Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đối ngoại trong thu hút đầu tư FDI, Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên: 'Chúng tôi đưa ra 6 cam kết với nhà đầu tư'

Ngày 12/8, tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên có bài tham luận: "Vai trò của công tác đối ngoại trong thu hút đầu tư trực tiếp ngước ngoài (FDI) tại tỉnh Thái Nguyên" thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Từ 2012-2017 tăng trưởng bình quân 16,7%/năm

Tham luận của ông Vũ Hồng Bắc nêu rõ: Phát huy những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Thái Nguyên đang đẩy mạnh phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ và đô thị, vừa phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo vệ môi trường và đang trở thành một cực tăng tưởng tốt của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 5 năm (2012-2017) bình quân đạt 16,7%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2012-2017, tăng bình quân 82,5%/năm, năm 2017 đạt 571 nghìn tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 23,56 tỷ USD (chiếm 11% giá trị xuất khẩu chung của cả nước), gấp 212 lần so với năm 2010. Thu ngân sách tăng nhanh, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành.

Môi trường đầu tư của tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 đứng ở vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành và đến năm 2015 và năm 2016 đã đứng ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước, năm 2017 tuy đứng ở vị trí 15/63 tỉnh, thành nhưng tổng điểm các chỉ số thành phần tăng 2,63 điểm so với năm 2016; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017 đạt 94,04%, đứng sau Vĩnh Phúc (95,75%) và Ninh Bình (95,1%) là một trong ba tỉnh dẫn đầu cả nước.

Ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên  

Tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường thu hút nhiều nguồn lực từ bên ngoài như: ODA, FDI và NGO để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; trong đó nổi bật là thu hút nguồn vốn FDI vào tỉnh.

Giai đoạn từ 2010 đến nay, toàn tỉnh có 130 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 7,3 triệu USD, góp phần giải quyết cho hơn 100.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

Với kết quả đạt được, Thái Nguyên được xếp hạng trong top 10/63 tỉnh thành trong cả nước về số vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Đây là những kết quả nổi bật của Thái Nguyên trong phát triển kinh tế những năm qua, để có được kết quả ấy, là nhờ có sự đóng góp lớn trong công tác đối ngoại của địa phương.

Thái Nguyên là điểm đến uy tín

Theo ông Vũ Hồng Bắc, hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng phục vụ phát triển kinh tế là xu thế tất yếu của thế giới và khu vực. Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng cũng nằm trong xu thế ấy.

Tỉnh Thái Nguyên xác định rõ vai trò của công tác đối ngoại đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các Chương trình hành động, Đề án cải thiện môi trường đầu tư và Hội nhập quốc tế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020; công tác đối ngoại của tỉnh được tăng cường, đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, thông tin đối ngoại, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài...

Tập đoàn Samsung triển khai các dự án đầu tư thành công trên địa bàn tỉnh là một minh chứng xác đáng cho việc thực hiện tốt công tác đối ngoại trong thu hút đầu tư của Thái Nguyên.

 Tập đoàn Samsung triển khai các dự án đầu tư thành công ở Thái Nguyên.

Trong những năm qua, tỉnh đã tăng cường tổ chức tốt các chương trình đối thoại; tổ chức các Hội nghị thường kỳ với các doanh nghiệp FDI (định kỳ hàng Quý với Samsung, giao Ban quản lý KCN Thái Nguyên thường xuyên giao ban với các doanh nghiệp FDI, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tỉnh); định kỳ hàng năm tổ chức gặp mặt người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa và thiết thực; giải quyết tốt những vấn đề của các doanh nghiệp, các cá nhân người nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh; hiện nay tỉnh đang thường xuyên, nỗ lực xây dựng mối liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương; tổ chức tốt việc đào tạo nghề, giảm các tiêu chí tuyển dụng phù hợp, tạo việc làm cho người lao động, tăng cường các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Hồng Bắc cho biết: "Ngày 1/7 vừa qua, Thái Nguyên tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”.

Tại Hội nghị, Thái Nguyên đã trao Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ đầu tư cho 38 nhà đầu tư với 50 dự án, tổng vốn đầu tư 46.785 tỷ đồng. Trong đó có 9 nhà đầu tư với 10 dựa án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký Biên bản ghi nhớ đầu tư".

Bên cạnh thông tin về những thành tựu, tham luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục.

Ông Bắc cho rằng, công tác đối ngoại của địa phương vẫn có mặt cần chủ động hơn; công tác triển khai thực hiện có lúc chưa bắt kịp những thay đổi nhanh của tình hình; tính chủ động và năng lực về ngoại ngữ của cán bộ thuộc các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó phát triển và hội nhập đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường.

6 cam kết của Thái Nguyên

Thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Thái Nguyên ban hành 6 cam kết của chính quyền với các nhà đầu tư, với quan điểm tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.

Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua đó tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp đồng bộ trong công tác thu hút đầu tư và tạo môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến triển khai dự án hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

 Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra và chỉ đạo tiến độ thực hiện một số dự án trọng tâm.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2913 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, trong đó xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế đối ngoại là then chốt, là tiền đề, động lực cho các hoạt động đối ngoại của địa phương;

- Chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ và phối hợp, tranh thủ sự hướng dẫn, tạo điều kiện của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương để đa dạng hóa các hình thức vận động, xúc tiến các nguồn vốn bên ngoài, đặc biệt nguồn vốn đầu tư FDI;

- Tiếp tục quảng bá thông tin về tiềm năng và cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Luôn quan tâm đến các yêu cầu của nhà đầu tư, tạo cơ hội cho nhà đầu tư tìm hiểu và thực hiện dự án đầu tư;

- Quyết tâm thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi cho hoạt động đầu tư; Chủ động đưa ra các cam kết thể hiện trách nhiệm, tính minh bạch trong triển khai các thủ tục hỗ trợ các nhà đầu tư;

- Từng bước phát huy vai trò hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp và các Hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao vai trò, tiếng nói của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách: mở rộng thêm các hoạt động đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền nhằm lắng nghe ý kiến và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

- Tập trung nghiên cứu, triển khai “Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Nguyên và vai trò của Samsung” nhằm phát huy hiệu quả, vai trò đòn bẩy của tập đoàn Samsung đối với kinh tế - xã hội của địa phương. Phân tích chi tiết vai trò đầu tầu trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI vào đầu tư những ngành công nghệ cao, xây dựng mối liên kết bền vững, nâng cao năng lực tham gia và chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước.

- Không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, quan tâm, chú trọng đến tỷ lệ lấp đầy các khu cụm công nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; chú trọng phát triển công nghiệp địa phương; ưu tiên hình thức liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ dẫn dắt các doanh nghiệp địa phương cùng phát triển.

- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành Trung ương và các cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để chủ động xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Canada… nhân các chuyến công tác của đoàn lãnh đạo tỉnh ở nước ngoài và Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh.

Video: Tổ hợp bè cá của nông dân Thái Nguyên thu 5 tỷ đồng/năm nhìn từ flycam

Ngọc Nga

Tin mới