không phải nhà văn học nên viết sách Tiếng Việt chưa thể chuẩn được, vẫn cần sửa.

GS Mai Ngọc Chừ, Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt và PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng quan điểm công nhận những thành quả của bộ sách Công nghệ giáo dục đạt được nhưng vẫn cần phải chỉnh sửa một số điểm.

Toàn cảnh buổi đối thoại ngày 3/1.

GS Hồ Ngọc Đại phản đối: “Chúng tôi không chống lại chương trình mới, mà chúng tôi dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới. Cái mới này tôi nhìn thấy trước thì nói trước, chứ không hề cũ so với yêu cầu được viết mới bây giờ. Có thể đổi mới nhưng không thể hy sinh hệ tư tưởng mới. Cách Bộ GD&ĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới”.

Đồng thời, PGS Hào nói nếu Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp chưa thỏa đáng, đại diện bộ sách sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp trên để có quyết định tốt hơn.

Công trình 40 năm có bị 'đánh chìm'?

Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào - đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi vòng thẩm định.

Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, cũng như xem xét lại quy trình thẩm định. 

Ngày 3/1/2020, Bộ GD&ĐT tổ chức đối thoại giữa tác giả SGK công nghệ và một số thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia. Buổi đối thoại do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì.

Như vậy, sau 3 lần đối thoại giữa Hội đồng thẩm định sách quốc gia và GS Hồ Ngọc Đại, số phận bộ sách này vẫn chưa biết sẽ đi đâu về đâu. Cả hai bên đều ra sức bảo vệ quan điểm của mình.

GS Đại nhất quyết bảo vệ đứa con tinh thần được nguyên vẹn. Hiểu đơn giản hơn là buộc hội đồng thẩm định sách quốc gia phải chấp thuận nguyên trạng bộ sách đưa vào sử dụng trong chương trình phổ thông mới tới đây.

Trong khi đó, Hội đồng thẩm định sách quốc gia dù ghi nhận những thành quả của bộ sách Công nghệ giáo dục đạt được trong suốt những năm qua nhưng vẫn không đồng ý việc để nguyên trạng bộ sách áp dụng vào chương trình mới. Vì bộ sách có 160 điểm chưa hợp lý, cần chỉnh sửa. Hội đồng cũng một mực bảo vệ quan điểm ‘Chương trình mới, sách giáo khoa cũng phải mới, cái nào chưa hợp lý cần loại bỏ’.

Liệu rằng con tàu trí tuệ 40 năm ấy có bị đánh chìm trong năm học tới?.

Minh Khôi

Tin mới