Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp Việt kêu ‘sống dở chết dở’ vì Nghị định 20 ra sao?

Nghị định 20 về quản lý thuế “điểm trúng huyệt” các doanh nghiệp FDI nhưng lại vô tình khiến doanh nghiệp trong nước “sống dở chết dở”.

Nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Nghị định này đã “điểm trúng huyệt” các doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng kinh doanh nhưng liên tục báo lỗ.

Tuy nhiên, áp vào thực tiễn, Nghị định 20 vô tình khiến doanh nghiệp trong nước “sống dở chết dở”, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều chuyên gia luật và tài chính nhận định quy định khống chế trần lãi vay đang làm khó công ty trong nước, thay vì chống chuyển giá với doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp Việt ''kêu cứu''

Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 là khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, Điều 8 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”, tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

EVN, Vinacomin, Vicem, Lilama cùng một số doanh nghiệp tư nhân… gửi văn bản lên Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 20. 

Đa số các doanh nghiệp khi nghiên cứu thực hiện quy định này đều tỏ ra rất lúng túng. Trong khi đó, các cơ quan thuế hiện nay cũng có quan điểm của hướng dẫn khác nhau không thống nhất.

Chính vì vậy, đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp lớn như EVN, Vinacomin, Vicem, Lilama cùng một số doanh nghiệp tư nhân… gửi văn bản lên Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 20.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho biết quy định khống chế trần lãi vay được khấu trừ khi tính thuế thu nhập không vượt 20% được áp dụng đã tác động lớn, tiêu cực đến kết quả kinh doanh của công ty.

Lilama và các công ty có quan hệ liên kết đều hoạt động ở Việt Nam, cùng chịu một mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Lilama khẳng định quy định đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có quan hệ liên kết và không liên kết.

Theo Lilama, chi phí lãi vay của tổng công ty phát sinh thực tế từ việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, theo giá thị trường có hồ sơ, chứng từ hợp lệ. Do vậy, quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ bao gồm cả giao dịch liên kết và giao dịch độc lập là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.

Lilama là tổng thầu EPC song vốn chủ sở hữu nhỏ chưa tương ứng với quy mô hoạt động. Năm 2017, doanh thu của công ty mẹ Lilama là 15.811 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 923 tỷ đồng. Để thực hiện các dự án quy mô vừa và lớn, Lilama phải huy động lượng vốn vay lớn từ các tổ chức tín dụng dẫn đến chi phí lãi vay cao, vượt xa mức trần theo quy định của Nghị định.

“Bản chất các giao dịch của công ty chỉ nhằm mục đích tăng năng lực cạnh tranh, tập trung chuyên môn hoá cho từng công ty trong tổng công ty. Nếu tránh quy định về mức trần chi phí lãi vay, tránh không có các giao dịch liên kết, Lilama sẽ buộc phải thuê nhà thầu bên ngoài. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh, không định hướng được chiến lược phát triển, một số công ty ty giảm việc làm và dẫn tới nguy cơ phá sản”, theo báo cáo của Lilama.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết gặp rất nhiều vướng mắc, thậm chí thiệt hại khi áp dụng Nghị định 20. Cụ thể, tập đoàn này hoạt động theo mô hình mẹ - con, trong đó các giao dịch liên kết chính và lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh mua bán điện và giao dịch "cho vay lại".

Hiện nay nhu cầu đầu điện tăng cao khiến việc đầu tư dự án điện mới của EVN rất lớn. Tuy nhiên, vốn tự có của doanh nghiệp không đủ đáp ứng được nhu cầu đầu tư nên EVN và các thành viên vẫn phải huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước, đặc biệt trong giai đoạn 2017 -2025.

Do đó, nếu tính theo Nghị định 20, tình hình tài chính của EVN và các tổng công ty phát điện là rất lớn, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của EVN khi thực hiện các dự án điện thuộc quy hoạch điện của Chính phủ.

Tương tự, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Nhiệt điện Quảng Ninh.. cũng lần lượt gửi văn bản về Bộ Tài chính nói về sự vướng mắc, phức tạp khi thực hiện Nghị định 20.

"Đánh" nhầm đối tượng

Theo bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, quy định khống chế chi phí lãi vay này được Việt Nam tham khảo và áp dụng theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) và Diễn đàn hợp tác triển khai chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

Các chuyên gia kinh tế và luật sư cho rằng Nghị định 20 đã đánh nhầm đối tượng.

Tuy nhiên, bà Hương Vũ cũng nhấn mạnh rằng các quy định trong OECD chỉ cung cấp các hướng dẫn chung để các quốc gia có thể áp dụng tùy theo điều kiện và bối cảnh riêng.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ - con thường phát sinh các giao dịch cho vay theo mô hình công ty mẹ đi vay và cho công ty con vay lại. Do đó, các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng lớn từ quy định khống chế này của Nghị định 20.

Từ đó, bà Hương Vũ khuyến nghị điều chỉnh mềm mỏng hơn để phù hợp cho nhiều trường hợp khác nhau. Ví dụ, có thể cho phép doanh nghiệp chuyển chi phí lãi vay sang kỳ sau khi chi phí lãi vay vượt mức khống chế.

Riêng đối với tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, có thể áp dụng tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba hoặc thu nhập trước thuế (EBITDA) trên báo cáo tài chính hợp nhất, đồng thời áp dụng tỷ lệ cho từng công ty trong tập đoàn. Với các công ty mới đi vào hoạt động hoặc mới có doanh thu thì theo bà có thể áp dụng những phương pháp đặc biệt.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng Nghị định 20 ảnh hưởng tới doanh nghiệp lớn đặc biệt là các tập đoàn trong nước. Theo ông, hiện mô hình của nhiều doanh nghiệp là tập đoàn đứng ra vay tiền, sau đó cho các công ty con vay lại.

Ông Nam cho rằng Nghị định 20 nhằm chống chuyển giá với các doanh nghiệp ngoại nhưng mục tiêu này có thể bị trượt, trong khi lại ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước - vốn là những đối tượng không nằm trong nghi vấn.

“Nếu chính sách này không được điều chỉnh có thể thủ tiêu động lực phát triển, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Ông đề xuất cùng với việc nghiên cứu sửa đổi, ngành tài chính có thể đề nghị dừng quy định này”, ông Nam nói.

Cùng quan điểm, ông Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng mục tiêu của Nghị định 20 chưa trúng. Ngoài ra, theo ông Lực, quy định hiện hành nên khống chế mức 20% cũng chưa phù hợp với doanh nghiệp trong nước.

“Doanh nghiệp Việt Nam đi vay rất nhiều, nên tỷ lệ khống chế tối thiểu theo tôi phải trên 30%. Hơn nữa, thị trường vốn của chúng ta chưa phát triển, nhiều doanh nghiệp chưa phát hành cổ phiếu được. Ở châu Âu, thị trường chỉ dựa 35% vốn ngân hàng, song tại Việt Nam thì tỷ lệ này là 60-65%”, ông Lực nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức phân tích, khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.

Do vậy, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.

Hòa Bình

Tin mới