Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang có chuyến thăm Mỹ, dự Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79. Đây là chuyến công tác tham dự hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trên cương vị mới.
Trả lời phỏng vấn Báo điện tử VTC News, Đại sứ Bùi Thế Giang (nguyên Vụ trưởng vụ Tây Âu, Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương) cho rằng có những điều đặc biệt trong chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79. (Ảnh: Reuters)
"Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc vào năm 1977. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta tham dự và phát biểu trực tiếp các phiên họp cấp cao tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Tại sao lại có điều đặc biệt này? Đó là vì Việt Nam trong nhiều kỳ Đại hội Đảng gần đây đều khẳng định Việt Nam không chỉ 'là bạn, là đối tác tin cậy' mà còn là 'thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế'. Chuyến đi đã đặc biệt rồi, nhưng thông điệp Việt Nam gửi gắm đến Liên hợp quốc còn đặc biệt hơn.
Việc lãnh đạo một quốc gia phát biểu tại Hội nghị của Liên hợp quốc phải xuất phát từ 2 chiều, đề nghị từ Liên hợp quốc và quốc gia đó mong muốn phát biểu. Điều này cho thấy cả Liên hợp quốc và Việt Nam có sự đồng thuận, Liên hợp quốc ghi nhận đóng góp của Việt Nam và chúng ta đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc", Đại sứ Bùi Thế Giang cho hay.
Theo Đại sứ Bùi Thế Giang, thời gian qua, Việt Nam có nhiều đóng góp chủ động và tích cực vào Liên hợp quốc ở cả cấp độ trực tiếp giữa Việt Nam - Liên hợp quốc cũng như ở cấp độ các hoạt động của Liên hợp quốc tại các cơ quan chuyên môn, diễn đàn, khu vực và lĩnh vực khác nhau, trong đó sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình là điểm nổi bật gần đây được quốc tế và Liên hợp quốc đánh giá cao.
"Liên hợp quốc ghi nhận đóng góp của Việt Nam, coi Việt Nam là tấm gương trong xóa đói giảm nghèo, tấm gương về tinh thần cổ vũ các nước đang phát triển, các nước chậm phát triển, các nước nghèo. Gương với nghĩa là Liên hợp quốc sử dụng kinh nghiệm, chính sách, biện pháp của chúng ta như là tài liệu tham khảo, tham chiếu cho các quốc gia có chung trình độ phát triển như Việt Nam. Những điều Việt Nam đạt được thời gian qua được Liên hợp quốc coi trọng, đánh giá cao", Đại sứ Bùi Thế Giang nhấn mạnh.
Chuyến thăm Mỹ, dự Đại hội đồng Liên hợp quốc và thăm cấp nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có những điều đáng chú ý. Với Mỹ, chuyến thăm lần này không chính thức, song trùng thời điểm một năm hai nước nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện.
Phái đoàn Việt Nam thăm Mỹ cũng cho thấy Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ, khi có nhiều đại diện từ các cơ quan, ban, ngành chủ chốt cùng tham gia. Đại sứ Bùi Thế Giang nhấn mạnh, quan hệ hợp tác với Mỹ có vai trò quan trọng đối với Việt Nam hiện nay, do đó phái đoàn đi cũng cần có sự tương xứng. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Đối với Cuba, Cuba là "người bạn" rất đặc biệt của Việt Nam. Hai quốc gia ở 2 bán cầu nhưng hiếm có mối quan hệ thân tình như vậy trên thế giới. Tổng Bí thư Tô Lâm không phải lần đầu đến Cuba, từng đến Cuba với các cương vị khác nhưng lần này là lần đầu với tư cách người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Do đó, thành phần đoàn tham gia chuyến thăm cũng phải đáp ứng yêu cầu đạt mục tiêu của cấp cao nhất, phục vụ mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba.
Đáng chú ý, trong chuyến thăm Mỹ lần này của đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp, làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới. Theo Đại sứ Bùi Thế Giang, các tập đoàn mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp, làm việc chủ yếu đến từ Mỹ.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Đại hội Đảng lần thứ XIV tới đây sẽ "mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam". Đấy là kỷ nguyên tạo nội lực cho Việt Nam, gắn hợp tác Việt Nam với thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, để bước nhanh, bước mạnh, bước vững chắc, nhất là khi chúng ta xác định "đi tắt đón đầu, 3 đột phá", khâu quan trọng là đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ. Đây là trụ cột mới trong quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ các tập đoàn, trong đó có các doanh nghiệp lớn về công nghệ, đặc biệt là những công nghệ "đinh", "lõi" như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... cho thấy quyết tâm của Việt Nam khi thúc đẩy hợp tác kinh tế. Và các doanh nghiệp Mỹ chính là những doanh nghiệp đang đi đầu trong lĩnh vực này.
"Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ các tập đoàn, trong đó có các doanh nghiệp lớn không chỉ phản ánh nguyện vọng của chúng ta. Mình đến, mời, gặp mà họ đến với mình cũng tương tự như việc trong những năm qua, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức vào Việt Nam năm sau đông hơn năm trước.
Tháng 3 năm nay, đoàn có hơn 50 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam. Đó là sức hút, hiệu quả của chúng ta, đồng thời cho thấy sự nhìn nhận của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài không bỏ tiền làm từ thiện, họ thấy hiệu quả mới làm", Đại sứ Bùi Thế Giang chia sẻ.
Sau chuyến thăm, làm việc tại Mỹ, dự Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz Canel Bermúdez và phu nhân.
Đoàn chính thức tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.
Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
Tham gia đoàn còn có Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; một số Ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng; bí thư thành ủy; Trợ lý Tổng Bí thư, Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc; Đại sứ Việt Nam tại Cuba...