Diễn đàn giao thương trực tuyến logistics Việt Nam - ASEAN 2020 do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các nước ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam tổ chức trong hai ngày 14-15/12. Tham gia diễn đàn có gần 100 đơn vị thuộc các nước Đông Nam Á, là các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan trong lĩnh vực tiếp vận hậu cần.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng thư ký VLA Nguyễn Tương nhấn mạnh vai trò thiết yếu và giá trị gia tăng cao của ngành tiếp vận hậu cần (logistics) đối với năng lực cạnh tranh thương mại trong khu vực. Ngành logistics góp phần quan trọng thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước ASEAN tăng mạnh trong những năm gần đây, đạt 57,3 tỷ USD trong năm 2019 và chỉ giảm đi trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Riêng đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam, ASEAN là một trong những thị trường quan trọng nhất. Khoảng 75% doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho hoạt động xuất khẩu sang các nước ASEAN, 73% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam.
Lợi thế phát triển dịch vụ logistics của thị trường Đông Nam Á là khoảng cách về mặt địa lý cũng như sự đa dạng về phương tiện, phương thức vận chuyển. Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực cũng có sự gần gũi về văn hóa và thói quen tiêu dùng. ASEAN cũng là một thị trường rộng lớn với dân số đông, còn nhiều tiềm năng khai thác thương mại.
Những ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu đối với ngành logistics cũng được chỉ ra tại diễn đàn. Tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch ở các quốc gia tác động tới tổng thể chuỗi cung ứng và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở thị trường ASEAN.
Trong bối cảnh như vậy, dịch vụ tiếp vận hậu cần trong khu vực cũng bộc lộ những hạn chế. Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài nêu vấn đề rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực phải đối mặt với những khó khăn về logistics, ví dụ như thiếu kho bãi và thùng hàng, chi phí vận chuyển tăng cao.
Yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp cũng như hệ thống logistics là phải có những điều chỉnh thể thích nghi với nền kinh tế số và những xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Để khắc phục những khó khăn, vượt qua những thách thức cả khách quan lẫn chủ quan, nhiều giải pháp cũng được các bên tham gia diễn đàn đề xuất và thảo luận.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam Lê Hoàng Tài nhấn mạnh các quốc gia ASEAN cần cải thiện kết nối hạ tầng và công nghệ thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận các cảng biển, bến bãi, ga tàu, tăng cường hợp tác lẫn nhau để cung cấp cho thị trường các dịch vụ logistics phức hợp.
Ông Lê Hoàng Tài cũng cho biết tại Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy giao thương, hợp tác, nhằm giảm thiểu các tác động từ đại dịch COVID-19.
Ông Chang Kah Loon, Chủ tịch Hội Logistics Malaysia (LogM) phát biểu tại Diễn đàn.
Chủ tịch Hội Logistics Malaysia (LogM) Chang Kah Loon đề cao vai trò của sự hợp tác. Ông cho rằng các quốc gia cũng như các tham gia nền kinh tế cần chia sẻ tri thức để nâng cao chất lượng vận hành dịch vụ logistic. Các ban ngành, hiệp hội liên quan cần phối hợp với nhau để xác định rõ những rào cản để cùng nhau vượt qua, tìm ra động lực phát triển và đề ra các cơ chế hợp tác trong khu vực hiệu quả.
Một trong những ví dụ của sự hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực logistics là sự ra đời của Trung tâm Kho vận Container nội địa Vĩnh Phúc (ICD), thuộc Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN (ASLN), đóng vai trò điểm nút chính cho thương mại khu vực giữa Việt Nam, ASEAN và các thị trường quốc tế khác. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong khu vực để đầu tư phát triển hạ tầng logistic. Điều này cũng góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trong khu vực.