Quán hủ tíu (theo cách viết của gia đình chủ quán) của gia đình ông Lại Cẩm Vinh tọa lạc tại số 333 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã tồn tại 40 năm.
Theo ông Vinh, quán hủ tíu này đã được bố mẹ ông mở. Lúc đầu, đây chỉ là một quán ăn nhỏ dành cho những người có thu nhập thấp.
Dần dần, bằng kinh nghiệm và khả năng học hỏi, bố mẹ ông đã tạo nên bí quyết riêng cho món hủ tíu của gia đình. Sau này khi nối nghiệp của bố mẹ để duy trì quán, ông đặt tên quán là "Hủ Tíu Cẩm Vinh" theo tên của mình.
Nhưng cùng với thời gian, nhiều quán hủ tíu khác cũng bắt đầu mọc lên. Để thu hút và giữ chân khách hàng, ông Vinh quyết định mở quán 24/24 giờ mỗi ngày, 365 ngày/năm. Khách quen gọi là "quán hủ tíu không bao giờ đóng cửa".
Ông Vinh bên quầy hủ tíu của gia đình mình.
Vì mở liên tục, không đóng cửa nên mỗi người trong gia đình ông phải thay phiên nhau để duy trì hoạt động của quán, luôn phục vụ kịp thời khi khách đến ăn.
Ngoài việc phục vụ khách chu đáo, tận tình, quán còn nổi tiếng bởi nguyên liệu để làm nên món hủ tíu đều được các thành viên trong gia đình tự tay làm ra.
“Nguồn gốc xuất phát món ăn này từ những người Trung Hoa, đặc biệt là người Quảng Đông. Họ mang tinh túy ẩm thực của mình chắt lọc và thay đổi đi nhiều để phù hợp với ẩm thực và khẩu vị của người Việt Nam.
Qua gần trăm năm món hủ tíu hiện nay ở nước mình đã khẳng định được hương vị độc đáo riêng. Ngoài nét chung về hương vị, thì mỗi quán hủ tíu cũng sẽ có bí quyết chế biến riêng để giữ chân khách của mình”, ông Vinh cho biết.
Ông Vinh nói thêm: "Tất cả các nguyên liệu làm nên tô hủ tíu ở quán đều được gia đình tôi tự tay chế biến từ khâu nhào bột làm mì đến nguyên liệu nước tương, nước lèo.
Ngày xưa thời bố mẹ tôi còn dùng tay để nhào bột chứ bây giờ có máy móc hiện đại, công việc cũng giảm đi đôi phần”.
Sợi mì ở quán của gia đình ông Vinh được nhiều người nhận xét là ngon và dai.
Mọi thành phần để tạo nên 1 tô hủ tíu mì ở quán Cẩm Vinh đều đơn giản, không cầu kỳ, không dùng chế phẩm tạo màu nên nước dùng trong veo. Mỗi tô hủ tíu Cẩm Vinh mang một vị thanh ngọt nhẹ không thể lẫn, sợi mì ngon giòn cộng chút chua chua của giấm đỏ, kết hợp với nước tương tạo nên sự hoàn hảo khó cưỡng lại.
Theo ông Vinh, mỗi ngày có khoảng 200 khách sẽ ghé đến quán. Với giá bán khoảng 32 ngàn đồng 1 tô, trung bình quán ông Vinh thu nhập khoảng 180 triệu đồng/tháng.
Vợ chồng ông Thanh là khách hàng quen thuộc của quán mì Cẩm Vinh hàng chục năm nay.
Ông Thanh (quận Gò Vấp), 1 khách hàng quen thuộc ở quán hủ tíu Cẩm Vinh chia sẻ: “Mặc dù nhà cách đây khá xa, hơn mười mấy cây số nhưng tôi thường xuyên đưa vợ xuống đây ăn, tính đến nay cũng hơn 10 năm rồi.
Hương vị hủ tíu ở đây rất ngon, vừa miệng. Trước đây làm mì bằng tay nên sợi mì dai và ngon hơn, bây giờ làm máy nên sợi mì không giữ được độ dai như ngày đầu nhưng vẫn ngon hơn nhiều quán khác.
Với hay cái nữa là, quán không bao giờ đóng cửa nên sớm trưa, tối khuya, ngày lễ hay ngày thường đến ăn đều được hết."
Cứ như thế, 40 năm nay quán mì Cẩm Vinh vẫn luôn được thực khách yêu mến, thế nhưng người chủ của quán khi bước vào tuổi xế chiều bắt đầu có những lo toan về việc duy trì truyền thống gia đình.
“Con trai tôi giờ nó không theo nghề của ông bà để lại. Tôi chỉ lo không biết đến lúc mình mất đi thì quán mì có còn duy trì được nữa hay không. Nếu có ngày quán mì đóng cửa, thì cũng là theo xu thế phát triển của xã hội và mình phải chấp nhận, nhưng mà như thế thì buồn lắm”, ông Vinh tâm sự.