Được thành lập vào năm 2016, Up Co-working space là một trong những không gian làm việc chung lớn nhất tại Việt Nam, hiện là nơi hội tụ những doanh nhân trẻ với ước mơ khởi nghiệp, là không gian kết nối startups với các nhà đầu tư, mentor, các chuyên gia.
Trước khi quay trở về đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, anh Đỗ Hoài Nam đã từng sáng lập nên những startups tên tuổi tại Mỹ và Úc. Công ty Emotiv System tại thung lũng Sillicon với sản phẩm “máy đo bộ não người” từng đạt doanh thu đến 10 triệu USD vào năm 2010. Nối tiếp Emotiv System là SeeSpace ra đời với sản phẩn InAir, thiết bị điều khiển để bấm tìm hiểu thông tin sâu hơn ngay trên màn hình tivi.
Anh Đỗ Hoài Nam.
Tuy là một trong những cái tên nổi bật trong làng công nghệ quốc tế nhưng anh lại quyết định quay trở về bởi những trăn trở về một startup công nghệ với 100% là kỹ sư người Việt. Điều đó đã thúc đẩy anh xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bài bản, chuyên nghiệp, thúc đẩy các startups Việt vươn ra thị trường khu vực.
- Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ đã diễn ra theo một cách rất lạ lùng: mọi người đều làm việc ở nhà, các trường học bị đóng cửa, hành vi mua sắm thay đổi,... Đây có thể coi là một “sự xáo trộn” trong mọi khía cạnh của nền kinh tế cũng như mỗi doanh nghiệp. Anh có góc nhìn như thế nào về sự thay đổi này?
Cứ mỗi 10 năm thế giới lại xảy ra khủng hoảng lớn ở một lĩnh vực nào đó. Riêng với những cuộc khủng hoảng mà cả trăm năm mới xảy ra một lần với lĩnh vực đó thì thường dẫn đến suy yếu cả nền kinh tế toàn cầu và sự thay đổi hành vi trong một số lĩnh vực cụ thể. Covid-19 là một cuộc khủng hoảng sinh học và y tế. Cuộc khủng hoảng lần này ko chỉ đơn giản là về tài chính của một ngành nào đó mà là của mọi mặt đời sống. Nó sẽ tạo ra một sự thay đổi hành vi về cách sống của tất cả mọi người.
- Covid-19 đã tạo ra những thách thức nào cho thị trường không gian làm việc chia sẻ nói chung (Coworking space) và của Up Co-working Space nói riêng?
Trong một đại dịch trăm năm mới có một lần như vậy thì ngành nào cũng bị ảnh hưởng, nhưng có lẽ ngành “văn phòng” là đỡ nhất do nó là nền tảng của sự vận hành cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn thì vận hành vẫn là tất yếu. Tuy nhiên, Co-working space truyền thống lại bị ảnh hưởng nặng do đối tượng khách hàng là các công ty startups nhỏ, hợp đồng ngắn hạn, thậm chí từng tháng hoặc từng ngày. Khi giãn cách xã hội được áp dụng, mọi người làm tại nhà nhiều và tránh đến nơi công cộng nên doanh thu và tỷ lệ lấp đầy giảm ngay.
Đến khi hết giãn cách thì vẫn nhiều người còn thận trọng chưa đến nơi đông người và còn làm việc tại nhà thêm một thời gian nữa. Tức là Co-working Space sẽ là mô hình bị chịu ảnh hưởng đầu tiên và hồi phục cuối cùng.
UP Gen có hai mảng chính là giải pháp văn phòng cho các công ty lớn và Co-working Space với tỷ trọng các doanh nghiệp lớn chiếm đến hơn 95% doanh thu. Chính vì vậy, mặc dù mảng Co-working Space bị ảnh hưởng nặng nhưng tổng doanh thu thì lại vẫn tăng đều. Cộng với sự quyết liệt chống dịch của chính phủ và toàn xã hội nên các doanh nghiệp văn phòng ko bị quá ảnh hưởng, đây là một điều rất may mắn cho riêng chúng tôi cũng như toàn đất nước. Chúng ta đều phải dành một lời cảm ơn tới chính phủ và đặc biệt là ủy ban phòng chống đại dịch.
- Có thể nói đại dịch cũng là một trải nghiệm chưa từng có đối với nhiều doanh nhân. Theo anh, những giá trị nào cần được người lãnh đạo chú trọng để có thể đối mặt với bối cảnh này?
Trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế chung, điều đáng lo ngại nhất là vấn đề thanh khoản và dòng tiền. Tiền ko tự nhiên mất đi, nó chỉ ngừng hoặc chảy chậm lại. Chính vì thế nên nó gây ra tình trạng thiếu máu. Máu thiếu nhiều quá thì dẫn tới tê liệt hoặc nặng nữa là chết. Đối với chủ doanh nghiệp, chắc chắn đây là thời điểm cần ưu tiên dòng tiền hơn việc có lãi. Có khỏi ốm mới làm việc được.
- Covid-19 mang đến rất nhiều áp lực cho những start-up. Tuy nhiên, với lợi thế là mô hình kinh doanh uyển chuyển, có nhiều start-up đã sáng tạo để bứt phá ngay trong đại dịch. Anh nghĩ sao về điều này?
Cũng như mọi việc trên cuộc đời này, startups cũng có hai mặt của nó. Một mặt thì là sự mong manh dễ vỡ do năng lực tài chính chưa mạnh, thiếu máu thì dễ chết hơn. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, startup cũng cần ít tiền hơn để tồn tại, ít tiền hơn để thay đổi thích nghi.
Startups nào đủ vốn để không chết mà lại tận dụng được thế mạnh này thì đây sẽ là cơ hội bứt phá khi gần như 100% các doanh nghiệp đều đi giật lùi hoặc dậm chân tại chỗ. Startups được đầu tư nhiều sẽ có nhiều cơ hội hơn, startups đói vốn sẽ có nhiều nguy cơ chết hơn.
- Là người đã từng start up và tâm huyết với start-up Việt Nam, theo anh, các start up nên tập trung vào yếu tố cốt lõi gì ở thời điểm hiện tại?
Startups thành công được thường là do có một sự thay đổi về hành vi trong một ngành nào đó. Nếu hành vi không thay đổi thì cơ hội và thị trường nằm hết ở các doanh nghiệp “truyền thống” hết rồi. Thời điểm hiện tại là thời điểm có rất nhiều sự thay đổi trong hành vi của thị trường và nó cũng chính là cơ hội để một số startups có thể trở nên rất thành công.
Theo tôi, các startups nên xác định được hành vi gì sẽ thay đổi do đợt dịch này rồi tập trung vào những vấn đề đó. Phải nói rõ rằng, sự thay đổi chúng ta cần xác định ở đây là thay đổi hành vi trong dài hạn chứ trong ngắn hạn thì chắc startups chuyển sang bán khẩu trang hết.
- Theo kinh nghiệm và phán đoán của anh, hiệu ứng của Covid-19 sẽ tiếp tục có những tác động như thế nào tới thị trường Co-working space tại Việt Nam trong thời gian tới? Đối với anh bức tranh sắp tới của ngành & của Việt Nam sẽ bao gồm những cơ hội và thách thức như thế nào?
Theo ý kiến chủ quan của tôi, co-working Space truyền thống sẽ khó qua được khủng hoảng này. Họ vốn đang lỗ nặng sẽ thấy doanh thu biến mất một cách đột ngột mặc dù chi phí không giảm. Sẽ là một năm cực kỳ khó khăn và có thể hơn 90% các Co-working Space sẽ “ra đi” trong năm nay.
Trong khi đó, đối với Flexible Space 2.0 – Không gian linh hoạt, sẽ lại là một cơ hội lớn. Sau khủng hoảng luôn là quá trình phục hồi. Để phục hồi thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải sử dụng vốn một cách hiệu quả hơn, những khoản chi phí đầu tư ban đầu (CAPEX) sẽ được cắt giảm để phục vụ cho dòng tiền kinh doanh hàng tháng. Sự tăng trưởng trở lại sẽ đến, nhưng là đến trong tương lai.
Hiện tại phải cắt giảm đã. Đây là một cơ hội lớn để các mô hình giúp doanh nghiệp giải quyết được khó khăn này. Ít vốn đầu tư ban đầu nhưng vẫn đảm bảo được tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Hành vi của thị trường trong lĩnh vực văn phòng sẽ có sự thay đổi lớn sau dịch lần này. Thị trường sẽ thuộc về các mô hình phi truyền thống trong những năm tới.
- Thương trường luôn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, Vậy, theo anh, một doanh nghiệp muốn trường tồn qua thời gian và những ẩn số bất ngờ của thời gian thì cần phải hội tụ yếu tố gì?
Khi bạn được cho một mảnh đất ngoại thành trị giá 1 tỷ hoặc 1 tỷ tiền mặt. Chắc chắn bạn sẽ chọn tiền mặt vì nếu mình thích mảnh đất đó thì mình mang tiền ra mua, còn mình ko thích thì mình mang tiền đi mua cái khác. Thế nhưng nếu có thêm điều kiện là phải 10-20 năm nữa mới được nhận, chắc chắn ít ai sẽ chọn nhận 1 tỷ tiền mặt trong tương lai. Sự khác nhau là gì? Chính là ở thời gian.
Nếu nhìn vào trước mắt, rõ ràng tiền quan trọng hơn. Nhưng nếu nhìn vào dài hạn, “giá trị” mới thực sự quan trọng. Nếu một công ty được sinh ra với mục đích là tiền thì nó cũng sẽ ngắn hạn. Muốn trường tồn, cái chúng ta cần xây dựng là “giá trị”.
- Được biết rằng, nghệ thuật cũng là một trong những đam mê của anh. Niềm đam mê này đã đến như thế nào và ai là nghệ sĩ yêu thích nhất của anh?
Nghệ thuật đúng là một đam mê của tôi, từ âm nhạc đến hội họa. Từ nhỏ tôi đã thích họa và nhạc, dành rất nhiều thời gian cho vẽ tranh và chơi nhạc cụ, từng mê mẩn trước một nét nhạc đẹp cũng như một nét vẽ thanh thoát. Nghệ thuật luôn truyền cho tôi được cảm hứng về sáng tạo và cũng luôn nhắc nhở được mình về “giá trị”. Tôi thích nhiều họa sỹ, nhiều trường phái, thường ko chọn tác phẩm dựa trên tác giả mà chọn dựa vào cảm xúc của mình với tác phẩm đó. Nếu phải chọn, có lẽ Vassili Kandinsky là người có nhiều tác phẩm tôi yêu nhất.
- Hublot vừa cho ra mắt loạt phiên bản sáng tạo hợp tác cùng các nghệ sĩ danh tiếng như danh họa Marc Ferrero hay nhà thiết kế Yohji Yamamoto. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều nghệ sĩ cùng đã chung tay tạo ra các tác phẩm khích lệ tinh thần mọi người. Gần đây, anh có ấn tượng với tác phẩm nào không?
Gần đây tại Việt Nam, tôi đang rất thích họa sỹ trẻ Hoàng Duy Vàng. Đây là một họa sỹ theo trường phải trừu tượng. Anh ấy rất nghiêm túc với nghệ thuật và có chiều sâu ít thấy ở các họa sỹ trẻ cả về ý tưởng lan kỹ thuật thể hiện. Collection của UP cũng có một số tác phẩm của anh. Chính trong văn phòng của tôi ngày hôm nay đây chắc các bạn cũng thấy các tác phẩm được treo rất trang trọng và là điểm nhấn của không gian hiện đại này.
Xin chân thành cảm ơn!