Theo ghi nhận thực tế, trong thời gian qua, các chủ đầu tư dự án phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30%, thậm chí cao hơn do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh.
Khó đạt được 50% kế hoạch năm 2021
Ở góc độ một nhà phát triển bất động sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land nhận định doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu.
"Năm nay, việc đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản của các doanh nghiệp bất động sản", bà Hương nhận định.
Chia sẻ trong buối đối thoại với UBND TP Thủ Đức mới đây, ông Võ Sỹ Nhân, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Empire City cho biết các doanh nghiệp hiện nay phải sống trong một khoảng thời gian rất đặc biệt và khó đoán. Chính vì vậy, doanh nghiệp chỉ dám nhìn vào 2 mốc thời gian là 6 tháng và 12 tháng tới.
Dự án Empire City tạo công việc cho khoảng 2.000-2.500 người lao động tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.
"Về góc độ tài chính, tôi xin đề xuất với các ngân hàng và định chế tài chính chọn ra một số dự án, doanh nghiệp hoặc lĩnh vực để làm một bài kiểm tra thử thách sức chịu đựng của doanh nghiệp trong 2 giai đoạn thời gian nêu trên để quan sát dòng tiền và khả năng hồi phục. Chưa bao giờ các nhà đầu tư có thể tiếp cận với một số nguồn vốn với lãi vay hấp dẫn như hiện nay, cùng với đó là dòng tiền rẻ. Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đều thấp, chúng ta không thể đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng như 12 hay 24 tháng trước đây", ông Võ Sỹ Nhân nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Nhân cũng nhấn mạnh, TP Thủ Đức cần tập trung vào những thế mạnh tại các lĩnh vực mang đến tỷ trọng lớn về GDP, việc làm cho TP như logistic, dịch vụ, bất động sản... Một dự án bất động sản kéo theo rất nhiều nhà thầu chính, nhà thầu phụ, tạo công ăn việc làm, đóng góp VAT cho địa phương. Ông cũng dẫn chứng dự án Empire City Thủ Thiêm với quy mô lớn đã tạo công ăn việc làm cho 2.000 - 2.500 người lao động.
"Chúng tôi hy vọng TP Thủ Đức và TP.HCM trước mắt đẩy nhanh tiêm vaccine, chấp nhận một số rủi ro trong tình hình mới để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh chứ không thể hy vọng an toàn 100% như trước", ông Nhân khẳng định.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trung ương của Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC), tổ chức này khẳng định cần quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp xây dựng.
Cụ thể, trong thời gian qua nhóm doanh nghiệp này không thể triển khai thi công do thiếu giấy phép đi đường, việc áp dụng "3 tại chỗ" ở các công trường xây dựng cũng khó khăn hơn rất nhiều so với tại nhà máy sản xuất, tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu...
Khó áp dụng phương án "3 tại chỗ" cho người lao động tại các công trường xây dựng. Ảnh: Quỳnh Danh.
Điều này dẫn đến ách tắc các công trình xây dựng, kéo theo các công ty phụ thuộc trong hệ sinh thái của công trình cũng bị ảnh hưởng theo. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng và xây dựng cũng là yếu tố quan trọng trong dây chuyền kinh tế cần được tập trung sau dịch.
Bên cạnh đó, VREC đánh giá các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản không được hưởng các ưu đãi từ ngân hàng như giãn nợ, giảm lãi suất hay tăng hạn mức vay.
Ngoài ra, việc thực hiện xét nghiệm cộng đồng rất tốn kém và tiềm ẩn nguy cơ cao. Thay vì tốn chi phí xét nghiệm quá thường xuyên, VREC đề nghị Chính phủ tập trung vào mua và tiêm vaccine cho người dân. Đồng thời, đơn vị này cũng đề xuất cho đi lại với 2 nhóm đối tượng là người lao động đã tiêm 2 mũi trên 10 ngày hoặc F0 đã khỏi bệnh trên 10 ngày.
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch VREC, các doanh nghiệp bất động sản hiện đã sẵn sàng hoạt động trở lại với các chính sách về nhân sự và biện pháp an toàn trong điều kiện mới. Chính vì vậy, ông hy vọng doanh nghiệp được trao quyền tự quyết định nhiều hơn để chủ động trong vấn đề tiếp cận vaccine cũng như các hoạt động kinh tế mới.
Trước đó vào tháng 8, hàng loạt nhà thầu xây dựng lớn như Delta, Vinaconex, Cienco 4, Eurowindow, Thành An, Phục Hưng Holdings... có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) để kiến nghị với Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, công nhân trong các dự án trong tình trạng bấp bênh, khó duy trì số lượng. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng thi công hàng tháng và tiến độ thi công công trình, phát sinh chi phí.
Mặt bằng chung giá các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với đầu năm, tăng cao nhất là sắt, thép, xi măng... Trong khi đó, đa số hợp đồng xây dựng hiện nay áp dụng đơn giá cố định, không điều chỉnh theo thời điểm ký khiến nhà thầu gặp khó khăn.