Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp cần đánh giá rủi ro khi không giảm nhựa

(VTC News) -

Khách hàng ngày càng có trải nghiệm tốt hơn khi mua sắm trực tuyến và đây là động lực để thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo nghiên cứu của Đại học California, Berkeley, lượng rác thải bao bì do thương mại điện tử tạo ra ước tính chiếm khoảng 12% tổng lượng rác thải bao bì trên toàn thế giới.

Nghiên cứu của WWF chỉ ra, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là trên 25% mỗi năm. Vì vậy, đến năm 2030 quy mô thương mại điện tử nước ta sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn/năm.

Doanh nghiệp vừa phải chiều lòng người mua, từ hình thức đến chất lượng sản phẩm, vừa phải ưu tiên giảm chi phí bao bì tối đa. Và vì vậy, để sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường chắc chắn vừa tốn công, vừa tăng chi phí.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - thách thức với các doanh nghiệp là làm sao đảm bảo việc tái chế bao bì, không gây hại ra môi trường nhưng vẫn phải đảm bảo giá thành mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được, không tạo sức ép lên người tiêu dùng.

Việc các doanh nghiệp đánh giá rủi ro khi không tham gia vào lộ trình giảm thiểu bao bì nhựa không chỉ mang tính chiến lược mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển bền vững của họ.

Công cụ đánh giá rủi ro

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp phân tích, ở nước ta, chính sách nổi bật trong việc giảm thiểu rác thải nhựa phải kể đến quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08 của Chính phủ. Theo đó, từ ngày 01/01/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm và các loại bao bì phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải.

Như vậy các doanh nghiệp thuộc quy định này đều sẽ và đã phải tuân thủ quy định của EPR” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp nói.

Ngoài ra, còn phải kể đến công cụ kiểm toán môi trường được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây là một trong những công cụ để kiểm soát, giảm thiểu phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp cũng như vòng đời sản phẩm.

Kiểm toán chất thải được thực hiện qua những quy trình cụ thể, cơ bản bao gồm các bước: Khảo sát quá trình, thu thập số liệu về đầu vào, đầu ra của các công đoạn sản xuất (nguyên liệu, năng lượng, nước và sản phẩm); Xác định loại hình, nguồn, khối lượng chất thải; Nghiên cứu tính toán cân bằng vật chất; Xác định các nguyên nhân gia tăng chất thải; Thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát sinh chất thải.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm hoặc mô hình dự báo tài chính để tính toán chi phí tiềm ẩn liên quan đến xử lý rác thải, phạt pháp lý, và mất doanh thu do khách hàng quay lưng.

Mức độ quan tâm của khách hàng đối với vấn đề bao bì nhựa cũng chính là công cụ quan trọng để đánh giá rủi ro. “Các nhà sản xuất thường bọc hàng hóa bằng bao bì rất đẹp và nhiều lớp, tạo nên cảm giác sạch sẽ và xa hoa. Và thế là giá mặt hàng tăng lên” - PGS.TS Vũ Thanh Ca (nguyên giảng viên cao cấp trường Đại học Tài nguyên và Môi trường) cho biết. Theo chuyên gia, không phải khách hàng nào cũng hài lòng và họ sẵn sàng lướt qua thương hiệu đó nếu không phù hợp với quan điểm mua sắm giảm nhựa của họ.

Vì vậy việc khảo sát để hiểu mức độ quan tâm của khách hàng, từ đó doanh nghiệp có thể định hướng chiến lược phù hợp là rất quan trọng.

Hướng tới doanh nghiệp thương mại điện tử xanh

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lợi ích mang lại của việc loại bỏ dần nhựa dùng một lần sẽ lớn hơn chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận theo từng giai đoạn để bù đắp thiệt hại cho người sản xuất, đồng thời cần truyền thông để người tiêu dùng và doanh nghiệp thay đổi hành vi.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp, cần xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình thương mại điện tử bền vững.

Có thể bắt đầu với chính những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, sau đó là đến các nhà bán lẻ, vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng. Đồng thời, ban hành chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn đóng gói thân thiện môi trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại điện tử, kinh tế số và môi trường có trách nhiệm dẫn dắt hoạt động phổ biến, tuyên truyền người tiêu dùng trực tuyến về tác động tiêu cực của rác thải nhựa”.

Các phương pháp đánh giá này phù hợp với doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, nhưng mức độ triển khai sẽ khác nhau. Đối với doanh nghiệp lớn, có nguồn lực để thực hiện phân tích chi tiết và đầu tư vào các giải pháp cải tiến bao bì. Đồng thời giảm nhựa, hướng tới bền vững còn là triết lý kinh doanh của nhiều doanh nhân.

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), có thể tập trung vào các công cụ đơn giản như khảo sát khách hàng hoặc phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) để giảm chi phí. Còn với Startups thì việc hướng đến phát triển bền vững ngay từ đầu bằng cách tích hợp các giải pháp xanh trong chiến lược kinh doanh sẽ là lựa chọn khôn ngoan trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Việc bảo vệ môi trường nói chung và giảm rác thải nhựa nói riêng đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định: “Trong thương mại điện tử, người tiêu dùng có sức mạnh to lớn. Khác với mua sắm truyền thống đòi hỏi mối liên hệ địa lý cao giữa người mua và người bán, trong thương mại điện tử người tiêu dùng thông minh có thể nhanh chóng chuyển từ nhà cung cấp này tới nhà cung cấp khác. Nói cách khác, người tiêu dùng có quyền lực rất cao đối với thị trường” (Báo cáo Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023).

Người tiêu dùng trực tuyến là người tiêu dùng “thông minh” và thế hệ trẻ chiếm tỷ lệ cao. Nếu họ ý thức được những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa tới môi trường họ sẽ tích cực ủng hộ các giải pháp hạn chế rác thải nhựa.

Vì vậy, khuyến khích người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử xanh. Truyền thông để người tiêu dùng trực tuyến mua sản phẩm từ các doanh nghiệp hay đơn vị chuyển phát thân thiện với môi trường, hoặc mua các sản phẩm có nhãn xanh, nhãn sinh thái trên các nền tảng thương mại điện tử.

Lan Hương

Tin mới