Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đổi cách tính điểm vào lớp 10: Phụ huynh TP.HCM lo, giáo viên nói tránh học 'tủ'

(VTC News) -

TP.HCM đề xuất thi vào lớp 10 năm nay, môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ đều điểm hệ số 1 thay vì Toán, Văn nhân đôi như trước.

Sở GD&ĐT TP.HCM đang xin ý kiến UBND TP về việc thay đổi cách tính điểm các môn thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Theo đó, tất cả 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ đều tính điểm hệ số 1 thay vì môn Toán, Văn nhân hệ số 2, môn Ngoại ngữ chỉ tính hệ số 1 như trước đây.

Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, việc thay đổi trên nhằm khẳng định tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ. Đây cũng là môn học quan trọng, nền tảng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. 

Ảnh minh họa. 

Phụ huynh lo lắng

Hai ngày nay, chị Nguyễn Thị Nga (ngụ quận 7, TP.HCM) “đứng ngồi không yên”, lo cho con khi trên mạng xã hội bàn tán đổi cách tính điểm thi vào lớp 10. Con chị đang học lớp 9 tại Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, năm nay có nguyện vọng thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Chị Nga cho biết, còn hơn hai tháng nữa là bước vào kỳ thi, giờ thay đổi thì sẽ gây tâm lý lo lắng, xáo trộn cho học sinh. Mặc dù vẫn học trọng tâm 3 môn thi nhưng con chị vẫn giành nhiều thời gian học 2 môn Toán, Văn hơn vì điểm thi nhân hệ số 2.

Hết tuần này là giữa tháng 3 rồi, mà đầu tháng 6 thi, coi như là còn có hơn 2 tháng nữa chớ mấy. Sắp đến kỳ thi rồi, mà giờ thay đổi sợ học không kịp, con vẫn học chủ yếu Toán, Văn vì nhân hệ số 2, tiếng Anh con cũng ít chú trọng hơn, giờ tính điểm ngang nhau rất dễ rớt, sợ con không đậu trường chuyên", chị Nga nói.

Trong khi đó anh Vũ Công Thành (ngụ Quận 4, TP.HCM) có con đang học lớp 9 cho rằng, thay đổi cách tính điểm để học sinh không lơ là tiếng Anh, tốt cho các con. Nhưng theo anh Thành nên thay đổi vào năm sau, còn năm nay thì chưa nên áp dụng vì kỳ thi đã gần kề.

"Tôi nghĩ sao không thay đổi ngay từ đầu mà gần thi rồi thay đổi, 3 môn Toán, Văn, Anh Văn điểm hệ số 1 cũng được thôi, học sinh sẽ học đều hơn, nhưng nên để sang năm thay đổi, giờ thay đổi gì nữa", anh Thành nói.

Thay đổi để tránh học lệch, học “tủ”

Trước đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Quận 1, TP.HCM) cho rằng, đề xuất thay đổi có thể theo một lộ trình nào đó. Nếu thay đổi ngay năm nay thì về mặt đề thi môn tiếng Anh cũng phải cân nhắc cho phù hợp để không tạo ra sự lo lắng thái quá cho học sinh.

“Việc đề cao ngoại ngữ như tiếng Anh của thành phố là chủ trương đúng. Sẽ có một chút lo lắng cho học sinh và phụ huynh nếu áp dụng trong đợt thi tháng 6 này, nhưng tôi tin là Sở cũng đã cân nhắc, chuẩn bị mới đề xuất. Trong việc ra đề thi điều chỉnh mức độ đề làm sao để học sinh yên tâm. Trước Toán, Văn nhân hệ số 2, tiếng Anh điểm hệ số 1, học sinh thường có xu hướng học lệch, học thiên về Toán, Văn hơn, nếu 3 môn đều điểm hệ số 1, các em sẽ học đồng đều hơn, tránh “học tủ”, học lệch”, cô An nói.

Theo cô Thúy An, Sở GD&ĐT T.HCM đã có một số chương trình và đề án đẩy mạnh học tiếng Anh từ lâu, nên việc thi vào lớp 10, 3 môn tiếng Anh, Toán, Văn được cố định từ lâu. Do đó, học sinh cũng có quan tâm nhất định cho 3 môn này. Các trường cũng chú trọng dạy cho học sinh 3 môn này từ học kỳ I.

Cô An cũng cho biết, theo phân bổ của chương trình học cũ, tổng số tiết/1 tuần lớp 9 với môn Toán là 4 tiết, Văn là 5 nhưng tiếng Anh chỉ có 2 tiết. Sự phân bổ này cho thấy mức độ quan tâm tiếng Anh không bằng hai môn kia. Như vậy sẽ khó khăn cho học sinh thi tuyển sinh lớp 10. Để chuẩn bị cho các em thi vào lớp 10, Trường đã tăng tiết tiếng Anh bằng với Toán và Văn. Việc làm này cũng giúp học sinh học các môn ngang nhau, không thiên về môn nào.

Có sự chuẩn bị rồi, nhưng có điều thời gian cũng không còn nhiều lắm, thay đổi như thế cũng có ý kiến trái chiều, tạo ra dư luận, có lo lắng nhất định cho phụ huynh, học sinh nhưng không quá nghiêm trọng. Những chính sách của các nhà quản lí giáo dục đều theo hướng phát triển tốt cho học sinh, cần phải thay đổi để phát triển”, cô An cho biết thêm.  

Trường THPT Gia Định. (Ảnh: Mai Thúy)

Đồng tình với đề xuất của Sở GD&ĐT, cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng, thay đổi là hợp lý vì đằng nào các em cũng học 3 môn Toán, Văn và tiếng Anh, tốt cho học sinh. Tránh tình trạng học lệch, thiên về những môn thi điểm nhân hệ số 2.

“Điểm hệ số 1 hết, học sinh sẽ học đều các môn. Nhà trường sẽ tuyển sinh các em học đồng đều hơn, năng lực của các em ở các môn ngang nhau sẽ tốt cho học sinh cũng như cho trường khi nhận học sinh. Tính điểm thi kiểu cũ học sinh dễ lơ là, coi nhẹ tiếng Anh. Điểm hệ số 1, học sinh sẽ chú trọng học tiếng Anh hơn thay vì học thiên Toán, Văn do điểm nhân 2”, cô Vân cho biết.

MAI THÚY

Tin mới