Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điều trị COVID-19 ở trẻ em khác người lớn thế nào?

(VTC News) -

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn điều trị COVID-19 cho trẻ em với nhiều lưu ý quan trọng.

Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ các đặc điểm lâm sàng thường gặp như: Thời gian ủ bệnh 2 -14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày.

Trong quá trình khởi phát, trẻ có một hay nhiều triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ... Tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng.

Trẻ cũng gặp các triệu chứng khác ít gặp hơn như: Tổn thương da (hồng ban các đầu ngón chi, nổi ban da...), rối loạn nhịp tim, tổn thương thận cấp, viêm thanh mạc (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim), gan to, viêm gan, bệnh não (co giật, hôn mê hoặc viêm não).

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn điều trị COVID-19 đối với trẻ em. (Ảnh minh hoạ: SKĐS)

Theo Bộ Y tế, hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 - 2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5 đến 8 của bệnh.

Trong đó, một số trẻ cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như: hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và hội chứng viêm đa hệ thống.

Trong thời kỳ hồi phục (thường trong giai đoạn từ ngày thứ 7 - 10), nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.

Bộ Y tế chỉ ra các yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh dễ diễn biến nặng là: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp, béo phì, thừa cân, đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá, trẻ mắc các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản. Đặc biệt, là các trẻ bị mắc bệnh ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...), bệnh thận mạn tính, trẻ ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu. Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, bệnh gan, trẻ đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống.

Các yếu tố có nguy cơ gây huyết khối ở trẻ mắc COVID-19 như: Điều trị tại ICU phải thở máy bất động kéo dài; có đường truyền trung tâm (catheter) hoặc longline, D-dimer ≥ 5 lần giới hạn trên bình thường, béo phì (BMI > 95th percentile), trẻ có tiền sử gia đình có huyết khối tĩnh mạch không rõ nguyên nhân, tiền sử bản thân huyết khối hoặc suy giảm miễn dịch, bệnh ác tính hoạt động, hội chứng thận hư, viêm tiềm tàng hoặc hoạt động, biến cố tắc mạch trên người bệnh huyết sắc tố S.

Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn về nguyên tắc điều trị COVID-19 ở trẻ em như: Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc; phân loại trẻ bệnh theo mức độ và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh; tuân thủ nguyên tắc cấp cứu A-B-C kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn.

Song song với đó là cá thể hóa các biện pháp điều trị, đặc biệt là các ca bệnh nặng nguy kịch; điều trị nguyên nhân bằng thuốc kháng virus; điều trị cơn bão cytokin bằng corticoid, lọc máu, ức chế sản xuất hoặc đối kháng IL receptor; điều trị chống đông ở trẻ em cần cân nhắc cẩn thận, nhất là ở trẻ < 12 tuổi.

Ngoài ra, các điều trị hỗ trợ khác như đảm bảo trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần.

Bộ Y tế lưu ý, đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Với thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, được cấp phép, Bộ Y tế cho phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh.

Hà Cường

Tin mới