Mộc Châu - vùng đất màu mỡ, khí hậu ôn hòa
Chỉ cách Hà Nội gần 200 km về phía Tây Bắc, Mộc Châu luôn được nhớ đến là một thảo nguyên xanh mướt. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho đất đai màu mỡ, khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ. Một ngày ở Mộc Châu có thể hội tụ đủ 4 mùa xuân - hạ - thu - đông, một trong những vùng đất hiếm hoi phù hợp với việc phát triển đàn bò sữa tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia chăn nuôi đánh giá, cùng với Đà Lạt, Mộc Châu là vùng đất tốt nhất để có thể phát triển đàn bò sữa quy mô lớn. Ngay từ năm 1958, nông trường Mộc Châu đã được thành lập để chăn nuôi bò sữa. Trải qua nhiều thời kỳ gian khó, có những lúc sữa vắt ra đổ trắng đồng, vẫn chưa lung lay được quyết tâm biến Mộc Châu thành một vùng nguyên liệu bò sữa khu vực phía Bắc.
Năm 1987 - 1988, khi chuyển đổi sang cơ chế khoán hộ đến tận những người chăn nuôi bò sữa, đàn bò của Mộc Châu Milk tăng trưởng không ngừng, đến nay đã đạt hơn 23.000 con, năng suất bình quân đạt 25,22 kg/con/ngày. Toàn bộ sữa vắt ra từ đàn bò, đi thẳng tới nhà máy để cho ra dòng sữa thương phẩm Mộc Châu Milk quen thuộc với người tiêu dùng ngày nay.
Những trang trại bò sữa chuẩn “Tây”
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi để phát triển vùng nguyên liệu dồi dào, ở nơi thảo nguyên xanh Mộc Châu còn có những người nông dân chăn bò thật thà, chất phác, chăm chỉ, cần mẫn. Họ kiên trì với con đường mình đã chọn, từng bước từng bước xây dựng cho mình những trang trại bò sữa lớn với quy mô từ vài chục con cho đến hàng trăm con.
Nhìn những trang trại bò sữa bề thế ở Mộc Châu chẳng khác gì những trang trại bò sữa ở Hàn Quốc hay Australia. Ở đó, người nông dân chăn bò ở Mộc Châu cũng sử dụng toàn máy móc hiện đại trong chăn nuôi như: Máy cắt cỏ, máy cày bừa, máy băm cỏ, máy vắt sữa… thậm chí đến phân bò sau khi thu dọn cũng được xử lý tự động nhằm đảm bảo môi trường xanh sạch.
Ông Trần Công Chiến - Tổng Giám đốc của Mộc Châu Milk chia sẻ: "Ông đã đi đến nhiều nước trên thế giới có chăn nuôi bò sữa, tham quan nhiều mô hình chăn nuôi thì mô hình Nông trại vẫn là tối ưu nhất. Khi người dân được làm sở hữu đàn bò, là người chủ trang trại, chắc chắn họ sẽ dốc lòng dốc sức xây dựng và phát triển những tài sản đó. Chưa kể, chăn nuôi bò sữa là công việc mang lại thu nhập cao nhưng cũng đòi hỏi công nghệ cao, bắt buộc, những người chăn nuôi bò sữa cũng phải là những công nhân bậc cao”.
Không chỉ vậy, ngoài tham gia vào các lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi bò, người nông dân chăn bò Mộc Châu còn thường xuyên được đi Mỹ, đi Úc… tiếp cận và học tập cách chăn nuôi bò hiện đại của các nước bạn, từ đó áp dụng máy móc hiện đại, các kỹ thuật khoa học vào nuôi bò sữa nhằm nâng cao năng suất, giúp cho sữa bò có chất lượng tốt nhất.
Nếu ai lên Mộc Châu vào tháng 10 dương lịch hằng năm chắc sẽ thấy, vào thời điểm này năm nào cũng vậy, Nông trường Mộc Châu nhộn nhịp chẳng kém gì những ngày Tết. Bởi vào những ngày này, khắp trang trại chăn nuôi bò sữa, đâu đâu cũng thấy người chăn bò nô nức chuẩn bị từ chăm bẵm, tắm rửa sạch sẽ, chải lông, cắt tỉa móng chân, rồi xịt cả dầu thơm… để những cô bò có thể tỏa sáng trong ngày hội Hoa hậu bò sữa Mộc Châu - một cuộc thi độc nhất vô nhị ở Việt Nam, tôn vinh nghề chăn nuôi bò sữa, tri ân những con bò và người chăn nuôi bò, giúp họ thấy được niềm tự hào về nghề nuôi bò sữa.
Ngoài ra, theo lãnh đạo của Mộc Châu Milk, mục đích của cuộc thi này là tạo động lực thúc đẩy các hộ chăn nuôi áp dụng các phương pháp cải tiến, công nghệ chăn nuôi hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu và châu Mỹ tạo ra dòng bò hạt nhân cao sản, đồng thời là sân chơi để người chăn nuôi bò giao lưu học học, thúc đẩy phong trào thi đua trong lao động sản xuất… và quảng bá thương hiệu sữa Mộc Châu Milk.
Cái bắt tay bền chặt của người chăn nuôi với doanh nghiệp
Để đẩy mạnh phát triển quy mô đàn bò sữa, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu đã chọn cách liên kết bền chặt với người nông dân để cùng phát triển. Theo đó, Mộc Châu Milk sẽ là trung tâm đào tạo kỹ năng và chuyển giao công nghệ chăn nuôi cho người nông dân, giúp họ tiếp cận với khoa học kỹ thuật để sản xuất theo quy mô hàng hóa.
Chính sách phát triển của Mộc Châu Milk là bền vững, nên trong tất cả các khâu chăn nuôi, sản xuất, doanh nghiệp đều đầu tư đồng bộ và chú trọng đến sự gắn kết để đạt chất lượng cao nhất. Minh chứng là hiện nay, sản phẩm sữa do người nông dân đã đến với người tiêu dùng thông qua chuỗi sản xuất - chế biến sâu và kết nối thị trường.
Đặc biệt, đối với một sản phẩm đặc thù gắn bó với ngành nông nghiệp thì làm sao phải đảm bảo để đồng vốn của người nông dân được bảo toàn và phát huy tối đa hiệu quả, Mộc Châu Milk đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành lập quỹ bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm giá sữa vào năm 2004 và đến nay, mô hình của Mộc Châu Milk vẫn là mô hình đáng được học hỏi nhất trong việc quá trình triển khai Bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam.
Từ cái bắt tay bền chặt với Mộc Châu Milk mà mỗi buổi sáng sớm và chiều muộn, ngay sau 2 ca vắt sữa bò, tất cả số sữa thu mua từ 600 trang trại chăn nuôi sẽ được vận chuyển về nhà máy bằng xe chuyên dụng. Tại đây, dây chuyền sản xuất hiện đại với công nghệ sản xuất sữa theo tiêu chuẩn châu Âu hoạt động tất cả các ngày trong tuần, thậm chí cả ngày nghỉ và lễ tết để đảm bảo các sản phẩm sữa tươi luôn được tươi ngon nhất đưa ra thị trường.
"Cần nhân rộng những mô hình như Mộc Châu Milk" - Ông Nguyễn Xuân Dương - Cục phó Cục chăn nuôi
Mô hình chăn nuôi của Mộc Châu hay ở chỗ là khép kín toàn bộ quy trình, từ tổ chức chăn nuôi đến chế biến sâu và kết nối thị trường. Trong chăn nuôi, Công ty đóng vai trò “bà đỡ”, đảm nhận các khâu từ thú y đến chế độ thức ăn dinh dưỡng cho bò, người chăn nuôi chỉ việc nuôi và phát triển đàn bò. Như vậy, công tác an sinh xã hội của cả một vùng được đảm bảo. Trong chế biến, Mộc Châu Milk đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, sản phẩm làm ra đến đâu chế biến đến đó, đảm bảo chất lượng cao cho đầu ra thị trường. Chúng ta có quyền tự hào về sản phẩm sữa tươi mà Mộc Châu Milk mang đến cho người tiêu dùng, bởi đó là thương phẩm chất lượng cao, là sản phẩm có thể cạnh tranh với bất cứ sản phẩm sữa tươi nào trên thế giới”.