Để chứng minh khả năng hoạt động của Sony Reon Pocket 5, Osmond Chia - biên tập viên của Straits Times đã tiến hành thử nghiệm khả năng chống nóng với ba món đồ, gồm: chai nước đá, quạt cầm tay giá khoảng 10 USD và điều hòa cầm tay của Sony với mức giá lên đến 249 USD (hơn 6,3 triệu đồng) đi dưới trời nắng trên cùng quảng đường 1km.
Trái ngược với những máy lọc không khí cồng kềnh hay quạt đeo cổ, thiết bị điều hòa của Sony khá nhỏ gọn và có thể đeo ngay sau cổ người dùng. Mức làm mát hoặc sưởi ấm của thiết bị Reon Pocket được điều chỉnh thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Điều hòa cầm tay Sony Reon Pocket 5 (ngoài cùng bên phải) và các thiết bị giải nhiệt khác được sử dụng trong thử nghiệm. (Ảnh: SHINTARO TAY)
Ứng dụng này hoạt động như một bộ điều khiển từ xa của thiết bị. Ngoài ra, sản phẩm này còn kèm theo một nhiệt kế nhỏ ở cổ áo để giúp thiết bị xác định nhiệt độ phù hợp cho người dùng.
Ở chế độ làm mát, mặt thiết bị sẽ nhanh chóng lạnh đi và giúp giảm nhiệt độ cơ thể. Công nghệ này tương tự như dòng đồng hồ "điều hòa" của Silent Cicada. Mẫu đồng hồ này sử dụng tấm làm mát đặt trên cổ tay để giảm nhiệt độ của máu lưu thông qua vùng này.
Thiết bị này hoạt động bằng cách quạt hút luồng khí nóng ra khỏi cơ thể người đeo và đẩy ra ngoài qua một quạt hút khí.
Mặc dù tạo cảm giác mát mẻ dễ chịu ở lưng người dùng nhưng Reon Pocket không thể hoàn toàn ngăn mồ hôi sau vài phút đi dưới nắng gắt. Việc đeo theo thiết bị này không giúp bạn hết được cái nóng mùa hè.
Thiết bị này hoạt động bằng cách quạt hút luồng khí nóng ra khỏi cơ thể người đeo và đẩy ra ngoài qua một quạt hút khí. (Ảnh: SHINTARO TAY)
Hiệu quả làm mát của Reon Pocket hoạt động tốt nhất khi tránh ánh nắng trực tiếp, chẳng hạn như trên tàu điện ngầm đông đúc vào giờ cao điểm hoặc khi làm việc ở nhà mà không bật điều hòa.
Giáo sư Tiến sĩ Jason Lee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khả năng Chịu Nhiệt và Hiệu suất, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng các thiết bị như Reon Pocket khó có thể mang lại hiệu quả giải nhiệt thực sự dưới thời tiết nắng nóng của Singapore hay bất cứ đâu.
"Làm mát một vùng nhỏ trên cơ thể không mang lại hiệu quả giải nhiệt đáng kể. Thiết bị này có lẽ phù hợp hơn với môi trường trong nhà có máy lạnh, khi bạn có thể tăng nhiệt độ phòng và sử dụng thiết bị để duy trì sự thoải mái", ông Lee nói thêm.
Mặt khác, chế độ sưởi ấm của Reon Pocket tạo ra cảm giác ấm áp dễ chịu ở lưng, đủ để người dùng không cần mặc áo khoác khi trời lạnh trong văn phòng.
Bên cạnh đó chế độ thông minh trên ứng dụng cho phép Reon Pocket tự động điều chỉnh nhiệt độ dựa vào cảm biến nhiệt độ và độ ẩm từ môi trường xung quanh qua thẻ đeo và bên trong quần áo. Chế độ này cũng giúp tiết kiệm pin và cho phép người dùng sử dụng liên tục thiết bị trong 5 giờ.
Reon Pocket được điều chỉnh thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. (Ảnh: SHINTARO TAY)
Theo trải nghiệm của Chia, Reon Pocket khó có thể cạnh tranh lại các thiết bị làm mát truyền thông đều có trong mỗi gia đình như quạt máy, hay thậm chí cả nước đá.
Tiếp tục thử nghiệm, Chia mang theo chiếc quạt cầm tay sạc pin của mình đi trên quảng đường 1km và bật mức gió lớn nhất.
Tuy nhiên việc sử dụng quạt khá bất tiện vì phải đặt nó ở một vị trí nhất định và thường xuyên thay đổi hướng nhưng luồng gió của chiếc quạt vẫn giúp Chia dễ chịu hơn dưới cái nắng trực tiếp.
Chia đánh giá, chiếc quạt với giá 10 USD (hơn 250.000 đồng) vẫn mát hơn so với điều hòa cầm tay của Sony.
Theo Giáo sư Lee, ông không ngạc nhiên với kết quả này vì gió từ quạt bao phủ diện tích rộng hơn và giúp mồ hôi bay nhanh hơn, do đó làm mát cơ thể hiệu quả hơn.
Đối với thử nghiệm của chai nước đá, cách chống nóng kiểu truyền thống này giúp Chia giải nhiệt nhanh hơn thậm chí nước bên trong chai vẫn mát khi đá đã tan. Tuy nhiên, chai nước đá quá lạnh để cầm trong thời gian dài và cũng không thể mang theo người liên tục.
Cuối thử nghiệm, Chia nhận định Reon Pocket 5 là giải pháp cho người dùng khi phải di chuyển ngoài trời nắng nóng, nhưng trên thực tế thiết bị này có thể hữu ích hơn trong việc sưởi ấm trong nhà nhiều hơn.