Sau nhiều năm giải quyết vướng mắc, đến nay, di tích Quốc gia, tòa dinh thự hơn 100 tuổi của dòng họ Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang vẫn trong tình trạng bị xâm hại, xuống cấp. Dòng họ Vương vẫn hụt hơi vì kêu cứu.
Di tích xuống cấp trầm trọng
Hết giãn cách xã hội do dịch COVID-19, trở lại Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, nhiều du khách, doanh nghiệp du lịch không khỏi ngỡ ngàng, bức xúc trước thực trạng xuống cấp của khu di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Dinh thự họ Vương (nhà Vương).
Dinh thự họ Vương được đánh giá là, có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.
Chị Diệp, một du khách từ Hà Nội, chia sẻ: “Tò mò về vẻ đẹp và những giá trị lịch sử của di lích nhà Vương từ lâu, nhưng khi đến thăm, tìm hiểu và biết giá trị to lớn của di tích này, tôi thấy lo lắng cho di tích trước thực trạng xuống cấp của công trình kiến trúc bằng kỹ thuật trình tường hiếm có này. Tường đất, nhà dột, làm sao chống chọi được với thời gian. Hơn thế, nhiều du khách thiếu ý thức còn trèo lên các hiện vật gỗ trong khu di tích để chụp hình, làm tổn hại đến hiện vật mà không có người quản lý, nhắc nhở để bảo vệ di tích. Nếu cứ để như vậy, tôi chẳng biết di tích còn trụ được bao lâu nữa?”.
Anh Hoàng Sơn, một hướng dẫn viên du lịch cũng rất bức xúc sau khi đưa tour thăm quan di tích nhà Vương: “Họ bán vé 20.000đ/khách nhưng lại để du khách thăm quan một di tích xập xệ, mục nát, mưa dột ẩm thấp nhiều chỗ, ngồi trong gian trung dinh mà nắng xiên qua mái ngói rọi thẳng vào đầu. Rất phản cảm”.
Những clip, hình ảnh thực tế được con cháu họ Vương chia sẻ trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây cho thấy thực trạng xuống cấp đáng báo động của di tích Quốc gia này.
Họ Vương hụt hơi kêu cứu
Tòa dinh thự họ Vương khởi công năm 1898 năm 1903 khánh thành với tổng kinh phí khoảng 15 vạn đồng bạc hoa xòe (tương đương khoảng 150 tỷ đồng ngày nay). Dinh thự được đánh giá là di tích độc đáo, có nhiều giá trị lịch sử, giá trị văn hóa nên năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận ngôi nhà là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Nhiều hạng mục, cấu kiện trong Dinh thự họ Vương xuống cấp trầm trọng.
Sau hơn 100 năm tồn tại và gần 15 năm được sử dụng, khai thác làm điểm thăm quan du lịch, tòa dinh thự hiện trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Tình trạng xuống cấp này được kết luận tại Báo cáo số 09-BC/UBKT-TTr, ngày 10/3/2020, của Thanh tra tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, cho đến nay, tòa dinh thự này vẫn không được trùng tu, sửa chữa theo các quy định của Luật Di sản và các quy định pháp luật hiện hành.
Ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành, cho biết, di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều chỗ có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. “Kết luận thanh tra nêu rõ thực trạng xuống cấp của di tích là rất nghiêm trọng, nhiều công trình xây dựng vi phạm quy định làm ảnh hưởng tới di tích. UBND huyện tự ý thay thế hệ thống hứng, dẫn nước. Xây dựng trái phép các công trình nhà bảo vệ, nhà vệ sinh nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích… Bên trong khu vực bảo vệ I, phần ngói phía trước mái bị xô lệch, vỡ, lọt sáng. Tường bị ố và bong tróc do thấm nước. Một số cấu kiện gỗ bị ải mục… Tuy nhiên, tới nay mọi vi phạm vẫn còn nguyên, chưa bị xử lý tháo dỡ, sửa chữa, dù đã có kết luận thanh tra và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Tôi không hiểu vì sao huyện, Sở lại có thể phớt lờ chỉ đạo của tỉnh theo kết luận thanh tra như vậy?”, ông Bảo bức xúc.
Tường đất đã có tuổi đời hơn 100 năm bị ẩm mốc, có nguy cơ sụp đổ.
Cuối năm 2019, sau khi những người thừa kế hợp pháp của họ Vương được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của khu dinh thự họ Vương, “sổ đỏ” được cấp lâu dài cho 16 người là con cháu dòng họ Vương.
Trước thực trạng xuống cấp trầm trọng của Dinh thự họ Vương, ông Bảo đại diện cho dòng họ, những người con cháu của Vua Mèo Vương Chí Thành, có bản kiến nghị 6 điều, gửi UBND tỉnh. Ngày 10/3/2020, Thanh tra tỉnh có biên bản kết luận cả 6 điều kiến nghị của ông, trong đó, quan trọng nhất hiện nay là việc trùng tu, bảo vệ di tích này trước hiện trạng xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ nhiều chỗ và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý xây dựng dẫn đến những xâm hại trực tiếp đối với di tích, đều đã được Thanh tra xác nhận là đúng.
Cơ quan chức năng vẫn “đủng đỉnh”
Đến ngày 19/3/2020, UBND tỉnh Hà Giang có công số 671/UBND-BTD chỉ đạo Giám đốc Sở VH-TTDL tỉnh Hà Giang và Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cụ thể: Sở VH-TTDL cần nghiêm túc kiểm điểm và báo cáo giải trình với Chủ tịch UBND tỉnh về những vi phạm có liên quan đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của ngành đối với việc quản lý, bảo vệ và khai thác khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương; tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm vi phạm theo kết luận thanh tra đã nêu.
Cấu kiện gỗ mục nát nghiêm trọng.
Đối với Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, công văn số 671/UBND-BTD yêu cầu báo cáo giải trình với Chủ tịch UBND tỉnh về những vi phạm trong công tác quản lý tài chính, quản lý bảo vệ và khai thác khu di tích. Tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những vi phạm theo kết luận thanh tra. Yêu cầu tháo dỡ công trình nhà vệ sinh xây dựng gần khu vực cổng vào khu di tích, chấn chỉnh lại công tác quản lý tài chính, quản lý, bảo vệ, khai thác di tích theo quy định.
Trước thực trạng xuống cấp của di tích nhà Vương, trước sự chậm trễ trong công tác quản lý, bảo vệ và trùng tu di tích, cùng những sai phạm chưa được xử lý triệt để của cơ quan nhà nước trong công tác quản lý di tích nhà họ Vương trong thời gian dài, không chỉ ông Vương Duy Bảo và con cháu họ Vương, những người chủ thực sự của di tích Dinh thự họ Vương mà cả người dân, du khách tới tham quan di tích đều bày tỏ thái độ khó hiểu, thiếu tin tưởng vào năng lực quản lý di tích của cơ quan chức năng.
Tuổi đã cao, gia tộc, con cháu người Mông họ Vương ở Sà Phìn lại không có nhiều người hiểu biết pháp luật, ông Vương Duy Bảo lo lắng, liệu mình có còn đủ sức khỏe và thời gian để theo đuổi việc bảo vệ di tích của dòng họ, di sản của Quốc gia.