* Bài viết được ghi theo những chia sẻ của diễn viên Doãn Quốc Đam.
Tôi vui, nhưng không bất ngờ khi tên mình và vai Cảnh trong Quỳnh búp bê được nhiều người nhắc đến. Đó là nói thật, dù có thể nhiều người cho rằng tôi tự phụ. Quỳnh búp bê không phải bộ phim đầu tiên tôi tham gia, càng không phải là bộ phim cuối cùng. Tôi vẫn làm nghề, và tôi hiểu nghề này.
Cơn bão với một vai diễn có thể kéo dài một tháng, vài tháng, nhưng không thể lâu hơn, và tất nhiên không thể là mãi mãi. Khán giả có quên tôi, không nhắc gì nữa khi phim kết thúc cũng là điều bình thường. Thế nên, tôi biết mình ở đâu, mình có gì, và mình cần làm gì.
Tôi không đẹp, không body 6 múi, tự ti về chiều cao
Tôi không đẹp, không có “body” 6 múi, không có hàm răng đều. Tôi cũng rất tự ti về chiều cao của mình. Nói tôi hấp dẫn về ngoại hình là không đúng. Điều tôi thấy mình đã làm được với nhân vật Cảnh là tôi đã diễn được đúng cái mình nghĩ. Cảm nhận như thế nào và diễn như thế.
Cảnh là một nhân vật có số phận đáng thương. Chính tôi cũng đang không biết Cảnh có chết thực sự hay không, vì mọi thứ đều có thể thay đổi. Kết thúc tập 15, Cảnh thực sự có một kết cục bi thảm, và đúng là có phần tàn nhẫn với khán giả. Nhưng sự tàn nhẫn ấy, theo tôi, là cần thiết.
Nghệ thuật có nhiều cách để chạm đến trái tim khán giả, đẩy cảm xúc lên cao trào. Với Quỳnh búp bê, đạo diễn đã chọn một kết thúc như vậy.
Thực ra, phần 1 của phim không phải hay chỉ vì Cảnh. Nếu chỉ Cảnh hay, các nhân vật khác đều dở, phim không thể hay. Nhưng quả thực Cảnh đã góp phần khiến Quỳnh búp bê trở nên hấp dẫn. Và như cảm nhận của cá nhân tôi, 15 tập đầu mới là phần đáng xem nhất của Quỳnh búp bê.
Tất nhiên, tiếc nuối không phải không có. Có những cảnh quay tôi rất ưng ý nhưng cũng có những phân đoạn không thực sự hài lòng. Cảnh hôn giữa nhân vật Cảnh và Quỳnh là một ví dụ. Vốn dĩ, ban đầu khi quay, Cảnh và Quỳnh kết thúc vẫn không hôn nhau, và tôi thích diễn biến như vậy.
Nhưng gần đây, ê-kíp quyết định quay bổ sung vì sự mong muốn của khán giả. Trong suy nghĩ, tôi vẫn không muốn Cảnh hôn Quỳnh, tôi cho rằng không nên để hai nhân vật chạm vào nhau. Nhưng ê-kíp sợ khán giả sẽ ức chế nếu không có một cảnh hôn giữa Quỳnh và Cảnh.
Vì kịch bản vốn không có, khi quay bổ sung cả tôi và Phương Oanh đều ngại. Vì ngại, chúng tôi đã chưa có được một nụ hôn ăn ý. Cảnh hôn mạnh bạo, nhưng Quỳnh lại e dè, trong khi đúng ra Quỳnh mới là người khao khát được gần Cảnh. Quỳnh khao khát hơn Cảnh rất nhiều, vì theo đúng mạch phim, Cảnh giúp Quỳnh gần như không vì một mưu cầu hay lợi ích gì cả.
Ghét những nhân vật nam động tí là khóc
Chắc chắn, tôi đã không bê nguyên con người ngoài đời vào Cảnh. Nhưng Cảnh có một phần tính cách của tôi. Là việc không nói nhiều, không cần nói quá to, không động tí là khóc, không phải thể hiện mình bặm trợn, giang hồ.
Khi học trong trường điện ảnh, một thầy giáo từng nói với tôi rằng “cả lớp này không thằng nào nam tính bằng cậu”. Tôi thích cảm giác ngồi xe máy và nghĩ mình như một siêu anh hùng, nam tính, mạnh mẽ, khỏe khoắn. Tôi gần như tự chạy từ Hà Nội đến Cúc Phương để đóng phim. Thời gian ngồi trên xe máy, là lúc tôi làm việc với kịch bản.
Nhân vật nào của tôi cũng phải mang tính đàn ông vì tôi cực ghét những nhân vật nam kiểu phim Hàn, nói những câu “Anh yêu em” sến và không thật. Tôi càng ghét hơn những nhân vật nam động tí là khóc.
Nhiều người ví tôi giống như Tạ Đình Phong. Tôi cũng rất thích anh ấy. Chỉ một điểm tôi không thích là Tạ Đình Phong khóc nhiều quá, dù anh ấy khóc tốt. Đàn ông, theo tôi, không nên giải thích nhiều, và diễn với “nước mắt lưng tròng”.
Tôi thích kiểu đàn ông trong phim Mỹ. Người đàn ông lật tấm vải để xem mặt xác chết thì nhận ra đó là mẹ mình. Không khóc, anh ta chỉ cắn tay. Hết cảnh. Nhưng sau đó, khi tìm ra thủ phạm, nước mắt và những cú đánh mạnh vào hung thủ đã thể hiện tất cả nỗi đau của một người con mất mẹ.
Đàn ông sẽ chỉ khóc khi thực sự cảm thấy gai trong lòng. Bố tôi cũng là một người đàn ông ít khóc, tôi nghĩ tính nết hiện tại của mình có ảnh hưởng một phần từ bố.
Hồi nhỏ, tôi rất nghịch, thường xuyên bị bố đánh đòn, phạt rất nặng. Có những lần, bố tôi quá bực, vớ được cái gì là lấy để đánh con. Mãi sau này, qua lời kể của bà ngoại, tôi mới biết được rằng, mỗi lần đánh con xong, bố lại khóc. Tôi không được chứng kiến bố khóc, nhưng khi nghe kể lại, mình cảm thấy nhói lòng.
Thời sinh viên, tôi từng bị đúp, vì không muốn xin tiền bố mẹ, tôi xin vào làm ở một công ty. Thời gian đầu, nhà chủ cho ngủ nhờ, nhưng sau họ thấy tôi dị quá nên không cho ngủ nữa. Tôi xách balo ra công viện Nghĩa Đô, ga Hàng Cỏ ngủ.
Suốt một tuần lễ, cứ ngày tôi đến chỗ đó làm việc, 5h chiều lại đeo balo ra công viên, nằm ở ghế đá đến gần sáng thì bị đuổi. Bảo vệ công viên bảo tôi nằm “như thằng nghiện”, họ không cho nằm nữa.
Tôi lại ra ngồi gốc cây, những người đi tập thể dục sáng ai cũng nhìn, chẳng ai nói gì. Duy chỉ có một bà già, bà ấy đi bộ 2 vòng hồ trong công viên, đến vòng thứ 3 bà ấy dừng lại, bỏ chiếc mũ đội đầu đưa cho tôi và bảo “Bà cho con, ngồi đây sương lắm”. Tôi rơi nước mắt, đó là lần hiếm hoi tôi rơi nước mắt.
Tôi dị, đó là nhận xét của nhiều người. Dị trong chính nghề nghiệp của mình. Tôi không thích đóng vai chính, thương hiệu của tôi là chỉ làm vai phụ.
Thị trường phim ảnh từng chuộng những nam diễn viên điển trai, body 6 múi. Họ một bước được thành diễn viên chính, làm những vai lớn, họ từng nhìn những diễn viên chúng tôi - những người được đào tạo nhưng không có lợi thế về ngoại hình - bằng ánh mắt rất khác.
Nhưng tôi không lấy đó làm nhụt chí. Tôi quyết tâm làm vai phụ thật tốt để cho những gương mặt điển trai đóng vai chính phải nhìn vào, và “đừng khinh thường ai nữa”. Tôi có thể không được chăm sóc, không được quan tâm, nhưng tôi làm được điều mình nghĩ với vai diễn của mình.
Nhiều người nhận xét tôi có gương mặt dành cho điện ảnh, một gương mặt trung tính. Tôi cũng chờ đợi một vai điện ảnh đúng nghĩa, không cần phải là vai chính. Tôi hy vọng mình có cơ hội để thể hiện thay vì phải chứng kiến rất nhiều diễn viên điện ảnh có lợi thế về ngoại hình, nhưng lại không diễn được.
Nhưng tôi biết điều ấy khó vì mình hoạt động ở ngoài Bắc khi cơ hội làm điện ảnh không nhiều. Vậy nên, để thỏa chí, tôi chọn cách làm phim truyền hình với diễn xuất của điện ảnh. Tôi muốn mọi thứ phải thật nét, nét trong từng cảnh quay.
Tất nhiên không phải lúc nào điều đó cũng phù hợp và được đạo diễn chấp nhận. Phim truyền hình cần tới hàng chục tập, trong khi điện ảnh chỉ trên dưới 100 phút. Vì cần thời lượng dài, phim truyền hình vẫn phải sa vào giải thích, vừa để khán giả dễ hiểu, vừa để kéo dài phim.
Tôi vốn không thích sự giải thích, nhưng đó là thực tế phải chấp nhận.