(VTC News) - Vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước,đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu đã hình thành nên một cái tết mới - đó là Tết Độc lập mừng Quốc khánh 2/9.
Cách đây ít năm, sau mấy ngày của Lễ Hội Văn hóa các dân tộc Mộc Châu do tỉnh Sơn La tổ chức rất quy mô vào cuối tháng Tám dương lịch, sau khi khách mời và các nhà báo trung ương & địa phương đã trở về hết, tôi rủ vài anh bạn nhà báo trẻ cùng ở lại Mộc Châu qua ngày 2/9 để đón cái Tết Độc Lập độc đáo của đồng bào dân tộc mà chỉ vùng cửa ngõ Tây Bắc này mới có.
Thanh niên người Mông ở Mộc Châu đi chơi Tết Độc Lập. (Ảnh minh họa) |
Thi làm bánh dày nhân Tết Độc Lập. (Ảnh minh họa) |
Như vậy là, nếu Tết truyền thống của người Mông chỉ gói gọn trong phạm vi của gia đình, họ hàng, cộng đồng bản hoặc giữa các bản với nhau thì Tết độc lập 2/9 là một “hiện tượng văn hóa” đặc sắc mang tính thời đại, đó cũng là sự liên kết giữa các cộng đồng người Mông của các vùng miền khác nhau.
Sau năm 1975 cho đến nay, sinh hoạt này đã trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu, và có khả năng sẽ lan tỏa tới nhiều vùng đồng bào Mông trong cả nước...
Thổi khèn, nhảy múa trong ngày Tết Độc Lập. (Ảnh minh họa) |
Mấy năm qua, đã có hàng chục bài báo viết, báo mạng nói về ngày Lễ đón Tết Độc Lập này một cách chi tiết, sinh động, (thậm chí trên công luận còn thông báo cụ thể về Tết Độc lập năm nay - 2014 ở Mộc Châu, nội dung có thêm nhiều cái mới thế nào, như sẽ có 3 khinh khí cầu bay tại khu vực đêm hội, v.v).
Vì vậy, tôi không làm mất thời gian của bạn đọc thêm nữa trong việc miêu tả, kể lể về nội dung, diễn biến Lễ Độc Lập đó.
Trở lại cái đêm ấy, các bạn trẻ của tôi ai cũng ngạc nhiên, say mê, trầm trồ, họ lần đầu tiên được sống trong một không gian văn hóa chưa từng thấy trên Đất nước ta. Còn tôi, vì đã vài ba lần được sống qua, sự ngạc nhiên háo hức không còn nữa, nhưng khung cảnh trên cũng cho tôi thêm một dịp để tiếp tục suy ngẫm về Văn hóa & Thân phận đồng bào Mông Tây Bắc- điều đã cuốn hút tâm trí tôi suốt nhiều năm ròng…
Đêm sâu, bên một vệ đường phố núi Mộc lỵ, khi tiếng kèn lá giao duyên của một cô gái Mông cất lên, tôi đã tâm sự với các nhà báo trẻ vài trải nghiệm của mình sau nhiều ngày lang thang trên các vùng người Mông khắp Sơn La trong đợt làm phim tài liệu “Trăn trở vùng cao”. Điều đó cũng giúp cho cả chính tôi chợt hiểu thêm nguyên do, cùng ý nghĩa sâu xa của những điều vừa được chứng kiến tại Châu Mộc đêm 1/9.
Đồng bào Mông là một cộng đồng người cứ chọn nơi nào cao nhất để định cư, bao đời nay tồn tại trên dốc cao chìm khuất giữa sương mù, và hiện đang đứng trước không ít thử thách nặng nề để sống cho ra sống… Họ rời khỏi nhà từ lúc nhọ mặt để trở về trong ánh đèn mỡ lợn hoặc ánh điện lom đom lấy lên từ suối cạn.
Các làng Mông (Jao) ở khắp vùng Tây Bắc vốn thừa đất thiếu nước, nhiều dốc hiếm bãi bằng, từng trải qua bao thời loạn rừng động núi, di cư liên miên, vốn là những vùng quê tự cung tự cấp chưa ổn định, sống bằng nương rẫy, trình độ dân trí còn thấp, các hủ tục và nạn mê tín còn nặng nề, và đồng bào thì mộc mạc, khảng khái nhưng cũng dễ bị kẻ xấu mua chuộc, lợi dụng… Đó là dân tộc của những "Tiếng hát làm dâu”, “Tiếng hát mồ côi" thống thiết. Câu dân ca Mông hát bên bếp lửa như vọng mãi lời ai oán của những kiếp người khổ sở:
Ta trót ăn lầm cơm ma
Trót uống lầm nước ma
Lạc chân trời đến quê ma
Ta đi được, trở về không được…
Tại một vùng cao hẻo lánh Sốp Cộp, tôi đã được nghe những lời hát cúng “Ma bò”: “Con bò sừng cao đến tận trời, đuôi quệt dưới trần gian, mang chín thang thuốc chữa cho gia đình sống cuộc đời thanh bạch, trong như nước, trắng như gạo, xanh như rừng…”. Trong những lời hát cúng tựa sử thi ấy, tôi chợt nhớ đến câu chuyện do nhà văn người Mông Hờ A Di kể: một ông bác, chỉ vì cần có một con bò cúng ma đã cam tâm đem cả cháu gái mình bán đi!
Vẻ đẹp tâm linh và sự lạc hậu, cái cao cả và sự tối tăm…tất cả đang kết thành búi trong tâm thức ngàn đời, đang cần được nhiều người có tâm có hiểu biết và những chính sách đúng đắn gỡ dần ra… Người Mông xưa thường buồn bã ví dân tộc mình như một cánh chim: “Người ta có ruộng, người ta ăn thóc mọc dưới đất... Người Mông ta không có ruộng, ta bay trên trời cao tìm quả ngọt trong rừng” (Dân ca Mông).
Trang phục lộng lẫy của người Mông đi chơi lễ hội. (Ảnh minh họa) |
Người Mông đi chơi Tết Độc lập trong đêm. (Ảnh minh họa) |
Trong đêm 1/9 kỳ lạ ấy giữa phố huyện của cao nguyên Châu Mộc se lạnh, mấy nhà báo chúng tôi thuộc hai thế hệ đã ngộ ra được phần nào cái “lý” này (theo cái “lý” mà người Mông vẫn ưa thích): lễ hội đón Tết Độc Lập của đồng bào Mông Mộc Châu được hình thành và phát triển, xét cho cùng cũng là một trong những nỗ lực để góp phần xoá đi hết cái hình ảnh “trần gian trải vải đen” trong thơ ca đẫm lệ xưa, để mong gỡ dần cái tấm vải đen trùm kín mặt trong tiếng cúng ma rùng rợn còn tồn tại cho đến tận hôm nay ở nhiều làng Mông hẻo lánh khắp vùng Tây Bắc…
Cuối tháng 8/2014
Đạo diễn, nhà báo Mai An Nguyễn Anh Tuấn