Video: Pho tượng tự đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ ở Hải Phòng
Miếu Bảo Hà hay còn gọi là Miếu Ba Xã (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) xây dựng từ thời Hậu Lê, được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Miếu kiến trúc theo hướng Tây Nam, gồm tòa Bái đường và Cung Nhất, Cung Nhì.
Di tích này tồn tại hơn 700 năm cùng với thời gian và truyền thống chống giặc ngoại xâm, là nơi tôn thờ Thái tử Lý Linh Lang Đại Vương (Chính sử ghi là Lý Hoằng Chân) và cụ Nguyễn Công Huệ, ông tổ nghề sơn mài điêu khắc thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh.
Miếu Bảo Hà xây dựng từ thời Hậu Lê, được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.
Miếu Bảo Hà trải qua bao thăng trầm cùng thời gian và lịch sử quê hương, đất nước, là công trình kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, sơn mài tiêu biểu, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của mỗi người con quê hương khi đi xa, về gần. Những pho tượng được các nghệ nhân làng Bảo Hà tạo tác có tuổi thọ hàng trăm năm, được đặt tại Bái đường miếu Bảo Hà.
Năm 2000, với sự cung tiến của nhân dân và du khách thập phương, tòa Bái đường được phục dựng ngay trên nền móng cũ. Bái đường hiện nay gồm 5 gian với sự bài trí chính diện là nhang án thờ Công đồng với bức đại tự sơn son thiếp vàng ghi 3 chữ vàng “Vi Chi Hiển”, ý nói sự thấu hiểu, sự cảm thông của Nhà Thánh đến mọi người, mọi nơi rõ rệt.
Tại cung Nhất thờ pho tượng Thánh đức Linh Lang Đại Vương, một tác phẩm độc nhất vô nhị ở nước ta. Tượng có thể đứng lên, ngồi xuống khi có khách thăm quan chiêm bái.
Theo cán bộ văn hóa xã Đồng Minh, pho tượng có thể đứng lên, ngồi xuống là nhờ hoạt động theo nguyên lý “cánh tay đòn” gồm hệ thống ròng rọc, khớp nối hoàn toàn bằng một loại gỗ đặc biệt nằm trong căn hầm phía dưới cung cấm mà đến nay người dân địa phương vẫn chưa thể biết đó là loại gỗ gì.
Pho tượng tự đứng lên, ngồi xuống khi có khách thăm quan chiêm bái.
Pho tượng là sự kết hợp tinh túy của nghệ thuật dân gian và nghệ thuật hiện đại, đây cũng là một bảo tồn nhỏ của môn nghệ thuật Múa Rối truyền thống của làng Bảo Hà. Ngoài pho tượng Linh Lang Đại Vương, bên cạnh có 4 pho tượng Tố nữ được tạo với dáng “nhánh liễu thướt tha”, khuôn mặt bình dị đời thường, tươi tắn đứng bê khay trầu trước tượng Linh Lang Đại Vương.
Theo truyền thuyết, xưa kia, phía trước ngôi miếu là dòng sông Vĩnh Trinh chảy qua. Miếu là nơi thờ Thành Hoàng làng. Sau một cơn bão lớn, làng xóm tiêu điều, dân làng bị dịch bệnh vô kể, trên dòng sông xuất hiện một khúc gỗ thơm lớn.
Khi đêm đến, Thành Hoàng làng báo mộng cho dân làng: "Muốn tránh khỏi bão lũ, dịch bệnh thì lên Đền Quan Thánh phủ Tây Hồ xin chân nhang và mang khúc gỗ về tạc tượng Thái tử Linh Lang mà thờ….”. Nghe vậy, dân làng làm theo. Từ khi tạc tượng phụng thờ Thái tử Lý Linh Lang, xóm làng ngày thêm trù phú, tránh được nhiều tai ương, dịch bệnh.
Tại Cung Nhất, Cung Nhì của Miếu tôn thờ Thái tử Lý Linh Lang Đại Vương là Hoàng tử Lý Hoằng Chân con trai thứ tư của Vua Lý Thánh Tông.
Tại Cung Nhì thờ tượng Linh Lang Đại Vương, Ngài ngự trên nhang án thờ, là pho tượng Đức Thánh dân làng thường dùng để rước quanh làng mỗi dịp dân làng mở hội. Thái tử Lý Linh Lang Đại Vương là Hoàng tử Lý Hoằng Chân, con trai thứ tư của Vua Lý Thánh Tông.
Thái tử Lý Linh Lang từ bỏ áo bào cùng quân dân cả nước đánh tan quân xâm lược Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (Sông Cầu ngày nay) năm 1076 - 1077 và anh dũng hy sinh trong một trận thủy chiến ác liệt với quân giặc trên sông Như Nguyệt.
Nhắc tới di tích quê hương, người dân địa phương thường có câu thơ truyền miệng: “Ai qua Vĩnh Lại, nhớ ghé Bảo Hà/ Vào Chùa thăm tượng mới tô/ Thăm Đền Tổ phụ thăm từ Linh Lang..."
Công trình độc đáo thứ hai tại di tích này là Giếng "Mắt thần" hay còn gọi là Giếng bán nguyệt. Giếng bán nguyệt nằm trong lòng Cung Nhì ngay dưới nhang án thờ Linh Lang Đại Vương. Trong lòng giếng có mạch nước ngầm chảy ra sông Vĩnh Trinh xưa kia, mỗi dịp dân làng mở hội, cúng lễ thì thực hiện nghi lễ thả bưởi cầu may mang theo lời ước nguyện dâng lên Đức thánh.
Giếng bán nguyệt nằm tại trong lòng Cung Nhì ngay dưới nhang án thờ Linh lang Đại Vương.
Sau 3 hồi 9 tiếng chiêng, trống lễ trong thời gian khoảng 5 -7 phút, trái bưởi sẽ trôi qua một đường ống bằng gốm dài 100m nối từ trong lòng giếng cho đến bờ ao nơi quả bưởi nổi (gọi là cửa Bưởi). Để kiểm chứng, PV VTC News thả quả bưởi xuống giếng, sau đó quả bưởi nổi lên trên ao phía trước ngôi miếu.
Người dân ở đây cho biết, không phải ai thả bưởi cũng nổi ra ao mà còn tùy thuộc vào người thả bưởi, nếu người thả không có tâm thì bưởi không thể nổi được.
Quả bưởi được PV VTC News thả xuống giếng đã nổi lên trên ao phía trước ngôi miếu sau 3 hồi 9 tiếng chiêng trống nổi lên.
Những bí ẩn của miếu làng Bảo Hà cứ thế được truyền tai nhau, khiến ngôi miếu nhỏ nằm trong vùng quê cách xa trung tâm TP Hải Phòng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái.