Nói đến Quyền Linh là người ta nhớ đến hình ảnh giản dị với đôi dép tổ ong, ngồi bẹp dưới đất ăn cơm hộp và quanh năm suốt tháng lam lũ với các chương trình thiện nguyện. Nếu nhìn vào các chương trình anh từng dẫn trên truyền hình, những hợp đồng quảng cáo lớn cũng như gia đình hạnh phúc của Quyền Linh, sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra thành công của MC quốc dân này đến từ đâu?...
Chàng MC gắn bó với dân nghèo.
Bước ngoặt cuộc đời mang tên "Vượt lên chính mình"
Thành danh từ nghề diễn nhưng Quyền Linh thành công nhờ chương trình Vượt lên chính mình với kỷ lục đoạt 5 giải Mai vàng. Anh bảo: “Theo tôi điều đó ấn tượng nhưng không quan trọng bằng việc khán giả luôn luôn nhớ đến Quyền Linh, vì thông qua chương trình này đã có hàng ngàn gia đình được giúp sức, vươn lên khẳng định được chính mình”.
Vượt lên chính mình có dấu ấn rất đặc biệt đối với tên tuổi Quyền Linh. Bởi lúc đầu anh chỉ làm MC thôi nhưng sau đó chương trình đi xa quá, nhiều đạo diễn chịu không nổi, thế là Quyền Linh kiêm nhiệm từ đạo diễn cho đến phục vụ hiện trường. Quyền Linh chỉ mong làm chương trình chân thật nhất vì đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của chính anh.
Quyền Linh giản dị trong chương trình "Vượt lên chính mình"
Nhìn người nghèo để học hỏi
Quyền Linh kể có lần nhìn người đàn ông bị liệt 2 chân, lại thêm người vợ bị tâm thần nhưng chuẩn bị thu hình họ cứ nhìn anh cười hoài. Để giải đáp cho thắc mắc của Quyền Linh, người chồng dẫn vào phòng đóng cửa lại và nói: “Thật ra tôi buồn lắm chú Linh nhưng nếu tự tử người thân sẽ buồn và biết đâu chết theo tôi. Nhìn lại tôi vẫn hơn họ mà.
Dù rằng mỗi tháng tôi chỉ kiếm được 2 – 3 triệu đồng, phải lo tiền ăn cho cả nhà rồi tiền học cho con. Thiếu quá buộc tôi phải vay ngân hàng 4 triệu đồng, vậy mà đã mấy năm rồi vẫn chưa trả nổi. Là trụ cột gia đình, nếu tôi không cố gắng sẽ làm sao đây? Tôi chỉ còn một con đường duy nhất là phải lạc quan để mọi người nhìn vào mà cố gắng sống".
Quyền Linh có lối dẫn gần gũi với người nông dân.
Quyền Linh bảo Vượt lên chính mình có rất nhiều số phận và anh đã học hỏi từ những số phận nghèo khổ để luôn lạc quan đi thẳng tới con đường của mình. ''Những nhân vật của chương trình đã rèn luyện cho tôi bản lĩnh hơn. Mới nhìn họ tưởng chừng như đang bế tắc trong cuộc sống nhưng họ luôn có một nghị lực phi thường mà tôi cần phải học.
Một cô gái 16 tuổi từ 3 giờ sáng đã phải bơi thuyền thúng ra biển câu cá đến 6 giờ sáng về nhà nấu cơm, lo cho mấy em đi học, lo cái ăn cho cha mẹ, ông bà mình. Tôi đã học ở các nhân vật mình gặp sự nhiệt tình bằng cả trái tim. Nếu như tôi không tham gia chương trình như thế có lẽ tôi sẽ không thành đạt như ngày nay", Quyền Linh nói.
Từng mơ làm kép cải lương
Nhớ lại cái thời ngô nghê năm học lớp 11, Quyền Linh bảo trong trường ai cũng biết biệt danh "Quyền Linh ống hút" vì anh ăn một bữa, nhịn một bữa, người gầy nhách. Thời đó, Quyền Linh mê Minh Vương, Lệ Thuỷ, Tấn Tài, Thanh Kim Huệ… vì thấy họ hát hay, xinh đẹp lại giàu có. Thế là anh cứ mơ mình sẽ làm nghệ sĩ để thoả chí hát ca và cũng sẽ kiếm được nhiều tiền về lo cho gia đình. Thời đó Quyền Linh có thể hát bất cứ ở đâu, cầm cây cuốc, hoặc cây chổi cũng tự mình hoá thân thành ông vua hay tướng cướp rồi nghêu ngao mấy câu vọng cổ.
Khi có đoàn sân khấu từ Sài Gòn về Tiền Giang tuyển sinh. Quyền Linh được thầy cô khuyến khích đi thi. Anh nhiệt tình biểu diễn và trúng tuyển. Quyền Linh mừng vì cứ tưởng mình là nghệ sĩ rồi sẽ được diễn với Minh Vương, Lệ Thuỷ trong nay mai… Nhưng đó chỉ là sơ tuyển thôi, anh phải học thêm một khoá đào tạo để tìm ra 10 người giỏi nhất.
Quyền Linh dạo ấy để râu quay nón, tóc hai mái bồng bềnh. Anh thành thật: “Lúc đó do không có tiền hớt tóc nên tôi chơi phong cách ngầu ngầu như vậy cho tiện. Tôi mặc quần jeans ống loe, cột hai lai áo lại cho phong trần giống vẻ nghệ sĩ một chút. Ở trường tôi có thêm biệt danh 'Linh si đa' vì mua toàn quần áo si đa vừa rẻ tiền vừa độc lạ không giống ai".
Không ai biết Quyền Linh đã phải trải qua những chuyện gì sau nụ cười này.
Từng bế tắc đến tận cùng
Tốt nghiệp đại học, cuộc sống gần như bế tắc vì không có lối thoát suốt một thời gian dài khiến Quyền Linh rất chán nản. Anh tâm sự: "Ngày đó tôi nghèo lắm, luôn tự ti vì cái gì cũng thiếu nên không dám gặp ai. Lúc nào tôi cũng có cảm giác người ta không thích mình nên về đêm cứ như người tự kỷ, tự nói với mình như một thằng khùng. Đói quá không có gì ăn tự nói với cái bóng: Tao với mày nói chuyện cho đỡ buồn để quên đói nhé. Với tôi, giữa một thành phố xa hoa này, tôi luôn cảm thấy sự cô đơn và tự khóc với bản thân. Chỉ khi ra đường, tôi mới vui cười như tự che giấu sự mặc cảm của mình”.
Những lúc bí bách như vậy Quyền Linh mơ ước có ai đó mời mình đóng phim, đợi ai đó giúp mình có việc làm. Nhưng chờ đợi mãi mà cơ hội không đến, Quyền Linh tự đứng lên đi xin việc, thậm chí làm không lương. Có hôm lấy gạo nấu cơm nhưng múc trong lu hoài mà không thấy gạo, nghĩ đến cảnh chiều về cả nhà không có cơm ăn mà hai hàng nước mắt Quyền Linh cứ chảy dài. Anh quyết định đón xe lên thành phố với một suy nghĩ: Phải vươn lên để thay đổi số phận.
Toả sáng từ những vai diễn
Quyền Linh, Việt Trinh là những diễn viên nổi bật thập niên 1990.
Năm 1995, Quyền Linh tham gia phim Người Hà Nội gây tiếng vang lớn, kế đến anh nhận vai Huy đóng chung với Trương Ngọc Ánh trong phim Đồng tiền xương máu của đạo diễn Đinh Đức Liêm. Phim phát sóng, anh và Ánh trở thành một cặp đôi được báo chí và khán giả khen ngợi đến tận mây xanh. Vai diễn này cũng giúp Quyền Linh nhận được giải thưởng Diễn viên được yêu thích nhất của HTV vì tạo hiệu ứng lan toả lớn. Lúc đó, cùng với Chi Bảo, cái tên Quyền Linh được xem là thế hệ vàng của phim truyền hình sau những cái tên đình đám như: Lý Hùng, Lê Tuấn Anh…
Để có thành công này, Quyền Linh vẫn luôn nhớ lần đầu tiên đi đóng vai quần chúng. Anh kể: “Tôi đóng vai quần chúng nhiều đến nỗi đạo diễn chỉ vào mặt hét lên: Tại sao cái thằng này ở đâu tao cũng thấy nó hết vậy!. Lúc đó tôi đóng chỉ để mong có được 2 ổ bánh mì, ăn được hôm nay và ăn luôn cho cả ngày mai" Cứ mỗi lần đóng, Quyền Linh tranh thủ phụ mấy anh thiết kế, đẩy doly, hất sáng… để lấy lòng cả đoàn phim.