Theo EurAsian Times, Đảng Bảo thủ đối lập của Canada đã kêu gọi chính phủ nước này sớm cung cấp tên lửa không đối đất CRV7 lỗi thời cho Quân đội Ukraine. CBC News đưa tin, chính phủ Canada đang chịu áp lực từ Đảng Bảo thủ liên bang trong việc chuyển hàng chục nghìn tên lửa không đối đất dư thừa sang Ukraine.
Trong một thông cáo báo chí được công bố, đảng này cho biết: “Kể từ năm 2018, Đảng Bảo thủ đã kêu gọi Chính phủ của Thủ tướng Trudeau làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine. Điều này bao gồm cả việc gửi vũ khí dư thừa cho Lực lượng Vũ trang Ukraine và thay thế dầu khí của Nga bằng năng lượng của Canada cho các đồng minh thân cận nhất của chúng ta, việc này sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm cho người lao động Canada”.
Tên lửa không đối đất CRV7.
Kho tên lửa CRV7 của Canada
Đề cập đến tên lửa CRV7, Poilievre nói: “Đã đến lúc nói ít và hành động nhiều hơn”. Hiện tại, Lực lượng Vũ trang Canada đang có khoảng 83.000 tên lửa CRV7 trong kho dự trữ, số tên lửa này đã được chính phủ lên kế hoạch tiêu hủy và Ukraine đã yêu cầu Chính phủ Canada cung cấp cho họ số vũ khí dư thừa này.
Thay vì phải trả hàng triệu USD để xử lý những vũ khí này, người của Đảng Bảo thủ kêu gọi chính phủ Thủ tướng Trudeau trao những vũ khí này cho Ukraine để quân đội nước này có thể sử dụng chúng.
Lực lượng Vũ trang Canada sở hữu 83.303 tên lửa CRV7, loại vũ khí được sản xuất từ những năm 1980 và đã ngừng hoạt động vào đầu những năm 2000. Một thỏa thuận loại bỏ tên lửa trong nhiều năm, đã được chính phủ liên bang ký kết cách đây ba năm.
Poilievre thừa nhận rằng thay vì ngừng hoạt động hoặc loại bỏ CRV7, Ukraine đã yêu cầu Canada chuyển giao chúng. Chính phủ Canada có vẻ đang xem xét khả năng chuyển số tên lửa này sang Ukraine. Tuy nhiên, quyết định chính thức vẫn chưa được đưa ra.
Các tên lửa này vẫn thuộc quyền sở hữu của Bộ Quốc phòng (DND) và chúng đang được đánh giá để đưa vào gói đóng góp quân sự trong tương lai. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cho biết việc chuyển giao sẽ không dễ dàng vì Canada vẫn còn hàng chục nghìn tên lửa và động cơ tên lửa, nhưng không phải tất cả đều được trang bị đầu đạn.
Daniel Minden, phụ trách truyền thông của Bộ Quốc phòng Canada cho biết trong một tuyên bố: “Trước khi gửi thiết bị đến Ukraine, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với Ukraine để đảm bảo rằng mọi khoản quyên góp sẽ đáp ứng hiệu quả nhu cầu quân sự của nước này và chúng tôi đang kiểm tra tính hiệu quả hoạt động của vũ khí”.
Hệ thống phòng không NASAMS.
“Chúng tôi đang tuân theo quy trình này đối với kho tên lửa CRV7, được mua từ nhiều thập kỷ trước. Đặc biệt, là đang tiến hành thử nghiệm để đảm bảo rằng thiết bị này hoạt động hiệu quả và an toàn để vận chuyển đến Ukraine”.
Chính phủ Canada đang rơi vào tình thế khó xử vì vẫn chưa cung cấp vũ khí như đã hứa cho Ukraine. Chẳng hạn, vẫn chưa có thông tin nào về hệ thống NASAMS được chính phủ Canada cam kết chuyển giao cho Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) vào tháng 1/2023.
Vào ngày 10/1/2023, Canada tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không NASAMS trị giá 406 triệu USD. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ liệu chính phủ Canada khi nào sẽ chuyển giao hệ thống này cho Kiev.
Chính phủ Canada đã bị chỉ trích gay gắt vì không thể trang bị cho Ukraine các thiết bị phòng không như đã hứa, trong khi Quân đội Kiev đang phải vật lộn với những đợt tấn công hàng loạt bằng tên lửa và máy bay không người lái không ngừng nghỉ.
Chúng ta biết gì về tên lửa CRV7?
CRV7 là một trong những tên lửa không đối đất mạnh nhất trong Chiến tranh Lạnh, được sản xuất bởi Bristol Aerospace ở Winnipeg, Manitoba. Tên lửa này vẫn được các đồng minh sử dụng trong suốt Chiến tranh Afghanistan.
Tên lửa được ra mắt lần đầu tiên ở Mỹ dưới dạng tên lửa không đối đất cải tiến vào đầu những năm 1970. Là vũ khí đầu tiên có đủ khả năng để xuyên thủng các nhà chứa máy bay kiên cố của khối Hiệp ước Warsaw.
Tên lửa được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau, một trong số đó là loại nặng 7,3 kg, có thể xuyên thủng các mục tiêu bọc thép hoặc kiên cố và có thể được bắn từ trực thăng tấn công và máy bay ném bom cánh cố định.
Ống phóng rocket SUU-5003 được điều chỉnh để bắn 4 tên lửa CRV7.
Ngoài ra, với tầm bắn hiệu quả tối đa gần 4.000 m cho phép tên lửa có thể được triển khai từ các địa điểm bên ngoài phạm vi tác chiến của các hệ thống phòng không tầm ngắn đối phương.
Một số quốc gia đã sử dụng tên lửa CRV7 bao gồm Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Cộng hòa Séc. Các phi công chiến đấu của Canada cũng đã sử dụng tên lửa ở châu Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hiện chưa rõ Ukraine sẽ sử dụng máy bay nào để bắn tên lửa CRV7 nếu chính phủ Canada quyết định cung cấp chúng. Tuy nhiên, Ukraine đã sử dụng một số máy bay chiến đấu kế thừa của Liên Xô, bao gồm Su-24 và MiG-29 để bắn tên lửa do các đối tác phương Tây cung cấp. Ngoài ra, nước này cũng dự kiến sẽ nhận được những chiếc F-16 được NATO hứa cung cấp vào năm 2023.