Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 15/3, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết quy định buộc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ mua hàng từ một nguồn là bất hợp lý, đang gây ra nhiều hệ luỵ.
Quy định chỉ được lấy hàng từ một nguồn khiến bán lẻ xăng dầu thành lập nhiều công ty để đối phó. (Ảnh minh họa: Thu Nga)
Theo đó, việc không cho lấy hàng từ nhiều nguồn dẫn đến việc doanh nghiệp bán lẻ phải đối phó bằng cách thành lập nhiều doanh nghiệp nhỏ. Điều này đã làm tăng số lượng doanh nghiệp, gây phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi phải tách ra hạch toán sổ sách tài chính kế toán, vay trả, xử lý công nợ…của từng doanh nghiệp riêng biệt theo quy định.
Để đảm bảo quản lý chi tiêu, tài khoản và cân đối toàn bộ nguồn tiền thì chủ doanh nghiệp phải quản lý cả 3 - 4 con dấu cùng lúc, đây là việc làm phức tạp và không hề thuận tiện trong quản lý của chủ doanh nghiệp xăng dầu.
Thứ nữa, về quản lý Nhà nước lại càng phức tạp hơn khi phải quản lý quá nhiều doanh nghiệp, nhất là vấn đề quản lý thuế, nhận báo cáo cùng lúc quá nhiều doanh nghiệp thay vì đúng nghĩa thực chất chỉ 1 doanh nghiệp; càng phức tạp hơn về quản lý hoá đơn của cơ quan thuế, rất nhiều trường hợp gửi từ 1 máy tính duy nhất, 1 email duy nhất nhưng nhiều báo cáo cùng lúc, quản lý về điều kiện kinh doanh cũng từ đó mà phải gánh thêm việc…Trong khi thu ngân sách thì không tăng thêm.
"Ngay cả bản thân tôi cũng tách doanh nghiệp ra để được lấy nhiều nguồn hàng, tôi cho đây là hệ luỵ tồi tệ", TS Tây nói và cho biết nếu quy định cho doanh nghiệp được lấy nhiều nguồn thì chắc chắn sẽ có một cuộc sáp nhập hàng loạt doanh nghiệp với nhau để chủ doanh nghiệp dễ quản lý.
Cũng liên quan đến những bất cập trên thị trường xăng dầu, trước đó, ngày 14/3, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan xem xét đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ.
Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm: Chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa. Trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 đều có liệt kê tính gồm: Chi phí kinh doanh định mức là 1050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít.
Tuy nhiên, Thông tư 104 lại không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn và khâu bán lẻ nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng gần như phần chi phí này. Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ không nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối nên hầu hết đều không được hưởng đầy đủ phần lợi nhuận và chi phí đúng theo quy định.
Tình trạng này diễn ra hơn một năm qua khiến doanh nghiệp bán lẻ bị thua lỗ nặng nề, kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ nhằm phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính của cơ quan chức năng, dù lỗ vẫn phải bán.
Doanh nghiệp bán lẻ thậm chí phải tự bỏ tiền để mua hàng của đối tác là doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu để kinh doanh độc lập, hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách nhà nước độc lập. Về bản chất, đây không phải là hoạt động đại lý. Từ đó, các doanh nghiệp đề xuất liên bộ Tài Chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định mới.
"Kiến nghị Liên Bộ Tài Chính - Công Thương thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng/lít chi phí định mức và lợi nhuận định mức này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu?", đơn kiến nghị cho biết.
Vì sao đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn?
Theo Bộ Công Thương, trong cùng một thời điểm, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn để bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng xăng dầu. Theo đó, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần bảo đảm về chất lượng, kiểm soát về giá bán. Theo quy định tại Luật Thương mại, đại lý là những đơn vị được bên giao đại lý giao hàng cho bán theo giá của đơn vị giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa tại các đại lý.
Nếu đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không kiểm soát được chất lượng xăng dầu bán trên thị trường và đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng và giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng. Do đó theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn (nội dung này hiện được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).