Thông tin này được tiết lộ trong bộ dữ liệu nghiên cứu suốt ba năm của AidData - phòng nghiên cứu thuộc Đại học William & Mary (Mỹ). Tài liệu này được tổng hợp từ 100 hợp đồng cho vay của Trung Quốc với 24 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Trong số này có những nước đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 65% các khoản nợ song phương trải dài khắp châu Phi, Đông Âu, Mỹ La tinh và châu Á.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)
"Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất thế giới, nhưng chúng ta thiếu thông tin cơ bản về các điều khoản và điều kiện cho vay của nước này", nhóm tác giả biên soạn bộ dữ liệu cho hay.
Các nhà nghiên cứu tại AidData, Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) có trụ sở tại Washington, Viện Kiel của Đức và Viện Kinh tế Quốc tế Peterson so sánh hợp đồng cho vay của Trung Quốc với các hợp đồng cho vay của các chủ nợ khác để đánh giá các điều khoản mà Bắc Kinh đưa ra.
Trong bản báo cáo dài 77 trang, nhóm tác giả chỉ ra một số điểm bất thường của các thỏa thuận. Theo đó, Bắc Kinh ngăn "con nợ" tiết lộ các điều khoản của khoản vay, các thỏa thuận về tài sản thế chấp không chính thức mang tới nhiều lợi ích cho Trung Quốc hơn các chủ nợ khác.
Ông Scott Morris, thành viên cấp cao tại CGD cho biết nghiên cứu của họ đặt câu hỏi về vai trò của Trung Quốc với tư cách là một thành viên của nhóm G-20. Nhóm này đã đồng ý về một khuôn khổ chung được thiết kế giúp các nước nghèo đối phó với áp lực tài chính trong mùa dịch.
Khuôn khổ này yêu cầu "đối xử tương đương" với tất cả các chủ nợ, bao gồm cả chủ nợ tư nhân.
Nhưng các hợp đồng của Trung Quốc với các nước cho vay đều cấm các quốc gia tái cơ cấu các khoản vay theo điều kiện cân bằng và phối hợp các chủ nợ khác.
"Đó là lệnh cấm rất đáng chú ý vì dường như nó đi ngược lại với các cam kết Trung Quốc đưa ra tại G-20", ông Morris cho hay.
Bộ ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin trên.
Trung Quốc trước đây khẳng định nước này đang làm việc để giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các quốc gia châu Phi.
Tháng 11/2020, Bắc Kinh cho biết đã xóa nợ cho các nước đang phát triển với số tiền lên tới 2,1 tỷ USD, mức cao nhất trong số các quốc gia thành viên của nhóm G-20.