Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp lữ hành 'xin' giảm thuế để hạn chế thiệt hại do dịch corona

(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp lữ hành kiến nghị Chính phủ hỗ trợ việc giảm thuế để hạn chế các thiệt hại do dịch virus corona gây ra.

Miễn thuế, giảm VAT, visa để thu hút du lịch

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong quý I/2020, thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra ước tính vào khoảng 5,9 - 7 tỉ USD. Doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành giảm sụt mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp lao đao và phá sản.

Trước những khó khăn này, hàng loạt doanh nghiệp du lịch đưa ra các kiến nghị để giảm thiểu các tác động tiêu cực do virus corona.

Trả lời VTC News, đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải du lịch để gián tiếp hỗ trợ cho lực lượng lao động đông đảo trong ngành du lịch.

Ảnh minh họa.

Theo đại diện doanh nghiệp du lịch, ngoài thất thu nguồn khách do dịch bệnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng khách hủy tour nhiều, đòi tiền đặt cọc nhưng khi doanh nghiệp làm việc với các đối tác thì nhiều nơi, kể cả các hãng hàng không, nhà hàng… lại không đồng ý hoàn trả phí. Điều này gây ra tổn thất rất lớn đối với doanh nghiệp.

Dịch bệnh là bất khả kháng, việc hủy tour không phải do lỗi của doanh nghiệp nhưng nhiều đơn vị lại không hợp tác trong việc hoàn vé hủy, tiền đặt cọc, thậm chí họ không hoàn trả phí đối với công ty lữ hành. Vì thế, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng có những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lúc này ví như việc giảm thuế để hạn chế các thiệt hại do nCoV gây ra”, đại diện đơn vị này cho hay.

Bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp du lịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng nhấn mạnh đến chính sách miễn thuế, giảm VAT, miễn visa để thu hút và kích cầu khách đến nhiều hơn. Những chính sách này sẽ tạo đà giúp ngành du lịch có thể sẵn sàng vươn lên với một vị thế mới ngay khi dịch bệnh kết thúc.

Ông Bình cũng cho biết, các doanh nghiệp lữ hành cần tăng cường khai thác các thị trường khách: Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản… có tiềm năng, là dòng khách chi tiêu cao nhưng trong thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác tốt.

Tránh phụ thuộc thị trường khách du lịch Trung Quốc

Những thiệt hại của ngành du lịch do virus nCoV gây ra cũng cảnh báo về thực trạng phụ thuộc thị trường khách du lịch Trung Quốc của Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Lào Cai cho biết, thị trường mục tiêu của Lào Cai là khách Trung Quốc, nên ngành du lịch của tỉnh thiệt hại rất lớn.

Một trong những giải pháp giúp ngành du lịch vượt khủng hoảng do dịch corona là cần thúc đẩy du lịch nội địa, tìm kiếm thêm các thị trường khách mới, tiềm năng, ngoài thị trường Trung Quốc.

Theo ông Tuyên, thống kê cho thấy, Lào Cai có tới 15.000 lao động trong lĩnh vực du lịch đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì không có khách do dịch corona.

Hiện tỉnh Lào Cai đang tính đến việc chú trọng tìm thêm các nguồn khách mới từ các nước khác, để tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh cũng xúc tiến, phát triển du lịch nội địa.

Ngoài việc hỗ trợ về thuế, đại diện các doanh nghiệp du lịch Lào Cai cũng kiến nghị lãnh đạo ngành du lịch cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy du lịch nội địa cũng như tìm kiếm thêm các thị trường khách mới, tiềm năng, ngoài thị trường nguồn là Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hoan Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ngành du lịch cần phải có những chính sách, văn bản cụ thể thay vì những khuyến cáo chung chung, gây “rối” và hoang mang cho cả doanh nghiệp lẫn khách du lịch.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, các cơ quan chức năng phối hợp cùng doanh nghiệp tập trung các nguồn lực xúc tiến các thị trường khách nhanh phục hồi như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, có chiến dịch truyền thông điểm đến an toàn, có các gói kích cầu, hy vọng khả năng phục hồi sau dịch viêm phổi virus corona không quá lâu, dự kiến tối đa hết quý I/2020 có thể phục hồi.

Đồng quan điểm này, đại diện Công ty TNHH Du lịch HIS Sông Hàn Việt Nam (Đà Nẵng) cũng cho rằng, các thông tin, chính sách cần rõ ràng, cụ thể, minh bạch tránh gây cảm giác lo ngại hoang mang, làm triệt tiêu nhu cầu đi du lịch của người dân, khiến ngành du lịch đã khó khăn nay càng thêm lao đao. Đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh, đây là thời điểm cần ngành du lịch có các biện pháp cụ thể để kích cầu du lịch nội địa, tìm kiếm các thị trường khách mới cũng như có các dự báo, kịch bản về dịch bệnh để doanh nghiệp có các giải pháp đối phó, sớm vượt qua cơn khủng hoảng do virus corona.

Trong khi đó, Sở Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, các đơn vị này đang phối hợp thống kê thiệt hại của doanh nghiệp và đưa ra giải pháp chương trình kích cầu trên toàn địa bàn, huy động doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng, taxi, khu điểm du lịch… hợp tác, đổi dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Liên ngành du lịch Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường thêm các dịch vụ, tiện ích cho tour tuyến, bằng cách trao đổi sản phẩm, dịch vụ giữa các đơn vị với nhau.

Theo đó, cần phát động ngay chương trình kích cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, hàng không, kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch có biện pháp cấp Nhà nước như nới lỏng, miễn phí visa để thu hút khách du lịch.

Đào Bích

Tin mới