Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp Việt tuần qua: Người mong thoát lỗ, kẻ giảm lãi sâu

(VTC News) -

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lấy lại lợi nhuận dương khi loạt doanh nghiệp giảm sâu lợi nhuận…

Trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023, trong đó huy động vốn lên tới tỷ USD để giải cơn khát vốn.

Ông lớn đường sắt hy vọng thoát lỗ

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lên kế hoạch doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng trong năm 2023. Nếu thành công, VNR sẽ ghi nhận lợi nhuận dương sau 3 năm liên tiếp lỗ nặng. 

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lên kế hoạch doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng trong năm 2023. (Ảnh: VNR)

Trong năm 2022, doanh thu hợp nhất của VNR đạt  7.718,2 tỷ đồng bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. Doanh nghiệp lỗ hợp nhất 130,5 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 5.368 tỷ đồng, lỗ sau thuế 200 tỷ đồng.

Quý I/2023,  ngành đường sắt ghi nhận sự phục hồi tốt, khách đi tàu tăng trưởng 3 con số. Nguyên nhân đạt kết quả sản lượng và doanh thu tăng cao trong quý đầu tiên của năm nay là do có đợt cao điểm vận tải Tết Nguyên đán, lượng khách đi tàu đông. 

Bên cạnh đó, đường sắt đã áp dụng chính sách giá vé linh hoạt, xây dựng giá vé thành nhiều giai đoạn khác nhau để giãn mật độ hành khách đi các ngày cao điểm và thu hút hành khách đi vào các ngày thấp điểm vắng khách.

Doanh nghiệp của đại gia Đặng Văn Thành giảm sâu lợi nhuận

Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC Group) cho biết lợi nhuận sau thuế năm 2022 chỉ đạt 99 tỷ đồng, giảm 51% so với 2021. Lợi nhuận lao dốc khiến tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh từ 5,6% còn 2,8%.

TTC Group là doanh nghiệp đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục và du lịch… Báo cáo tài chính cho thấy, tại thời điểm cuối 2022, doanh nghiệp liên quan đến đại gia Đặng Văn Thành có vốn chủ sở hữu 3.68 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức gần 3,6 ngàn tỷ đồng của năm trước đó. 

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ tăng nhẹ từ 1,1 lần lên 1,3 lần, trong khi dư nợ trái phiếu trên vốn chủ gấp đôi năm 2021, tăng từ 14% lên 36%, toàn bộ là dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ. Hiện TTC Group có 6 lô trái phiếu còn lưu hành, với 3 lô được hoàn tất phát hành trong năm 2022.

Cánh chim đầu đàn ngành thép báo lỗ

Từng được coi là cánh chim đầu đàn ngành thép song Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đang rơi vào tình trạng khó khăn. Báo cáo tài chính cho thấy, Tisco tiếp tục lỗ trong quý I, đánh dấu 3 quý lỗ liên tiếp.

Tisco tiếp tục lỗ trong quý I, đánh dấu 3 quý lỗ liên tiếp. (Ảnh: Tisco)

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, Tisco ghi nhận doanh thu thuần 2.445 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 56 tỷ đồng, giảm tương ứng 34% và 60% so với cùng kỳ. Trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 19 tỷ đồng trong quý, trong khi cùng kỳ lãi 29 tỷ đồng. 

Tại cuối quý I, Tisco giữ hơn 2,9 ngàn tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Trong đó, tiền mặt ở mức 78 tỷ đồng và hàng tồn kho 2.1 ngàn tỷ đồng (tăng 21% so với đầu năm). Bên cạnh sự khó khăn của hoạt động cốt lõi, doanh nghiệp thép này còn gánh thêm chi phí tài chính nặng hơn. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 51% so với cùng kỳ.

Loạt doanh nghiệp muốn huy động vốn nghìn tỷ đồng

Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn - Saigontel (SGT) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2023. Đáng chú ý, SGT dự kiến thu xếp huy động từ 3.500-4.000 tỷ đồng, thông qua tăng vốn cũng như huy động từ các đối tác chiến lược, vay ngân hàng, các định chế tài chính hoặc hợp tác đầu tư.

SGT dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. SGT dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu, bằng 67,6% lượng cổ phiếu đang lưu hành. 

SGT là công ty do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT. Ông Tâm nắm giữ hơn 35 triệu cổ phiếu SGT, tương đương 23,6% vốn điều lệ. Năm 2023, SGT đặt kế hoạch doanh thu 2.750 tỷ đồng, tăng 89%. Lợi nhuận trước thuế 412 tỷ đồng, tăng đến 283% so với năm 2022.

Tương tự Saigontel, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng cần một lượng vốn lớn để đầu tư. Về nhu cầu đầu tư trong năm 2023, BSR dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, trong đó BSR sẽ chi 40% vốn chủ sở hữu và 60% vốn còn lại đi vay.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng có báo cáo về việc tiếp tục phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này cho biết, SHB muốn có nhà đầu tư nước ngoài đi với ngân hàng lâu dài, giúp SHB tăng cường khả năng quản trị. Tuy nhiên, sau khi tìm kiếm, chỉ có được các nhà đầu ngắn và trung hạn. Do đó, SHB chấp nhận nhà đầu tư nước ngoài mà có thể chỉ 2-5 năm họ sẽ rút. Trong năm nay hoặc sang năm, SHB sẽ có nhà đầu tư ngắn và trung hạn.

Hòa Bình (tổng hợp)

Tin mới