Trong cuộc trao đổi với các phóng viên hôm 19/4, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cho biết Wellington đã bày tỏ với các nước còn lại trong “Ngũ Nhãn”, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Australia rằng họ không ủng hộ liên minh mở rộng ra ngoài phạm vi chia sẻ thông tin tình báo.
"Chúng tôi không thoải mái với việc mở rộng phạm vi của Ngũ Nhãn. Chúng tôi muốn tìm kiếm cơ hội đa phương để thể hiện lợi ích của mình hơn", bà Mahuta khẳng định.
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta. (Ảnh: EPA-EFE)
Theo Ngoại trưởng New Zealand, Ngũ Nhãn - mạng lưới tình báo lâu đời nhất thế giới - trong những tháng gần đây đã mở rộng phối hợp ra ngoài các vấn đề tình báo, trong đó có việc nêu ra các quan ngại về nhân quyền và an ninh với Trung Quốc.
Hồi tháng 11/2020, Ngũ Nhãn ra tuyên bố chúng kêu gọi Trung Quốc xem xét lại hành động nhằm vào cơ quan lập pháp Hong Kong. Các nước thành viên trước đó cũng thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.
Tuy nhiên, New Zealand từ lâu được xem là mắt xích mềm mỏng trong Ngũ Nhãn trong vấn đề đối đầu với Trung Quốc.
Hồi tháng 1, Trung Quốc và New Zealand ký một thỏa thuận nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hiện hành.
Trong khi New Zealand hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Trung Quốc liên quan tới vấn đề nhân quyền, Wellington không đưa ra các biện pháp trừng phạt của riêng mình.
New Zealand cũng là thành viên duy nhất phản đối việc Ngũ Nhãn thông qua tuyên bố chung vào tháng 5 trước khi luật an ninh quốc gia được ban hành ở Hong Kong.
Trung Quốc từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Ngũ Nhãn, thậm chí dọa 'chọc mù mắt' liên minh này sau tuyên bố chung của nhóm về Hong Kong.
Trong một sự kiện riêng biệt hôm 19/4, bà Mahuta có bài phát biểu đầu tiên với tư cách ngoại trưởng về mối quan hệ của Zealand với Trung Quốc trước Hội đồng New Zealand-Trung Quốc.
Bà Mahuta khẳng định khi căng thẳng giữa các nước xảy ra, New Zealand thực hiện một cách tiếp cận nhất quán và có thể dự đoán được thông qua ngoại giao và đối thoại.
"Đôi khi chúng tôi sẽ thấy cần thiết phải lên tiếng công khai về các vấn đề, như Hong Kong, Tân Cương và các sự cố mạng. Đôi khi chúng tôi sẽ kết hợp làm việc này với những người khác có cùng quan điểm và đôi khi chúng tôi hành động một mình. Trong mỗi trường hợp, chúng tôi đưa ra quyết định một cách độc lập, dựa trên các giá trị và đánh giá của riêng mình về lợi ích của New Zealand", bà Mahuta nhấn mạnh.