Tranh cãi ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc về sự bùng phát COVID-19 tiếp tục gia tăng sau khi cuộc điện đàm giữa quan chức hai bên bị tiết lộ.
Hôm 27/4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) Frances Adamson gọi điện cho Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye để bày tỏ quan ngại về phát ngôn của ông này, khi đe dọa "tẩy chay" hàng hóa Australia, nếu tiếp tục điều tra về COVID-19.
Đại sứ Trung Quốc tại Australia.
Đại sứ quán Trung Quốc sau đó tung chi tiết những nội dung được thảo luận trong cuộc gọi. Đại sứ quán nước này cho biết, ông Adamson "đã cố gắng hết sức" để bảo vệ đề xuất điều tra, song cũng thừa nhận "bây giờ không phải là lúc để bắt đầu đánh giá" và Australia "chưa có (kế hoạch) chi tiết gì" để đưa ra tiếp.
Hành động này bị DFAT phản đối, khi cho rằng đang vi phạm giao thức ngoại giao với các cuộc gọi riêng tư.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc nói rằng, chi tiết về cuộc gọi đã bị một số quan chức Australia làm rò rỉ trước.
"Đại sứ quán Trung Quốc không chơi chiêu trò. Đây không phải là truyền thống của chúng tôi. Nhưng nếu những người khác làm, chúng tôi phải đáp lại", Phát ngôn viên của Đại sứ quán nói.
Thủ tướng Australia Scott Morrison sau đó cho biết, đề xuất điều tra về cách virus corona chủng mới phát triển và lây lan sẽ không nhắm vào Trung Quốc, mà là cuộc điều tra cần thiết việc COVID-19 đã giết chết hơn 200.000 người và đóng cửa phần lớn nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Australia Scott Morrison.
"Bây giờ, có vẻ như hoàn toàn hợp lý khi thế giới muốn có đánh giá độc lập về cách tất cả những điều xảy ra, để chúng ta có thể rút ra bài học và ngăn chặn nó xảy ra lần nữa", ông Morrison nói.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc quyết liệt chỉ trích ông Morrison. Học giả Chen Hong viết trên Hoàn Cầu Thời báo hôm thứ Tư rằng, Australia đang dẫn đầu một "chiến dịch độc hại" để gán tội cho Trung Quốc.
Hu Xijin, Tổng Biên tập Hoàn Cầu Thời báo gay gắt chỉ trích Australia "gây rối".
"Sau khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta cần có nhận thức về rủi ro nhiều hơn khi làm ăn với Australia và cả khi chúng ta gửi con đến đó học. Australia luôn ở đó, gây rắc rối", Hu Xijin nói.