Đặt chiếc váy màu đen đã đặt mua trên một sàn thương mại điện tử, 3 ngày sau chị Nguyễn Thị Hải (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận được gói hàng được bọc kỹ. Từ háo hức dần chuyển sang bất ngờ và thất vọng khi sản phẩm nằm trong gói hàng này lại là một sản phẩm hoàn toàn khác với chất lượng vô cùng kém.
Do khi nhận hàng đang có việc bận nên chị Hải không mở ra kiểm tra trước khi thanh toán. Sau khi nhận thấy nơi bán giao nhầm sản phẩm chị liên hệ lại với nơi mình đã mua để yêu cầu được đổi lại đúng sản phẩm mình đã đặt.
Sau dòng tin nhắn yêu cầu chị gửi lại sản phẩm về cho cửa hàng để đổi, chị Hải phát hiện ra đã bị chặn tin nhắn từ chính nơi mình mua hàng. Bức xúc, chị Hải chụp ảnh sản phẩm và đăng vào phần đánh giá tại phần giới thiệu cửa hàng trên sàn thương mại điện tử. Bất ngờ, nhiều ngày sau đó, chị liên tục nhận được những cuộc điện thoại nặc danh chửi bới và đe dọa.
Do cuộc sống bị làm phiền quá nhiều, chị Hải đành phải chặn các cuộc gọi từ số lạ và chấp nhận mất tiền để nhận về một sản phẩm không thể sử dụng và không đúng giá trị mình thanh toán.
Người tiêu dùng cần được bảo vệ khi mua hàng online.
Trong khi đó, anh Vũ Văn Thắng (Hà Đông, Hà Nội) thậm chí còn bị lừa một cách trắng trợn khi mua hàng trên các địa chỉ online. Cụ thể, anh Thắng đặt mua sản phẩm là một chiếc tai nghe trị giá hơn 2 triệu đồng với yêu cầu phải đặt cọc 50% giá trị hàng.
Do tin tưởng những dòng đánh giá trên mạng về địa chỉ này và việc tìm kiếm rất lâu mới được sản phẩm mình yêu thích, anh Thắng đã chấp nhận chuyển cọc số tiền 1 triệu đồng cho địa chỉ bán hàng trên. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua anh vẫn chưa nhận được sản phẩm của mình, anh Thắng nhiều lần liên hệ đều nhận được các lý do như hàng tắc ở, hàng thất lạc chờ giao lại,... Đỉnh điểm sau nhiều lần kiên trì hỏi về sản phẩm của mình, địa chỉ bán hàng trên cũng chặn luôn mọi liên lạc của anh.
Lúc này biết mình đã bị lừa, anh Thắng đành ngậm "trái đắng" chấp nhận mất tiền khi không biết nên đòi lại ở đâu.
Thời gian qua, thông qua đường dây nóng 18006838, Bộ Công Thương nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số lượng các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%), tập trung các vấn đề như chậm, không trả đơn hàng; chậm trả tiền cho khách hàng, không chịu bồi thường cho hàng hóa, cung cấp sản phẩm không bảo đảm...
Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), nguyên nhân dẫn đến các khiếu nại của người tiêu dùng thì có nhiều nhưng chủ yếu nhất phải kể đến việc còn nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân và cả doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật hoặc vì mục tiêu lợi nhuận mà cố tình cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng nhằm chiếm đoạt tài sản, tiền bạc. Và thực tế cho thấy, người tiêu dùng luôn ở thế “yếu” trong các giao dịch online, một phần vì không biết cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình.
Để bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức cho các sàn thương mại điện tử ký cam kết chia sẻ trách nhiệm, minh bạch thông tin doanh nghiệp trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại; Đẩy mạnh phối hợp lực lượng chuyên ngành để tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; cảnh báo, khuyến cáo cho người tiêu dùng về các hành vi, phương thức kinh doanh có khả năng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng nhiều lần khuyến cáo, đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng, luật pháp càng quy định rõ ràng thì càng dễ quản lý và dễ để họ nhận thức tốt hơn. Người kinh doanh phải là người đầu tiên nhận thức rằng muốn kinh doanh bền vững thì phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Quy định còn là cơ sở để người tiêu dùng có thể kiểm tra, giám sát, yêu cầu quyền lợi của mình đối với hoạt động của cả cơ quan chức năng, đơn vị trung gian và người bán hàng.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý vừa là người xây dựng, thiết kế luật, tuyên truyền, phổ biến chính sách và là người bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đặc biệt trong thương mại điện tử cần được chú trọng hơn nữa.
Và cuối cùng, mỗi người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình trên không gian mạng. Khi thương mại điện tử là xu hướng của thời đại, thì việc trang bị thêm cho mình kiến thức pháp luật về lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.