Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp Việt ‘quăng chài’ khắp thế giới

(VTC News) -

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã mở rộng quy mô kinh doanh và đầu tư mạnh mẽ ra thế giới với mục tiêu mang về hàng tỷ USD.

Cuộc “viễn chinh” của những ông lớn

Haiti - Đất nước nghèo nhất châu Mỹ La tinh với thu nhập bình quân đầu người chỉ 700 USD/năm đã có những bước tiến ngoạn mục sau khi Tập đoàn Viettel “đặt chân” vào quốc gia này và đầu tư vào mạng di động Natcom năm 2010. Đến nay, Haiti trở thành quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực Caribe. Natcom của Viettel có hơn 3 triệu người dùng, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động.

Trên báo chí, ông Michel Presume - Bộ trưởng Kế hoạch Haiti - từng chia sẻ: “Xin cảm ơn các bạn Viettel vì đã nỗ lực tái thiết Haiti”.

Natcom - nhà mạng thuộc Tập đoàn Viettel tại Haiti. (Ảnh: Thanh Hà)

Ông Nguyễn Huy Dung, Tổng giám đốc Natcom (trực thuộc Tập đoàn Viettel) cho biết, mục tiêu của Natcom là trở thành công ty số 1 về thị phần di động tại Haiti. Hiện nay, Natcom đang đứng vị trí thứ 2 và kém đối thủ lớn nhất 5% thị phần.

Từ trước đến nay, Natcom định vị là doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ với giá cả phù hợp, chất lượng tốt. Việc định vị phân khúc, giá cả rất quan trọng đối với thị trường Haiti vì mức sống, thu nhập, khả năng chi trả của người dân ở đây không cao như các thị trường khác. Mức giá phải phù hợp thì Natcom mới cạnh tranh được.

Trong giai đoạn mới, Natcom tập trung phát triển dịch vụ data 4G, trong tương lai gần là 5G và các dịch vụ số sẽ là nguồn lực tăng trưởng chính trong tương lai. Hiện tại, Natcom đã cung cấp một số dịch vụ liên quan đến ví điện tử hay xổ số. Bởi, đặc thù người dân Haiti là thích các dịch vụ liên quan đến “may rủi”, do đó Natcom muốn bám theo “cá tính” thị trường để phát triển dịch vụ.

Không chỉ đầu tư mạnh mẽ ở Haiti, Viettel cũng đang là nhà mạng số 1 tại Campuchia với thương hiệu Metfone. Còn tại Lào, nhà mạng Unitel của Viettel cũng đang dẫn đầu với 57% thị phần.

Ngoài những thị trường gần gũi với Việt Nam thì Viettel cũng đang đầu tư mạnh mẽ tại Myanmar, Peru, Mozambique, Tanzania và trở thành doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia này.

Halotel - thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại Tanzania, Châu Phi. (Ảnh: VT)

Khi nhắc đến câu chuyện đầu tư của các “ông lớn” Việt Nam thì không thể không nhắc đến FPT. Đây là doanh nghiệp liên tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài với doanh thu tăng trưởng rất mạnh.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, mảng dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) dành cho thị trường nước ngoài đã mang về cho FPT hơn 7.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận trước thuế duy trì ở mức hơn 16%.

FPT cũng đã khai thác tối đa các cơ hội từ thị trường toàn cầu với khối lượng đơn hàng ký mới tăng 37,1%, đạt 12.359 tỷ đồng. Doanh nghiệp này liên tiếp mở hai văn phòng mới tại Hàn Quốc và thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) để tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và thị trường công nghệ ô tô, chip bán dẫn toàn cầu.

Còn tại thị trường Hàn Quốc, FPT dự kiến sẽ mở thêm các văn phòng tại nhiều khu vực trọng điểm như Thủ đô Seoul hay thành phố Seongnam, hướng tới việc trở thành trung tâm dịch vụ toàn cầu cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn diện cho khách hàng châu Á.

Tại trường Châu Âu, FPT cũng vừa mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với IONITY - công ty vận hành mạng lưới sạc điện ô tô hàng đầu Châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình số hóa các quy trình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính trải nghiệm của khách hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, trong năm 2023, mảng CNTT ở thị trường nước ngoài của FPT đang hướng đến doanh thu 1 tỷ USD. Với kết quả 4 tháng đầu năm như trên, FPT đã đi được 30% chặng đường.

Đưa sản xuất ra thế giới

VinFast Trading and Investment Pte. Ltd (công ty con của Vingroup tại Singapore) đã hợp tác cùng Ngân hàng Credit Suisse (Singapore) và Citigroup Global Markets Ins (Mỹ) để thu xếp số vốn 4 tỷ USD cho nhà máy của VinFast tại Bắc Carolina (Mỹ). Nhà máy của VinFast tại đây có diện tích lên tới 800 ha.

Đây có thể nói là dự án “siêu khủng” của VinFast tại thị trường quốc tế. Giai đoạn 1 của nhà máy tại Bắc Carolina có công suất dự kiến khoảng 150.000 xe/năm với các dòng xe VF 8, VF 9.

VinFast phát triển hàng loạt trung tâm kinh doanh xe điện tại Châu Âu. (Ảnh: Bảo Linh)

Ngoài Mỹ, VinFast cũng đã mở hàng loạt trung tâm bán hàng tại Châu Âu như Berlin, Frankfurt, Cologne, Munich, Hamburg (Đức), Paris, Marseille, Rennes, Montpellier, Metz (Pháp), Amsterdam, Rotterdam, Den Haag (Hà Lan).

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp này là trở thành hãng xe điện được yêu thích tại các thị trường quan trọng và chiến lược như Châu Âu, Bắc Mỹ. Bà tin rằng, với sản phẩm tốt, giá hợp lý và dịch vụ xuất sắc, VinFast sẽ dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng quốc tế.

Bất chấp tình hình kinh tế hậu COVID-19 còn nhiều khó khăn, Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các chi nhánh nước ngoài như Driftwood (Mỹ), Lao-Jagro Development (Lào), Angkormilk (Campuchia) và Công ty liên doanh Del Monte - Vinamilk (Philippines).

Driftwood trở thành “công ty con” của Vinamilk vào tháng 12/2013. Đến tháng 5/2016, Vinamilk nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 100%. Driftwood là một trong những nhà sản xuất sữa lâu đời tại Nam California (Mỹ) với danh mục sản phẩm gồm sữa tươi, sữa chua, kem, nước trái cây.

Dây chuyền sản xuất sữa tại nhà máy Driftwood. (Ảnh:VNM)

Sau Driftwood, tháng 1/2014, Angkormilk - công ty con 100% vốn của Vinamilk được trao giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy sữa tại Thủ đô Phnôm-Pênh (Campuchia). Hai năm sau đó, Angkormilk đã khánh thành nhà máy với các tiêu chuẩn quốc tế hiện đại nhất về công nghệ, môi trường và an toàn thực phẩm. Đây cũng là nhà máy sản xuất sữa đầu tiên tại Campuchia với tổng diện tích gần 3 ha, vốn đầu tư ban đầu là 23 triệu USD và công suất thiết kế đạt 59 triệu lít sữa tươi tiệt trùng/năm.

Hàng năm, nhà máy Angkormilk sản xuất ra thị trường khoảng 50 triệu lít sữa các loại, tạo công ăn việc làm cho hơn 500 lao động tại Campuchia.

Tháng 11/2022, Angkormilk thông báo sẽ tăng tổng vốn đầu tư cho các dự án tại Campuchia lên 42 triệu USD. Theo đó, Vinamilk - Angkormilk sẽ đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa theo công nghệ tiên tiến của thế giới, hướng đến mục tiêu cho sữa trong 2 - 3 năm tới, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt trên 4.000 tấn/năm. Đây sẽ là trang trại điển hình cho ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Vương quốc Campuchia.

Đối với Lao-Jagro (Lào), Vinamilk chính thức trở thành “công ty mẹ” từ tháng 7/2018 và tạo ra bước ngoặt mới với việc phát triển dự án tổ hợp trang trại bò sữa trên diện tích quy hoạch là 5.000 ha, quy mô đàn bò 24.000 con. Định hướng dài hạn là phát triển tổ hợp trang trại có quy mô 20.000 ha với đàn bò 100.000 con. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa doanh nghiệp 3 nước Lào, Việt Nam và Nhật Bản, hướng đến mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu sữa tươi chuẩn quốc tế cung cấp cho thị trường Việt Nam và khu vực châu Á.

Tính đến hết quý 1/2023, doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài của Vinamilk đạt 1.203 tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ nhờ “phong độ” ổn định của Driftwood tại Mỹ và Angkormilk tại Campuchia, với mức tăng trưởng doanh thu đạt lần lượt là 7% và 11% so với năm ngoái

Bên cạnh đầu tư ra các chi nhánh nước ngoài, Vinamilk cũng tích cực trong các hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp này đã khai phá mảng xuất khẩu sữa từ những năm 2000 với thị trường chủ lực là Trung Đông. Hiện tại, khu vực này đang đóng góp hơn 85% vào tổng doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh xuất khẩu của Vinamilk.

Trong quý 1/2023, Vinamilk ghi nhận doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.428 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần xuất khẩu tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ, đạt 1.225 tỷ đồng.

ĐẠI VIỆT

Tin mới