Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đối ngoại nghị viện thành công, ngoại giao vaccine hiệu quả

(VTC News) -

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV ngoại giao nghị viện góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19, bên cạnh nhiều thành tựu khác trong 3 năm qua.

 

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam.

 

Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư giao cho Quốc hội khóa XV là đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.

Nhờ vào chính những đánh giá và nhiệm vụ được Tổng Bí thư giao, đối ngoại Quốc hội đã hết sức nhanh nhạy trong việc kết nối, cộng hưởng sức mạnh để phòng, chống COVID-19, đồng thời tạo môi trường hòa bình, an toàn và ổn định để phục hồi phát triển kinh tế.

Bước vào đầu nhiệm kỳ, đại dịch COVID-19 tạo ra những thách thức chưa từng có. Nhưng với tinh thần "biến thách thức thành cơ hội", đối ngoại Quốc hội không những vẫn đảm bảo được mạch phát triển mà còn diễn ra sôi động với nhiều hoạt động song phương, đa phương theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.

 

Các hoạt động này tập trung vào việc tăng cường hợp tác giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu về đói nghèo, biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, tranh thủ kêu gọi tăng cường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia...

Điều này góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội Việt Nam, là minh chứng sinh động của sự kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa ngoại giao nghị viện và ngoại giao Nhà nước, góp phần thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Có thể kể đến những hoạt động để lại dấu ấn đậm nét trong năm đầu nhiệm kỳ này như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự, đóng góp nhiều sáng kiến nổi bật tại Đại hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA - 42); tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo; thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu; thăm chính thức các nước: Bỉ, Phần Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ...

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, với những hoạt động đối ngoại phong phú được triển khai đa dạng về chủ thể, đối tác, không chỉ ở kênh Quốc hội, mà còn cả kênh Đảng, Chính phủ và Nhân dân.

Ông Vũ Hải Hà cho rằng ngoại giao nghị viện đã và đang góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, mở ra quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam với các nước, đối tác song phương và đa phương trong bối cảnh mới. Điều này góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực.

 

Khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát tại Việt Nam, công tác ngoại giao luôn nhấn mạnh đến vai trò của hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, mà cụ thể ở đây là việc ngăn chặn đại dịch bằng vaccine.

Chiến lược vaccine đã được xác định là con đường rõ ràng nhất để thoát khỏi đại dịch, với mục tiêu tiêm chủng đại trà toàn dân. Vậy nên, tại các diễn đàn quốc tế, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn tranh thủ đề nghị các quốc gia hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 cho Việt Nam.

Cùng vào cuộc với cả hệ thống chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng, Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt trong triển khai chiến lược ngoại giao vaccine.

Không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất vaccine… Quốc hội đã chủ động trong hành động, đồng hành cùng Chính phủ vì mục tiêu cao nhất là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.

Phát huy sức mạnh và tính chất riêng biệt, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội góp phần vào thành công chung của ngoại giao vaccine, qua đó, giúp Việt Nam thành công với chiến lược vaccine "đi sau, về trước".

 

Sau chuyến công tác châu Âu vào tháng 9/2021, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tiếp nhận 200.000 liều vaccine AstraZeneca được chính phủ Vương quốc Bỉ và Cộng hòa Slovakia trao tặng. Bên cạnh đó là các thiết bị, vật tư y tế trị giá 1.028 tỷ đồng, cùng tiền mặt ủng hộ TP.HCM và Quỹ phòng, chống COVID-19.

Còn tại chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã tiếp nhận 200.000 liều vaccine COVAXIN cho trẻ em dưới 18 tuổi do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ; chuyển giao toàn bộ công nghệ và 1 tấn nguyên liệu điều chế 4.750.000 viên thuốc MOVINAVIR 200mg điều trị COVID-19...

Những số liệu kể trên sau các chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là minh chứng sống động cho việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả kênh ngoại giao nghị viện trong công tác ngoại giao vaccine.

Hoạt động ngoại giao của Quốc hội đã đóng góp thiết thực vào thành tựu phổ cập tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của nước ta, khi Việt Nam đang thuộc nhóm các nước có tỉ lệ tiêm chủng cao.

 

Cùng với những dấu ấn trong ngoại giao nghị viện song phương và đa phương, "ngoại giao vaccine" với cách thức triển khai hết sức khéo léo, linh hoạt, sáng tạo, lồng ghép "trúng" và "đúng" trong chương trình nghị sự trở thành một trong những dấu ấn đậm nét của công tác đối ngoại Quốc hội Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi nhìn nhận được những hậu quả mà dịch COVID-19, Việt Nam đã dùng tất cả các phương tiện, công cụ để hoàn thành tốt công tác ngoại giao vaccine. Và đó là phản ứng chính sách rất đúng đắn, nếu không có ngoại giao vaccine thì việc bình thường hóa xã hội, kinh tế và cuộc sống của người dân sẽ bị chậm lại và gặp muôn vàn khó khăn.

"Cả nền ngoại giao của ta, từ ngoại giao Nhân dân là các doanh nghiệp, ngoại giao Nhà nước là Chính phủ, Thủ tướng và ngoại giao nghị viện là Quốc hội, đều đã vào cuộc", ông Dũng nói.

Ông Dũng nhận định, đằng sau sự thành công của "ngoại giao vaccine" nói riêng và chiến lược vaccine nói chung là thông điệp và bài học về sự nỗ lực vì mục tiêu bảo vệ tính mạng và sức khỏe Nhân dân dựa trên sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và doanh nghiệp.

 

 

Nguồn:

Tin mới