Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Vissan thông tin, hiện nay người tiêu dùng đang tỏ ra nghi ngại với các thông tin về tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi và vụ sán lợn mới đây ở Bắc Ninh.
Điều này tạo nên hiện tượng người dân chuyển sang ăn thị bò, thịt gà hay hải sản khiến nhu cầu thịt heo giảm sút.
"Nếu như cách đây chỉ hơn một tháng, giá heo hơi trên thị trường đạt trên 50.000 – 53.000 đồng/kg thì sau khi dịch bệnh diễn ra, giá heo hơi đã rớt giá thê thảm", ông An nói.
Anh Quang - chủ một trang trại ở huyện Thống Nhất - Đồng Nai cho biết, kể từ khi dịch tả bùng phát trong 3 tuần qua, giá heo hơi tại đây đã xuống rất thấp, chỉ dao động từ 35.000 – 36.000 đồng/kg và lượng tiêu thụ cũng chậm lại vì đầu ra khó khăn.
Theo anh Quang, các trang trại chăn nuôi tư nhân như gia đình anh là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất. "Nếu đàn heo của chúng tôi bị bệnh hoặc không thể bán thì không có ai đứng ra để hỗ trợ cả, chúng tôi phải tự chịu những rủi ro có thể xảy ra, thậm chí là mất sạch vốn đã đầu tư”, anh Quang cho biết.
Giá heo hơi giảm mạnh nửa đầu năm 2017 kéo dài sang quý I/2018 khiến nhiều DN nuôi heo khốn đốn. (Nguồn: MSN)
Vừa mới phục hồi, DN lại muốn ‘đổ bệnh’
Năm 2017, khi giá heo sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm và nằm ở vùng giá thấp cho đến hết năm, Công ty cổ phần Chăn nuôi - Mitraco (MLS) đã phải ghi nhận mức lỗ đến 46 tỷ đồng, tương đương 1/3 tổng tài sản bốc hơi.
Với mức lỗ trên, những năm tháng làm ăn tích luỹ của Mitraco xem như mất trắng. Đáng ngại hơn, việc thua lỗ lớn cũng kèm theo các khoản nợ phải trả của DN này tăng lên hơn gấp đôi so với năm trước, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp.
Cho đến cuối năm 2018, Mitraco tạm ổn trở lại với lợi nhuận cả năm 2018 gần 5 tỷ đồng nhờ giá heo hơi phục hồi. Thế nhưng, với tình hình giá heo hiện nay, nỗi lo về kịch bản tiếp tục thua lỗ lại trở về.
Trong khi đó, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chăn nuôi tại Phía Bắc là CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) cũng đang phải gồng mình chịu trận dù có chuỗi kinh doanh khép kín từ thức ăn, chăn nuôi cho đến chế biến.
“Đây là khó khăn chung của toàn ngành chứ không riêng gì Dabaco”, đại diện CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) cho hay.
Thực tế, ban lãnh đạo Dabaco có cơ sở để lo lắng bởi những tổn thất khi giá heo giảm sâu năm 2017 là rất rõ ràng.
Còn nhớ trong 6 tháng đầu năm 2017 khi giá heo giảm sâu, hoạt động kinh doanh của Dabaco giảm đều trên mọi phương diện; doanh số từ thức ăn chăn nuôi giảm đến 16,5% so với 6 tháng năm 2016, doanh số từ bán con giống giảm nhẹ còn doanh thu từ nuôi gia công và chế biến thực phẩm giảm đến hơn 27%.
Riêng hoạt động bán con giống và nuôi gia công - chế biến thực phẩm kinh doanh dưới giá vốn và chịu mức lỗ gộp 154 tỷ đồng, giảm sâu so với mức lãi hơn 100 tỷ đồng cùng kỳ năm trước đó.
Theo đó, doanh thu của Dabaco chỉ giảm 11% so với cùng kỳ năm nhưng lỗ ròng gần 20 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2016 Dabaco lãi 262 tỷ đồng). Đó cũng là lần đầu tiên trong chục năm, Dabaco chấp nhận báo lỗ sau nửa năm hoạt động.
Khủng hoảng niềm tin
Đến nay, mặc dù Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đã nhấn mạnh thịt heo mắc dịch tả lợn châu Phi không lây lan qua người, hướng dẫn chi tiết phân biệt thịt heo bệnh nhưng tâm lý lo sợ vẫn khá phổ biến.
Thậm chí, làn sóng tẩy chay thị heo trên mạng xã hội gây bất lợi rất lớn cho người chăn nuôi và cả những người bán hàng trong các chợ truyền thống.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi các chợ truyền thống ‘ế’, sản lượng thịt giảm mạnh thì tại các kênh hiện đại tại hệ thống siêu thị Vissan, Sai Gon Co.op hay Bách Hóa Xanh…vẫn đang đắt khách dù giá bán cao hơn lên đến 10.000 - 30.000 đồng/kg.
Riêng tại Saigon Co.op, hệ thống này cho biết mức tiêu thụ thịt heo trong những tuần qua của hệ thống này tăng trung bình hơn 20%.
Thực tế trên cho thấy, hiện tượng tẩy chay chỉ xảy ra cục bộ và nhu cầu thịt heo của người dân vẫn đang rất lớn. Người chịu ảnh hưởng lớn nhất là người chăn nuôi mà không có sự liên kết với các DN tổ chức đầu ra dẫn đến việc bán hàng qua các đầu mối thiếu sự tin cậy.
Trong khi đó, những doanh nghiệp kinh doanh đầu cuối có thương hiệu như Vissan thì vẫn "sống khoẻ" dù thị trường biến động.
Vẫn theo ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Vissan, xu hướng tiêu dùng đang có sự dịch chuyển rất rõ nét.
“Chúng tôi thấy rằng, nhu cầu tiêu thụ từ các chợ truyền thống đang giảm nhưng ở các kênh hiện đại có tăng lên và bù đắp trở lại. Do vậy mà sản lượng tại Vissan hầu như không giảm”, ông An cho hay.
Trước đó, trong năm 2017, mặc dù giá thịt heo giảm nhưng Vissan thậm chí không bị ảnh hưởng mà còn được lợi rất nhiều. Báo cáo quý II/2017 của Vissan cho thấy, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vissan đã tăng vọt lên mức 25% so với mức 17% cùng kỳ năm trước nhờ giá heo đầu vào giảm.