Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp truyền hình thay đổi mô hình kinh doanh, thích nghi với dịch bệnh

(VTC News) -

Trong bối cảnh COVID-19 gây thiệt hại lớn, nhiều doanh nghiệp truyền hình chuyển đổi sang kinh doanh thực phẩm và làm truyền thông cho chính việc bán rau củ, quả...

Sự lây lan rộng rãi của COVID-19 và những bất ổn về kinh tế đã mang đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất các chương trình truyền hình. Bên cạnh những tác động tới con người, COVID-19 đã và đang nhanh chóng gây ra những gián đoạn trong sản xuất và kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng sản xuất các chương trình truyền hình, ảnh hưởng lớn tới các hợp đồng với đối tác.

Doanh nghiệp truyền thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Ông Vũ Thế Hải, Giám đốc công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện Hoàng Hải (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, không chỉ truyền hình bị ảnh hưởng mà các doanh nghiệp truyền thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Hải, doanh nghiệp của ông hoạt động khá bài bản từ năm 2016 đến nay và chưa từng gặp rủi ro nào. Chính vì vậy, hàng năm doanh nghiệp này tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên với thu nhập từ 7-12 triệu/người/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong nhiều tháng khiến doanh nghiệp của ông gặp nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp điện ảnh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn khi phải chi trả nhiều kinh phí cố định và tiếp tục đóng cửa dài hạn để phòng dịch.

Sản xuất bị đình trệ, doanh nghiệp, đối tác cắt hợp đồng sản xuất hoặc có tiếp tục làm cũng phải chịu phạt từ 30-50% giá trị hợp đồng. Đây thực sự là những khó khăn bất khả kháng mà doanh nghiệp nào cũng đang phải oằn mình ghánh chịu.

“Bên cạnh đó là các rủi ro như khả năng phục hồi của các nhà cung cấp dịch vụ chính, chậm tiến độ dự án, giảm khả năng duy trì mức độ cung cấp dịch vụ chính là những yếu tố mà các doanh nghiệp sản xuất chương trình truyền hình đã và đang trải qua”, ông Hải cho biết.

Cũng trải qua khó khăn và đang gặp phải khủng hoảng do đại dịch COVID-19, chị Dương Thị Toàn Anh, Giám đốc công ty truyền thông đa phương tiện Sammedia (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp cũng gặp phải những trở ngại, thậm chí một số doanh nghiệp đối tác cắt giảm hợp đồng khiến khó càng thêm khó. Thiếu việc làm, người lao động phải nghỉ việc luân phiên và nghỉ việc vì giãn cách xã hội khiến thu nhập giảm sút hơn 60% so với trước đó. Doanh nghiệp truyền thông gặp khó cũng đẩy người lao động vào khó khăn, khiến người đứng đầu doanh nghiệp rất khó xử.

“Sau khi hết giãn cách xã hội, việc tìm người mới có chuyên môn làm cho doanh nghiệp cũng hết sức khó khăn. Do vậy, chúng tôi lại phải “muối mặt” để tìm những lao động có tay nghề, có chuyên môn về làm lại cho mình”, chị Toàn Anh chia sẻ.

Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp truyền thông, truyền hình gặp khó khăn thì có nhiều doanh nghiệp đã chủ động các phương án và chuyển đổi mô hình hoạt động để phù hợp với tình hình thực tiễn và vận hành tốt hoạt động kinh doanh giữa mùa đại dịch.

Đối thoại để tìm hướng gỡ khó cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quảng cáo, sản xuất các chương trình truyền hình là rất cần thiết.

Biến rủi ro thành lợi thế

Ông Khâu Hải Nam, Phó giám đốc Công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện Nhân Hòa cho biết, chiến lược đúng đắn, chuyển đổi mục tiêu hoạt động cũng như phương hướng hoạt động phù hợp là điều cần thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp.

Nêu ví dụ về chuyển đổi hướng hoạt động của mình, ông Nam cho rằng, không nhất thiết làm truyền hình, làm truyền thông phải là những công việc lớn lao, to tát, mà quan trọng là phải phù hợp. Sở dĩ doanh nghiệp của ông Nam vẫn duy trì việc làm cho 8 lao động là bởi trong thời gian thực hiện cách ly xã hội tại Hà Nội theo Chỉ thị 16, đơn vị này đã chuyển đổi sang kinh doanh thực phẩm và làm truyền thông cho chính việc kinh doanh thực phẩm, rau củ, quả của mình để người dân biết.

“Rủi ro trong dịch bệnh, thiên tai là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là mình phải biết quản trị nó, biến những rủi ro, bất lợi thành lợi thế của mình để duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động và ổn định thu nhập của họ. Mình phải biết vượt qua khó khăn của mình trước, vượt qua chính mình trước chứ không thể mãi “ăn trắng, mặc trơn làm truyền thông”. Chỉ có vượt qua chính mình thì sau này mới có thể hỗ trợ được người lao động”, ông Nam cho biết.

Cũng chính việc nhanh chóng chuyển đổi nên hiện nay doanh nghiệp truyền thông của ông Nam ngoài làm truyền thông còn có 3 cửa hàng bán thực phẩm, rau, củ quả tại huyện Thanh Trì để phục vụ người dân.

“Nếu tiêu thụ tốt, có thu nhập, chúng tôi sẽ tiếp tục mở nhiều cửa hàng mới vì giá cả hiện nay rất phù hợp và nhu cầu của người dân rất lớn. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ người dân cung ứng hàng hóa nông sản đến tận nhà để chung tay với chính quyền địa phương và người dân phòng chống dịch bệnh”, ông Nam cho biết thêm.

Tương tự như ông Nam, chị Phạm Quyên,Giám đốc công ty quảng cáo RED, cũng cho biết, công ty chị hiện đang làm song song hai công việc. Ngoài quảng cáo ngoài trời vốn là công việc chính hơn 10 năm nay, giờ công ty c nhận phân phối thêm nước giặt, nước rửa tay... để đắp đổi qua mùa dịch. 

Theo chị Quyên, dịch COVID -19 ảnh hưởng nặng nề đến tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề, thế nên cách tốt nhất bây giờ là các doanh nghiệp nên tự cứu mình. 

"Chúng tôi làm bất cứ việc gì, miễn là ra tiền để cầm cự qua giai đoạn khó khăn này. Nhân viên công ty tôi không nề hà bất cứ công việc gì, thậm chí là khuân vác, giao hàng...", chị Quyên cho biết.

PHẠM DUY

Tin mới