Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ nông dân Việt Nam trong sản xuất bền vững

(VTC News) -

Đại diện doanh nghiệp Đan Mạch cho biết nước này có các chương trình hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam có tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Theo ông Rasmus Ellefsen, giám đốc điều hành công ty SKOV tại châu Á, bên cạnh hỗ trợ và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm ở Việt Nam, Đan Mạch cũng có các chương trình hỗ trợ xuất khẩu để từ đó các doanh nghiệp Đan Mạch có thể bán thiết bị, cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính cho các công ty Việt Nam có thế mạnh phù hợp.

Bên cạnh đó, khi gia nhập một thị trường mới, việc các doanh nghiệp Việt Nam có chi phí nhân công thấp sẽ giúp quá trình sản xuất hiệu quả hơn, theo ông Ellefsen. “Chúng ta đã thấy nhiều công ty lớn vào đầu tư ở Việt Nam và tôi chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có cách phát triển vào thị trường nước ngoài”.

Đoàn doanh nghiệp Đan Mạch về nông nghiệp – thực phẩm đang có chuyến thăm Việt Nam từ 16-19/8 để chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác tiềm năng tại Việt Nam. Đoàn sang Việt Nam lần này bao gồm 13 công ty đi đầu trong các lĩnh vực và giải pháp chăn nuôi, sản xuất thực phẩm, công nghệ chế biến thực phẩm, nguyên liệu và giải pháp điều tiết nhiệt độ. Đây là những lĩnh vực quan trọng giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, thực phẩm theo hướng hiệu quả cao, xanh và bền vững.

Các doanh nghiệp chia sẻ trong cuộc thảo luận về sản xuất nông nghiệp bền vững, trong chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Đan Mạch đến Việt Nam. 

Ông Ahmet Yilmaz từ công ty Viking Genetics cho biết lý do công ty này muốn đến Việt Nam là vì nhìn thấy sự phát triển của ngành công nghiệp sữa ở Việt Nam và họ muốn tăng cường sự hiện diện ở châu Á. “Chúng tôi tìm những nhà phân phối tiềm năng có thể giúp đưa công nghệ gen của mình đến những người nông dân để họ có những con bò khỏe mạnh hơn, cho nhiều sữa hơn, giúp họ nâng cao năng suất”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi thấy Việt Nam là một thị trường ổn định để tiếp cận và mong muốn được hợp tác nhiều hơn với các bạn cả về ngắn hạn lẫn trong lâu dài”.

Còn theo bà Shirley Vincent Ramesh từ công ty Novozymes, họ đến Việt Nam với mong muốn trao đổi kinh nghiệm và đóng góp ý kiến giúp các nhà hoạt động chính sách có thể nâng cao khả năng tiếp cận của thị trường, cải thiện các quy trình để Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn của thị trường quốc tế.

Trong chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm đến Việt Nam từ 16-19/8/2022, Đại sứ quán Đan Mạch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Cục Thú y và Thực phẩm Đan Mạch và Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch phối hợp cùng tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững”. Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách và quản lý ngành cũng như các doanh nhân hai nước đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu.

Phát biểu trong hội thảo, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Chương trình hợp tác Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệp từ các đối tác Đan Mạch và áp dụng chúng trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu một nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao’”.

Ông Troels Jakobsen, Tham tán thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch nói: “Trong nhiều năm, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn. Ngày nay, chúng tôi sản xuất lượng lương thực nhiều hơn gấp ba lần sản lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu. Các công ty và chuyên gia Đan Mạch rất sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng và công nghệ đổi mới với đối tác Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng kinh doanh hiệu quả, bền vững”.

Đoàn doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực Nông nghiệp – Thực phẩm là một phần trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa Đan Mạch và Việt Nam nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi ngành nông nghiệp và thực phẩm theo hướng xanh và bền vững. 

Phương Anh

Tin mới