Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp vận tải ở Gia Lai đồng loạt tăng giá vé giữa 'bão' giá xăng dầu

(VTC News) -

Giữa bão giá xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tại tỉnh Gia Lai đã đồng loạt tăng giá vé để duy trì hoạt động, cao nhất là 25%.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã 12 lần tăng, 3 lần giảm và đang lập kỷ lục từ trước tới nay. Hiện tại, giá xăng dầu ở thị trường trong nước phổ biến với mức: xăng E5 RON92 có giá 31.302 đồng/lít, xăng RON95 là 32.873 đồng/lít, dầu diesel 30.019 đồng/lít, dầu hỏa 28.785 đồng/lít.

Giá xăng, dầu tăng cao chưa từng có đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực vận tải hành khách, khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng giá vé để cầm cự.

Giá xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động vận tải hành khách. (Ảnh: Hiền Mai)

Ông N.A.M, chủ nhà xe Tân Nguyên, chạy tuyến TP. Pleiku - Đà Nẵng cho biết, lượng khách đi xe hiện nay so với cách đây 3 tháng chỉ bằng 30%. Trong khi đó, chạy một chuyến xe khứ hồi TP. Pleiku - Đà Nẵng chỉ tính riêng tiền xăng dầu đã xấp xỉ 5 triệu đồng. Cộng với tiền ăn uống, tiền công cho tài xế, tiền thu phí…,tổng chi phí khoảng 7 triệu đồng.

Điều khiến ông M. lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng dầu tiếp tục leo cao thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, nhà xe sẽ không thể cầm cự được.

Doanh nghiệp vận tải hành khách ở Gia Lai đồng loạt điều chỉnh tăng giá vé. (Ảnh: Hiền Mai)

Để duy trì hoạt động, 25 doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh, doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá vé, giá mở cửa.

Cụ thể, với các tuyến cố định như: tuyến Bến xe Đức Long Gia Lai-TP.HCM, giá vé tăng 10-20% ở cả 2 chiều; tuyến từ thị xã An Khê, huyện Đak Đoa, Chư Sê, Đức Cơ đi TP.HCM tăng 14-22%; tuyến Gia Lai đi các tỉnh phía Bắc tăng 8-21%; tuyến Gia Lai đi Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng tăng 10-25%.

Ngoài ra, một số hãng kinh doanh taxi cũng tăng giá mở cửa 6-22%, tùy vào số chỗ ngồi trên xe. Mức điều chỉnh tăng giá vé của các doanh nghiệp vận tải lần này bình quân là 15%.

Việc điều chỉnh giá vé làm người dân, khách hàng phải trả giá cước phí cao hơn từ 20.000 tới 70.000 đồng so với giá cũ. Chị Lê Thị Tuyết Sương (26 tuổi, trú TP Pleiku) là người thường di chuyển bằng xe khách đi tuyến Gia Lai - TP.HCM, cho biết sau khi đi tham khảo giá để mua vé để vào lại TP.HCM, chị thấy hãng xe nào cũng tăng giá, không ít thì nhiều. Theo chị Sương, xe giường nằm của các hãng lớn hiện đã tăng lên 350.000 đồng/chuyến, xe giường nằm cao cấp là 380.000 đồng.

“Giá xăng, dầu tăng quá cao nên chúng tôi cũng thông cảm với các hãng xe về việc phải điều chỉnh tăng giá cước. Tuy nhiên, nếu cứ đà tăng giá cước liên tục theo giá xăng, dầu thì chắc chắn người dân đi lại sẽ thêm phần khó khăn”, chị Sương nói.

Liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá vé xe, ông Đặng Văn Hiền - Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai - chia sẻ, việc điều chỉnh tăng giá vé xe là bất khả kháng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách khi giá xăng dầu tăng cao.

Việc tăng giá vé này đa phần được người dân ủng hộ vì trước đó đơn vị này cũng đã tham khảo ý kiến của khách hàng. Từ những ý kiến đóng góp, đơn vị mới có mức điều chỉnh tăng giá phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng giá cước do giá xăng, dầu lập đỉnh mới liên tục. Tuy nhiên, việc tăng giá cước sẽ được quyết định tùy theo tuyến, loại xe và cơ quan chức năng sẽ quản lý chặt chẽ vấn đề này. Sở này cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải niêm yết công khai bảng giá tại quầy vé và trên phương tiện để hành khách theo dõi. Đồng thời sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp tự ý tăng giá vé cao hơn giá niêm yết.

HIỀN MAI

Tin mới