Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điều trị tại nhà, F0 cần chuẩn bị những loại thuốc gì?

(VTC News) -

Bộ Y tế hướng dẫn các loại thuốc F0 nên chuẩn bị khi điều trị COVID-19 tại nhà.

7 loại thuốc được Bộ Y tế cho phép sử dụng để điều trị ngoại trú cho người mắc COVID-19 tại nhà bao gồm:

Thuốc hạ sốt, giảm đau là paracetamol. Cụ thể, thuốc cho trẻ em là gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg; cho người lớn là viên nén 250 mg hoặc 500 mg.

Thuốc cân bằng điện giải là dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.

Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.

Thuốc sát khuẩn hầu họng gồm natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối) và thuốc sát khuẩn hầu họng khác.

Thuốc kháng virus Molnupiravir sử dụng theo đề cương nghiên cứu lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt hoặc theo thông tin tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sau khi thuốc được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.

Hiện, Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp cho điều trị COVID-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Ba loại thuốc được cấp phép gồm: Molravir 400 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam; Movinavir hàm lượng 200mg của Công ty Cổ phần Hóa - dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm. Thuốc dùng theo chỉ định, kê đơn của bác sĩ cho những trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống, lựa chọn một trong các thuốc sau: dexamethason 0,5mg (viên nén); methylprednisolon 16mg (viên nén); prednisolon 5mg (viên nén).

Thuốc chống đông máu đường uống, lựa chọn một trong 2 thuốc sau: rivaroxaban 10 mg (viên) hoặc apixaban 2,5 mg (viên).

Bộ Y tế lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc chống viêm và thuốc chống đông máu cần kiểm tra kỹ các chống chỉ định, các thuốc khác người bệnh đang sử dụng. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Thuốc chống viêm và thuốc chống đông máu được chỉ định điều trị kết hợp khi người bệnh có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp mà chưa kịp chuyển đến cơ sở điều trị.

Các dấu hiệu suy hô hấp bao gồm: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc khó thở tăng lên khi vận động (đứng lên, đi lại trong nhà); Trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khi hít vào. Nhịp thở trên 21 lần/phút ở người lớn; trên 30 lần/phút ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; trên 40 lần/phút ở trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi. SpO2 ≤ 95%, khi phát hiện bất thường đo lại lần hai sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.

Theo Bộ Y tế, trong quá trình sử dụng thuốc chống viêm và thuốc chống đông máu cần kiểm tra kỹ các chống chỉ định, các thuốc khác người bệnh đang sử dụng để tránh các tương tác thuốc nghiêm trọng.

Người bệnh hoặc người chăm sóc được nhân viên y tế hướng dẫn nhận biết một số tác dụng không mong muốn quan trọng của thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí phù hợp trong quá trình sử dụng.

Phạm Quý

Tin mới